Câu chuyện tòa án
Ngoan cố...
Một vị thẩm phán công tác nhiều năm trong ngành Tòa án, khi được hỏi kinh nghiệm xét xử những người có hiểu biết mà vẫn cố tình phạm tội, đã nói rằng dạng tội phạm này thường rơi vào các dạng liên quan đến đồng tiền, chức vụ. Đối với loại này rất ngoan cố, ít chịu nhận tội, nhất là khi chuyển sang giai đoạn xét xử, nếu chứng cứ không đủ thì đều chối phăng đi.
Họ ra tòa cốt làm sao để được nhẹ tội, thậm chí để trắng án, chứ ít kẻ ra tòa để nhận việc làm của mình đã gây hại cho xã hội. Bởi nhiều tội phạm, chỉ có chủ thể phạm tội mà khách thể thì lại chung chung, là Nhà nước, là cái chung, là tập thể nên “cha chung không ai khóc”. Đây là một thực tế đã và đang xảy ra, mà trong điều kiện hiện nay, khi trình độ pháp luật của người dân đang ngày càng được nâng cao, yêu cầu về đổi mới tư pháp, đổi mới hoạt động xét xử theo hướng đẩy mạnh tranh tụng tại phiên tòa, yêu cầu về chứng cứ buộc tội, gỡ tội hết sức chặt chẽ, đầy đủ thì nếu ngay cả những người chấp pháp (hệ thống cơ quan điều tra, truy tố, xét xử) không đổi mới kịp, không tăng cường tay nghề về nghiệp vụ, về chuyên môn thì chắc chắn, dù nhìn thấy tội phạm, phát hiện ra tội phạm nhưng để buộc tội, để bắt những kẻ phạm tội phải trả giá cho hành vi của mình không dễ dàng. Do vậy, có khi phải ngậm ngùi tuyên không đúng với mức độ, hành vi phạm tội của kẻ đó, nhưng vì hồ sơ vụ án vẫn còn kẽ hở để kẻ phạm tội có thể “lách” luật.
TAND tỉnh chuẩn bị đưa ra xét xử đường dây số đề liên tỉnh lớn nhất từ trước đến nay. Không bàn những chuyện khác, chỉ nói về số lượng bị cáo, cũng thấy đây là vụ án tổ chức đánh bạc lớn, với hàng chục đối tượng tham gia. Ai cũng biết hành vi tổ chức ghi số đề là vi phạm pháp luật, nếu bị phát hiện thì sẽ bị bắt. Nhưng các bị cáo đều chấp nhận thực hiện hành vi phạm tội, và cố làm sao để tránh bị cơ quan pháp luật “sờ” tới. Nhà có hệ thống phòng thủ, quan sát bằng camera, cửa nẻo luôn được khóa nhiều lớp, sử dụng công nghệ tiên tiến để thực hiện hành vi phạm tội, và sẵn sàng chống trả người thi hành công vụ để phi tang chứng cứ. Với những việc làm như thế, thì ai có thể nói họ phạm tội do thiếu hiểu biết?
Một câu hỏi được đặt ra, làm gì để phòng ngừa và đấu tranh chống lại những tội phạm kiểu như trên. Tăng cường hành lang pháp lý vững chắc, tiếp tục tuyên truyền giáo dục pháp luật, tăng cường công tác điều tra, phát hiện các hành vi phạm tội, xử lý nghiêm minh… Tất cả đều đúng và rất cần thiết. Nhưng sẽ hay hơn, nếu con người tự điều chỉnh hành vi của mình, tự buộc mình không được phạm tội, tự bắt mình sống trong khuôn khổ của pháp luật. Muốn có được những điều đó, chỉ có thể là giáo dục con người từ lúc bắt đầu ê a những bài học vỡ lòng. Để các em có lòng tự trọng, bởi người có lòng tự trọng sẽ không bao giờ làm những điều trái với đạo đức xã hội, trái với lương tâm. Và pháp luật, nhìn chung, cũng từ xã hội mà ra, và bảo vệ những chuẩn mực chung của xã hội.
KIM KIM
- Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV - năm 2024: “Lan tỏa tinh thần đại đoàn kết các dân tộc lên tầm cao mới”
- Quốc hội thảo luận tại tổ 4 dự thảo luật
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế vừa đảm bảo nguồn thu vừa thúc đẩy sản xuất phát triển
- Đại hội trù bị đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV - năm 2024
- Ông Triệu Trung Hiếu được bổ nhiệm Giám đốc BHXH tỉnh