Câu chuyện tòa án
Lý và tình trong một bản án ly hôn
Như sét đánh ngang tai, hai chân của L.T.L cứ chực khuỵu xuống, không thể đứng vững khi nghe vị nữ thẩm phán tuyên mình bị tước quyền nuôi con. Trước khi đặt chân vào phòng xét xử, chị đã hy vọng bao nhiêu thì giờ đây lại ngỡ ngàng, thất vọng bấy nhiêu trước một bản án thiếu tình người như thế…
Cuộc hôn nhân giữa B.Q.T và L.T.L kéo dài được hơn 9 năm thì rạn nứt nghiêm trọng và không thể hàn gắn. Tháng 8/2014, hai người kéo nhau ra Tòa án nhân dân (TAND) huyện Giá Rai xin ly hôn và được chấp thuận. Vợ chồng T. và L. có một đứa con gái đang học lớp 2 ở một trường xã của huyện Giá Rai. Do không yêu cầu giải quyết tài sản nên Tòa chỉ tuyên giao con cho người mẹ nuôi. Người chồng được tạm hoãn nghĩa vụ cấp dưỡng. L. mang con về ở với cha mẹ ruột (thuộc huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) chẳng được bao lâu thì T. xuống thăm rồi “cướp” đứa con về sống với mình, bất chấp bản án. Đêm dài, tháng rộng, L. nhớ con khóc cạn nước mắt. L. lui tới bên chồng xin được thăm con thì bị cản trở. Kể cả việc đến trường thăm con hay trò chuyện với con qua điện thoại đều bị ngăn cấm. Sau khi “cướp” được con, T. gửi đơn kháng án lên TAND tỉnh đòi quyền nuôi con.
Phiên tòa phúc thẩm diễn ra vào sáng 21/1/2015 khá căng thẳng vì cả hai bên đều cố giành quyền nuôi con. Sau khi lắng nghe hai bên chứng minh điều kiện thu nhập và nuôi dạy con, thẩm phán - chủ tọa phiên tòa khẳng định: Cả hai đều có điều kiện nuôi con ngang nhau. Mặc cho dẫn chứng của vị đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa: “Cô giáo chủ nhiệm cho hay cháu B. thường xuyên nghỉ học và học lực thuộc loại yếu…”, nhưng nữ chủ tọa vẫn tuyên bản án giao quyền nuôi con thuộc về người cha. Lý do mà vị chủ tọa phiên tòa đưa ra thật đơn giản, nếu giao con cho người mẹ nuôi thì sẽ làm xáo trộn cuộc sống, học tập của cháu. Một cách lý giải rất khó thuyết phục, bởi lẽ tình cảm mẹ con vốn đã gắn bó tự nhiên, từ thuở sinh thành. Và việc giao con cho người mẹ nuôi chỉ cần thao tác chuyển trường là xong. Vậy mà…
Một nguyên tắc rất quan trọng đã được ghi nhận trong Luật Hôn nhân và Gia đình (HN-GĐ) Việt Nam là hôn nhân tự nguyện, tiến bộ; một vợ một chồng; bình đẳng vợ chồng, bình đẳng nam nữ; không phân biệt dân tộc, tôn giáo, quốc tịch…; ưu tiên bảo vệ bà mẹ và trẻ em. Tuy trải qua nhiều lần sửa đổi nhưng đạo luật ấy đều xác định nguyên tắc đó là một nguyên tắc cơ bản, xuyên suốt trong các chương, điều, khoản của luật. Đặc biệt, khoản 4 Điều 2, Luật HN-GĐ năm 2014 còn nhấn mạnh: “Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em…, giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ”.
Có thể hiểu một cách khái quát, bảo vệ trẻ em là tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, trí tuệ và đạo đức. Còn bảo vệ bà mẹ là bảo vệ quyền làm mẹ của người phụ nữ như quyền sinh con; quyền chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con cái; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp về nhân thân cũng như tài sản của người phụ nữ.
Trong trường hợp này, nếu vị chủ tọa cho rằng điều kiện nuôi con của đôi vợ chồng ngang nhau thì giao con theo nguyện vọng của người mẹ là phù hợp nhất, đúng theo nguyên tắc của Luật HN-GĐ. Và ý kiến của vị đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa này cũng thể hiện rõ quan điểm đó. Rõ ràng, với một bản án chưa thuyết phục cả về lý và tình như vậy, ắt hẳn sẽ để lại nhiều điều tiếng không hay trong dư luận…
H.D
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế vừa đảm bảo nguồn thu vừa thúc đẩy sản xuất phát triển
- Đại hội trù bị đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV - năm 2024
- Ông Triệu Trung Hiếu được bổ nhiệm Giám đốc BHXH tỉnh
- Khởi động Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao và giảm phát thải
- Tỷ phú nuôi nghêu - Huỳnh Mừng Em: Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024