Câu chuyện tòa án

Khoảng trống…

Thứ Sáu, 26/07/2013 | 19:36

Phòng xét xử của nhiều phiên tòa thường được bố trí hai dãy ghế song song nhau. Chẳng biết vô tình hay hữu ý, nhưng việc bố trí như thế cũng giúp dễ phân biệt giữa bên nguyên đơn và bị đơn, giữa gia đình bị cáo và phía bị hại. Chính giữa hai hàng ghế là một lối đi, tuy hẹp, nhưng với nhiều phiên tòa, đó là sự ngăn cách, là ranh giới vô hình…

Đối với nhiều người, phải ra tòa là chuyện chẳng đặng đừng, chẳng ai lấy đó làm vui, dù mình là bên thắng kiện. Trường hợp của T.A.K là một ví dụ. Gia đình em vừa thắng kiện trong một vụ án dân sự, phân chia tài sản. Nói gia đình cho “oai”, chứ thật ra chỉ là mẹ và hai anh em của K. Còn bên thua kiện cũng chẳng ai xa lạ, chính là cha và mấy đứa em cùng cha khác mẹ với K.

Ở tòa, K. và em chẳng dám chào cha, dù chỉ là một cái gật đầu, bởi sợ mẹ trách mắng. Bà ngồi bên này hàng ghế dành cho nguyên đơn, phía sau là anh em của K. Còn cha của K., ông ngồi phía bên kia hàng ghế đối diện, đi theo ông là gia đình mới có đủ mặt vợ, con. Dù không cố tình, nhưng ánh mắt ông vẫn thường nhìn về phía bên kia - nơi có hai giọt máu đào của mình, nhưng khi vấp phải đôi mắt rực lửa hờn ghét của người vợ cũ, ông lại thôi.

K. đang học đại học, đứa em thì chuẩn bị bước vào lớp 12. Dù không muốn, nhưng do bị bắt buộc nên K. và em phải cùng mẹ ra tòa. Mẹ K. muốn các con phải thấy tận mắt chứng kiến cảnh người chồng cũ đã bội bạc giờ đang sống hạnh phúc với gia đình mới. Thấy để cùng hận thù, cùng căm giận với bà. Thật ra thì hoàn cảnh kinh tế của mẹ con K. không quá khó khăn, nếu không muốn nói là khá sung túc. Và việc đòi lại tài sản, là mảnh đất chung, chẳng qua để làm cho… bỏ ghét. Trong suốt phiên tòa, K. cứ liên tục thở dài, gương mặt không vui vì không được mẹ cho phép nói chuyện với cha, với các em. Thậm chí, khi nhìn về phía bên ấy cũng vấp phải ánh mắt của mẹ, kẹt lại giữa hai hàng ghế một khoảng trống không thể lấp đầy.

Đến giờ nghị án tôi mới bắt chuyện được với K., nhưng em hết sức dè dặt vì sợ chuyện nhà bị phanh phui lên báo. Tuy K. nói không nhiều, nhưng tôi hiểu rằng, trong lòng em vẫn là một khát khao cháy bỏng, được gọi cha mình, được nói chuyện với ông và không còn sự ngăn cách. K. nói: “Chuyện người lớn, cha mẹ đã ly dị, tụi em không có ý kiến. Nhưng dù như thế nào đi chăng nữa thì ông vẫn là cha của em. Mẹ ngăn cấm như vậy, em buồn lắm”.

Nhiều người khi ra tòa, là anh em ruột thịt, là vợ - chồng hoặc cha mẹ với con cái. Thế nhưng, khi đã ở bên kia “chiến tuyến” trong một phiên tòa tranh giành quyền lợi, họ lựa chọn cách không nhìn mặt nhau, không ngồi chung một dãy ghế, không đi chung một phía. Họ còn giải thích cho cách lựa chọn của mình với những từ ngữ thật khó nghe, kiểu như “Nhìn cái mặt nó là thấy ghét. Ngồi gần, đi chung, bực quá có đổ máu thì lại mất công”…

Tôi có một người quen, anh là con út trong một gia đình khá giả. Mấy anh chị lớn cứ ít lâu là tìm đến anh để yêu cầu ký tên vào giấy tờ đất đai chỉ với một lý do: Khước từ tài sản thừa kế. Và lần nào anh cũng vui vẻ ký. Bạn bè biết chuyện nên bức xúc, ngăn cản anh. Anh hỏi lại tôi: “Nếu mình không chịu ký, họ cũng không chịu bỏ, thì phải làm gì?”. Tôi trả lời: “Thì ra tòa”. Lúc này anh mới cười: “Thấy chưa, tài sản mình còn làm được, chứ tình cảm gia đình, anh em, sao bù đắp, thôi kệ đi”. Lúc bấy giờ tôi mới thấy cảm phục anh, bởi chọn con đường tòa án, chưa bao giờ là nơi để giải quyết và kết thúc mâu thuẫn.

Kim Tuấn

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.