Câu chuyện tòa án
Ngẫm về chuyện đạo nghĩa vợ chồng
Trong câu chuyện xôn xao cả tỉnh thời gian gần đây, về trường hợp một tiến sĩ có nhiều vợ, nhiều con ngoài giá thú. Chuyện thật như đùa, khi có rất nhiều người phụ nữ tự nguyện đến với anh ấy, có người không biết chuyện anh có vợ con nhưng cũng có không ít người, biết rõ chuyện anh có gia đình vẫn sẵn sàng dấn thân. Ở tòa, khi được hỏi, sao lại có nhiều quan hệ ngoài vợ ngoài chồng đến thế, người đàn ông ở tuổi tứ tuần trả lời rất hồn nhiên: vì buồn.
Câu chuyện một nửa là chuyện hôn nhân gia đình, một nửa là chuyện vi phạm pháp luật của vị tiến sĩ này đã làm hao tốn nhiều giấy mực của các cơ quan báo chí truyền thông, và biết bao bình luận trái chiều của cộng đồng mạng xã hội. Nhưng có một điều ít ai nhận ra, ở giữa tâm bão ấy, giữa bao nhiêu thị phi ấy, ông chồng đào hoa kia vẫn còn có một người vợ chính thức sẵn sàng bảo vệ, che chở và tha thứ cho chồng.
Nguyễn Văn Thịnh lập gia đình từ năm 2001, vợ anh ta cũng là giáo viên, vợ chồng có 2 người con chung. Theo cáo trạng, từ giữa năm 2009, trong cuộc sống hôn nhân giữa bị cáo và vợ xảy ra mâu thuẫn, họ quyết định ly thân. Đó cũng là dấu ngoặc cho những câu chuyện dẫn đến ngày bị cáo phải ra tòa hôm nay.
Trả lời nhiều câu hỏi của tòa về những mối quan hệ ngoài luồng của mình, Thịnh cho rằng, mình đi nhiều nơi, “ăn ở” với nhiều người. Có người chỉ “tình 1 đêm”, có người thì nhiều hơn. Rồi bị cáo nhẩm đếm tên những người phụ nữ đó, chị H., chị D., chị T… Vị tiến sĩ ấy còn kết luận chắc nịch rằng, mình cảm thấy mình rất “nhân văn” khi ở với bất cứ người phụ nữ nào, bản thân cũng đều rất chân thành. Kiểu như, ai yêu mình thì mình yêu lại, ai có con với mình thì mình đều nhận con ngoài giá thú, chưa bao giờ đặt vấn đề hay yêu cầu xét nghiệm ADN để xem đó có phải con mình thật không(?!).
Có lẽ chưa có phiên tòa nào, trong quá trình xét xử, vị đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố lại tốn nhiều công sức với bị cáo như vậy. Dù phiên tòa là để xét xử bị cáo Thịnh về tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, nhưng nội dung phiên tòa lại xoay quanh những vấn đề về chuyện hôn nhân gia đình, về những mối quan hệ của bị cáo, về quan niệm và nhận thức của bị cáo với các quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình.
Dù là tiến sĩ, một người được coi là thành phần trí thức cao của xã hội, nhưng bản thân Thịnh lại có những suy nghĩ và hành xử hết sức lệch chuẩn xã hội. Như chị K.L., một người phụ nữ đã từng chung sống với Thịnh chua xót nói: “Khi có chồng, có giấy đăng ký kết hôn thì nghĩ là chồng thật của mình. Ai đời lại trở thành đồ giả”.
Trước khi phát giác ra sự việc này, bản thân chị L. luôn tin tưởng và coi Thịnh là chồng của mình. Nhưng khi sự việc đổ bể, cũng là Thịnh đó, nhưng chị L. lại coi là kẻ lừa đảo. Tại tòa, cũng có người cho rằng, vấn đề không phải ở chỗ tờ giấy chứng nhận kết hôn giả hay thật, mà chính là ở tình cảm của hai người có thật với nhau hay không. Nếu giấy giả mà tình thật, vẫn có thể tháo gỡ được.
Cũng giống như tình cảm thật sự mà người vợ gần 20 năm chăn gối dành cho mình, có lẽ bây giờ, bị cáo mới thấm thía hai chữ: đạo nghĩa vợ chồng.
KIM PHƯỢNG
Phiên tòa xét xử vụ án giả giấy tờ đăng ký kết hôn của bị cáo Nguyễn Văn Thịnh. Ảnh: K.P
- Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Hội thao kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống ngành Nông nghiệp Việt Nam
- Khai mạc Hội thao Giáo dục quốc phòng - an ninh học sinh THPT
- Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Công nghiệp công nghệ số
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long