Câu chuyện tòa án

Khi kẻ giết người… thức tỉnh lương tâm

Thứ Sáu, 08/09/2017 | 15:59

Trước vành móng ngựa, bị cáo Lê Chí Nguyện liên tục gửi lời xin lỗi đến gia đình chị Nguyễn Bích Hiền, nạn nhân trong vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng do chính bị cáo gây ra. Chị Bích Hiền, 25 tuổi, vì hành động côn đồ của bị cáo mà phải chết oan uổng cùng đứa con chưa kịp chào đời. Chị còn để lại một đứa con trai chưa đầy 5 tuổi, ngơ ngác ôm di ảnh mẹ trước tòa.

Có lẽ ở thời điểm này, bị cáo Nguyện đã thật sự hối hận vì hành động của mình. Cái hối hận, dẫu quá muộn màng, nhưng nó thật sự đến từ lương tâm của bị cáo. Nhiều lần, mỗi khi có dịp nói, thì lời nói đầu tiên, bị cáo luôn hướng về người mẹ, về người chồng, về đứa trẻ thơ là những người thân yêu của chị Hiền để nói lời xin lỗi. Cũng nhiều lần, với phần bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân, chúng tôi nhìn thấy nhiều cái gật đầu đồng ý của bị cáo.

Tôi đã từng dự nhiều phiên tòa giết người, mà ở đó, không ít hung thủ không mảy may thương xót cho cái chết của nạn nhân, thì làm gì có chuyện hối hận hay thức tỉnh lương tâm của mình. Chỉ đến khi nghe tòa tuyên án tử hình thì mới bị kích động, bị sốc. Nhưng những kẻ này, cũng chỉ rơi nước mắt cho bản thân mình, cho người thân của mình phải chứng kiến cảnh sinh ly tử biệt. Những kẻ này, thường bị loại khỏi đời sống xã hội sau đó, có lẽ đã đánh mất phần lương thiện nhất của con người, bởi quên mất lòng thương yêu đồng loại. Còn đối với bị cáo Nguyện, dù hành động giết người của bị cáo không thể nào bào chữa được, bởi nó quá sức côn đồ, quá tàn nhẫn và quá lạnh lùng. Nhưng ở một nơi nào đó, lương tâm của một con người đã trỗi dậy. Nhiều lần bị cáo cúi đầu, nói không nên lời.

Ngày mà TAND tỉnh mở phiên tòa sơ thẩm xét xử công khai vụ án giết người và tuyên án tử hình đối với bị cáo Lê Chí Nguyện (ngụ ấp Minh Điền, xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải) là một ngày buồn. Phiên tòa đông đến không còn chỗ dự khán, bởi người thân, người quen biết của nạn nhân. Họ đau xót đến tòa, mong muốn chứng kiến giờ phút cái ác phải đền tội. Anh Nghị (chồng của chị Bích Hiền) ôm đứa con trai nhỏ vừa mồ côi mẹ, ngồi ở hàng ghế bị hại, thỉnh thoảng lại vỗ về con. Nhìn cảnh hai cha con, nhiều người không cầm được nước mắt, nhất là khi nghe đại diện Viện KSND tỉnh giữ quyền công tố tại tòa luận tội bị cáo. Bởi cùng với việc tước đoạt sinh mạng của chị Hiền, bị cáo cũng đã tước đoạt luôn quyền có mẹ của bé trai, quyền được mẹ yêu thương, chăm sóc. Điều đó cũng là một nỗi đau, nỗi bất hạnh lớn nhất trong cuộc đời mỗi người.

Theo cáo trạng truy tố xác định, khoảng 16 giờ 30 phút ngày 2/1/2017, bị cáo Nguyện điều khiển  mô tô đến trại sản xuất giống của anh Cao Hữu Nghị (ngụ ấp Hòa I, xã Long Điền, huyện Đông Hải) để mượn máy thổi ôxy. Anh Nghị không có nhà, bị cáo điện thoại hỏi thuê máy nhưng anh Nghị không đồng ý. Bị cáo gặp vợ anh Nghị là chị Bích Hiền xin vô nhà xem cua giống. Nhìn thấy trong trại còn máy ôxy dư, bị cáo có đặt vấn đề hỏi nạn nhân “có cái máy dư đó sao không cho anh mượn lại đi” thì bị chị Hiền yêu cầu đi ra khỏi trại, có gì đợi chồng về tính. Khi chị Hiền bỏ đi ra cửa, bị cáo đi theo sau và rút dao (bị cáo mang theo trong người) đâm chị Hiền trúng vai phải 1 nhát, vào lưng 2 nhát, chị Hiền quay lại thì bị đâm vào ngực 1 nhát, khi chị Hiền chống đỡ thì bị cáo tiếp tục đâm thêm nhiều nhát nữa cho đến khi nạn nhân gục xuống, không phản ứng. Nạn nhân chết tại hiện trường.

Bản án tử hình là hình phạt cao nhất, nặng nề nhất cho một tội ác. Vì hành động quá nhẫn tâm của bị cáo, khi không có mâu thuẫn gì, lại có thể đâm nạn nhân đến mấy chục nhát dao. Bị cáo cũng đã sốc khi nghe tuyên án tử hình, nhưng biết làm sao, khi pháp luật cũng luôn nghiêm minh như thế. Và tội ác, luôn phải trả giá.

KIM PHƯỢNG

Chồng của nạn nhân (người đứng) tại phiên tòa. Ảnh: K.P

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.