Câu chuyện tòa án
Lương tâm cắn rứt
Luật Hình sự có một điều khoản dành riêng cho người phạm tội, xem đó như là tình tiết giảm nhẹ đặc biệt đối với bị cáo, nếu bị cáo tự thú hành vi phạm tội của mình trước khi bị cơ quan pháp luật phát hiện. Một số người cho rằng, quy định này có phần viển vông, bởi chẳng kẻ phạm tội nào lại tự thú khi mà hành vi phạm tội của mình chưa bị phát hiện, để bị bắt, bị tù tội. Thế nhưng, thực tế đã chứng minh ngược lại.
Không ít người đã quyết định tự thú hành vi phạm tội của mình trước cả khi bị cơ quan pháp luật phát hiện, điều tra. Nhiều vụ án đã được “lật lại” từ những lời tự thú ấy. Dân gian hay nói rằng, đó là đèn trời, là công lý sáng soi. Nhưng nhiều bị cáo lại khẳng định, họ làm vậy vì lương tâm buộc phải làm. Vậy đó chính là tòa án lương tâm, mà ở đó, đôi khi sự trừng phạt còn đáng sợ hơn là những bản án tù.
Khi cái chết của L.V.P xảy ra, gia đình P. thông báo, P. tự kết liễu cuộc đời mình bằng cây dao Thái. Không chỉ hàng xóm láng giềng mà cả những người quen biết P. đều không một mảy may nghi ngờ. Bởi đơn giản là vì P., trong những ngày còn sống, là một con ma men, khi có rượu vào là thường xuyên có hành vi quậy phá, đánh nhau, gây rối khiến làng trên xóm dưới đều ngán ngẩm. Nếu một người tử tế, có cuộc sống bình thường, đột ngột cầm dao tự tử thì chắc chắn, sẽ gây sóng gió cho gia đình, thậm chí là nhiều lời bàn ra tán vào từ ngoài xã hội. Còn việc một thằng say sáng say chiều, người không ra người ngợm không ra ngợm khi có rượu vào, đột nhiên một lúc nào đó, tự kết thúc cuộc đời bằng vài nhát dao vào cổ lúc không còn kiểm soát được bản thân, chẳng khiến ai bận tâm. Do đó, cái chết của P. trong suy nghĩ của nhiều người như một lẽ tất nhiên, và cơ quan điều tra không hề biết đã có một án mạng xảy ra.
Sau khi chôn cất P., L.V.B (anh của P.) đã đến cơ quan công an tự thú về hành vi giết người của mình. Từ lời khai của B., cơ quan điều tra tiến hành khai quật thi thể P., khám nghiệm tử thi. Lúc này mọi người mới bàng hoàng khi biết, cái chết của P. là do bị giết.
Cùng phạm tội với B. còn có bà L.T.T, là mẹ ruột của P. và B. Vì sợ B. phải bị tù tội cho hành vi giết người, bà T. đã ngăn cản không cho B. đi tự thú mà kêu mọi người trong gia đình cho là P. đã dùng dao tự tử khi khai báo với cơ quan chức năng. Sau đó, bà T. lấy cây dao do B. dùng để giết P. quăng xuống ao phía sau nhà, lấy cây dao khác của gia đình bôi máu của nạn nhân để nộp cho công an.
Hành vi của bà T. cũng là bất đắc dĩ, bởi người mẹ nào mà không thương con. Nhưng nỗi đau xót vì đứa con trai chết lại chồng thêm nỗi đau (mà theo hiểu biết của bà có thể thằng B. cũng bị tử hình vì hành vi giết người) đã khiến bà có những hành vi vi phạm pháp luật.
Thế nhưng, hành vi giết người của B., ngay cả khi không cố ý cũng không thể thảnh thơi mà sống ngoài vòng pháp luật. Khi P. nhậu say, quậy phá xóm làng, B. đã giăng mùng sẵn và đi sang nhà hàng xóm để dìu P. về đi ngủ. Đưa được P. vô mùng, nhưng P. vẫn không chịu nằm im mà tiếp tục la lối, quậy phá. Anh em câu vật nhau, quá tức giận, B. đã dùng dao Thái đâm vào cổ P. gây ra cái chết cho em. Dù đã được mẹ “chỉ đạo” cho cả nhà giấu nhẹm chuyện phạm tội, xem như một vụ tự tử, nhưng lương tâm B. không thể ngủ yên. Ám ảnh về cái chết của em trai, mỗi khi nhìn xuống đôi bàn tay vấy máu là B. không sao chợp mắt được. Tội lỗi dày vò, B. đã nói, nếu không tự thú thì chỉ còn chọn cái chết để đi theo em.
Chín năm tù cho B., 2 năm tù treo cho người mẹ, nghe tuyên án mà gương mặt B. như giãn ra, quay nhìn xuống hàng ghế dự khán với ánh mắt mừng mừng tủi tủi. Cả nhà B. đều khóc, những giọt nước mắt cho người em vắn số và cũng là những giọt nước mắt cho bị cáo. Vậy mới biết, pháp luật là cái rất cụ thể, rất nghiêm minh nhưng chưa hẳn là “vạn bất biến”. Còn lương tâm của con người, tuy khó lý giải, nhưng một khi vẫn còn tồn tại trong mỗi con người, thì người đó, dù là người phạm tội, chắc chắn vẫn còn nẻo thiện để quay về.
Kim Phượng
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế vừa đảm bảo nguồn thu vừa thúc đẩy sản xuất phát triển
- Đại hội trù bị đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV - năm 2024
- Ông Triệu Trung Hiếu được bổ nhiệm Giám đốc BHXH tỉnh
- Khởi động Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao và giảm phát thải
- Tỷ phú nuôi nghêu - Huỳnh Mừng Em: Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024