Câu chuyện tòa án
Kết thúc buồn
Đứng trước vành móng ngựa hôm đó là một nữ bị cáo đã ngoại tứ tuần. Bị cáo liên tục lấy khăn chậm nước mắt. Vẻ mặt mệt mỏi, thẫn thờ khi nghe tòa tuyên y mức án 18 tháng tù. Đứa con gái đi theo bị cáo đôi mắt cũng đỏ hoe, nói: Mẹ sợ vô tù lắm, vì vô đó thì cả nhà em sẽ khổ. Tụi em không ai lo.
Lập gia đình, sinh con và sống cuộc sống khá an phận ở một vùng quê nghèo. Cho đến thời điểm cả vùng chuyển sang nuôi tôm, gia đình bị cáo cũng tham gia nuôi tôm công nghiệp. Chi phí đầu tư lớn nhưng mấy năm liền, gia đình bị cáo cứ thả vụ nào lỗ vụ đó. Hệ quả là nợ nần chồng chất, mấy công vuông đã phải bán bớt để trừ nợ. Các con đang trong tuổi ăn học, chi phí mỗi tháng cũng “ngốn” vài triệu đồng. Thấy kinh tế gia đình ngày càng khó khăn, con gái lớn đòi bỏ học để tìm việc làm, đỡ đần cho cha mẹ thì bị mẹ rầy: “Không được nghỉ học, để đó mẹ lo”.
Cái câu “để đó mẹ lo” được xuất phát từ miệng người phụ nữ quê, suốt đời chỉ biết chuyện nội trợ xem ra vô cùng khó. Sợ con bỏ học, trong lúc túng quẫn không biết xoay trở bằng cách nào, có người gợi ý bị cáo ghi số đề, công việc nhẹ nhàng, không phải đi xa mà tiền hoa hồng cũng có đều. Tuy biết là việc làm pháp luật nghiêm cấm, nhưng “bụng bảo dạ” rằng, làm cho đến khi hết đận khó khăn thì nghỉ.
Tòa hỏi bị cáo: Biết ghi số là vi phạm pháp luật sao còn làm? Bị cáo lí nhí trả lời: Vì túng quẫn quá. Tòa “rầy”: Hổng lẽ ai nghèo, túng tiền cũng đi làm chuyện vi phạm pháp luật hết sao? Đến đây thì bị cáo rơi nước mắt.
Bị cáo không được giảm án, bởi mức án đó đã xét hết những tình tiết giảm nhẹ. Những người có mặt tại phiên tòa đều xót xa cho hoàn cảnh của người đàn bà vì chuyện mưu sinh mà bị đẩy đến đường cùng. Biết là bị cáo sai, hành vi của bị cáo vi phạm pháp luật, việc ghi số đề với mạng lưới tay em khắp cùng các ngõ từ chợ đến quê cũng là tác nhân đẩy bao nhiêu gia đình lâm vào cảnh túng quẫn, thậm chí tan nhà nát cửa. Nhưng nhìn mấy đứa con bị cáo ở tòa, đứa nào cũng hy vọng mẹ được hưởng án treo, được về nhà để chúng còn được đến trường mà xót xa. Một gia đình thật sự đang ngấp nghé bờ vực của sự tuyệt vọng, biết vậy nhưng không ai có thể làm khác. Bởi luật pháp là luật pháp.
Bị cáo ra về trong nước mắt. Có ai đó trấn an bà: “Mức án đó nếu chấp hành tốt thì chỉ ở chừng 1 năm là được về rồi. Cứ về sắp xếp gia đình ổn thỏa rồi hãy thi hành án…”. Nhưng lời nói ấy chắc cũng như gió thoảng, bởi bà không còn nghe thấy được gì ngoại trừ những điều đang diễn ra trong đầu: Ở tù, con phải nghỉ học, vụ tôm lại thất bát...
Kim Phượng
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế vừa đảm bảo nguồn thu vừa thúc đẩy sản xuất phát triển
- Đại hội trù bị đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV - năm 2024
- Ông Triệu Trung Hiếu được bổ nhiệm Giám đốc BHXH tỉnh
- Khởi động Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao và giảm phát thải
- Tỷ phú nuôi nghêu - Huỳnh Mừng Em: Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024