Câu chuyện tòa án

Khi con nợ thành kẻ lừa đảo - Ranh giới mong manh

Thứ Sáu, 05/08/2022 | 16:16

Đầu tháng 8, TAND tỉnh Bạc Liêu đã đưa vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức do vợ chồng chủ doanh nghiệp tư nhân Gia Bảo (kinh doanh vật liệu xây dựng tại Phường 1, TP. Bạc Liêu) ra xét xử. Trong vụ án này, hai bị cáo chính của vụ án là hai vợ chồng, bị truy tố về hai hành vi, trong đó có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Vợ chồng bị cáo Hằng - Phượng tại Tòa án. Ảnh: K.P

Rất nhiều bị cáo khi bị khởi tố, điều tra, nỗi ám ảnh và lo sợ nhất không chỉ dừng lại ở mức án mà Tòa án tuyên phạt. Ẩn chứa đằng sau đó là những câu chuyện buồn về con người, khi bị xã hội nhìn nhận, đánh giá như những kẻ lừa đảo. Không ít trong số họ, xuất phát điểm hoàn toàn không phải là lừa đảo hay có ý định lừa đảo. Họ có thể là những người làm ăn kinh doanh - như trường hợp của vợ chồng bị cáo Hằng - Phượng, hoặc những người cần tiền vì những lý do gì đó phải vay mượn nợ. Và nhiều người phải oằn lưng gánh lãi suất vay bên ngoài xã hội khiến họ lâm vào cảnh túng quẫn. Vì sĩ diện, vì uy tín cá nhân, không ít bị cáo đã cố tìm mọi cách để lấp và xoay nợ. Trường hợp của bị cáo Phượng, lúc trả lời Hội đồng xét xử liên quan đến các giấy tờ sổ đỏ giả mà bị cáo thuê người ta làm, đã nói lý do: “Vì nợ nhiều người, lãi vay ngân hàng, lãi vay bên ngoài, để làm tin cho các chủ nợ, để có tiền đóng lãi, để giãn nợ, kéo dài thời hạn trả nợ… nên bị cáo làm liều”. Tức là biết sai mà vẫn làm. Và cái lằn ranh giữa nợ với lừa đảo cũng không hơn một sợi chỉ mành.

Bên ngoài xã hội, vay nợ có thể không cần thế chấp, nhưng đến một lúc khi nợ tăng cao vài trăm triệu đồng, để ràng buộc con nợ, thường các chủ nợ chuyên cho vay buộc con nợ phải có tài sản để giao dịch theo kiểu ký hợp đồng chuyển nhượng tài sản cho họ (nhà đất). Hợp đồng chuyển nhượng phải ra công chứng để làm tin. Và khi nợ tăng lên, chuyện hợp thức hóa tài sản sẽ trở thành sự thật. Giống như vụ án trên, giả sử các sổ đỏ mà bị cáo Phượng dùng để thế chấp, chuyển nhượng cho các chủ nợ là sổ thật, thì đã không có vụ án lừa đảo, mà chỉ có một gia đình mất hết tài sản, đất đai vì nợ và lãi suất vay mà không biết kêu ai.

Không thể biện minh cho hành vi sai trái của bị cáo khi cố tình làm giả giấy tờ của cơ quan nhà nước, rồi cố tình lừa những bị hại. Việc truy tố, xét xử các bị cáo là hoàn toàn đúng đắn. Nhưng ở một góc khuất nào đó, lại là những cảm nhận đáng thương.

Trên thực tế, đôi khi những hành vi của các bị cáo mang án lừa đảo kiểu này, ban đầu đều khởi phát từ nợ đến quẫn bách làm liều. Bởi nếu họ thật sự có ý định lừa đảo, có ý định quỵt tiền nợ của nhiều người thì khi ra tòa nợ bao nhiêu chỉ cần chịu trách nhiệm bấy nhiêu thôi. Nhưng nhiều bị cáo vẫn thật thà chịu trả nợ gốc, trả luôn tiền lãi thỏa thuận…

Mức án 19 năm tù cho vợ, 15 năm tù cho chồng cầm chắc ly tán một gia đình. Hệ lụy đau lòng từ những phiên tòa như thế này, vợ chồng bị cáo là thấm thía nhất. Âu cũng là điều để nhiều người cân nhắc khi hành xử, nhất là trong làm ăn kinh doanh. Chỉ cần một quyết định sai lầm, sẽ dẫn đến nhiều sự đáng tiếc sau này.

KIM PHƯỢNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.