Câu chuyện tòa án
Nhà báo và những phiên tòa…
Được phân công phụ trách về mảng pháp luật nên tôi thường hay lui tới những phiên tòa. Đi riết nên đâm quen khung cảnh, con người ở đó. Và vì quen nên không cảm thấy… sợ không khí ngột ngạt ở hội trường xét xử, hay vẻ mặt trang nghiêm của các quan tòa.
Cô gái mới 19 tuổi, cái tuổi quá trẻ để phải ra trước vành móng ngựa. Cô phạm một tội cũng không quá ghê gớm: ghi số đề. Thế nhưng, khi đứng trước phiên tòa, cô gái hoàn toàn không làm chủ được mình. Không chỉ lúng túng, liên tục xưng “con” với HĐXX (tuy bị nhắc nhở nhiều lần là phải xưng “bị cáo” và trả lời là thưa HĐXX hoặc thưa tòa, nhưng bị cáo cứ xưng “con” và trả lời thưa cô, thưa chú) mà bị cáo còn òa lên khóc khi HĐXX hỏi những câu hỏi khó trả lời kiểu như: Tại sao biết ghi số đề là phạm pháp mà bị cáo vẫn làm? Có biết làm như vậy là sẽ đi tù hay không?
Một người đàn ông có dáng vẻ quê mùa, chất phác có mặt ở tòa để giải quyết vụ ly hôn. Tài sản của vợ chồng anh ta chẳng có gì đáng giá ngoài căn nhà nhỏ ở thị trấn, thế nhưng người vợ muốn được sở hữu căn nhà nên đã quyết liệt giành quyền nuôi con. Ra tòa, chị ta leo lẻo kể tội chồng, miệng liếng thoắng như sợ không có dịp để nói xấu người đã cùng mình bao năm chung chăn gối. Anh chồng mỗi khi được tòa hỏi chuyện thì lại ấp a ấp úng, nói chẳng có đầu có đuôi, chẳng đâu ra đâu. Thấy anh hiền quá, một vị quan tòa đã hỏi: “Sao không thuê luật sư đi?”. Giờ nghị án, tôi lân la hỏi chuyện, mới biết anh ta từ nhỏ tới lớn đây là lần đầu tiên phải “đáo tụng đình”. Giọng vẫn chưa hết run, anh ta nói: “Tôi thấy cảnh tòa án như vậy nên run lắm. Chữ nghĩa bay đâu hết rồi. Giờ tôi chỉ muốn nói điều gì đó để tòa hiểu, để tôi được nuôi con mà cũng không biết phải nói làm sao. Cổ (vợ anh ta) bỏ đi suốt, chẳng quan tâm đến con cái bao nhiêu, nhưng hễ về nhà là lại kiếm chuyện ghen bóng ghen gió, rồi vợ chồng gây gổ, xào xáo…”. Nghe anh kể mà thấy thật xót xa vì đến lúc ấy, chỉ còn biết trông vào quyết định của hội đồng xét xử, ngoài ra, đâu còn cơ hội nào khác nữa!
Nhiều bị cáo khi ra tòa, một phần không hiểu biết pháp luật, không nghe rõ hướng dẫn của tòa, phần vì run quá mà phần xưng hô nhiều lúc nghe rất buồn cười. Những bị cáo nữ thì thường hay xưng “em” với hội đồng xét xử; còn những bị cáo đã từng là công chức thì lại thích xưng “tôi”… Trong khi ở tòa, chỉ có một danh xưng chung cho tất cả là “bị cáo” mà thôi.
Một bà mẹ của bị cáo, sau phiên tòa tuyên án con trai mình 5 năm tù, tòa tuyên quyền kháng cáo và một số bồi thường cho gia đình bị hại. Tay vẫn cầm túi thức ăn, vài món đồ cá nhân, bà định tranh thủ đưa cho con nhưng cứ lóng ca lóng cóng xung quanh khu vực tòa vì… sợ. Mấy bận tôi thấy bà dợm bước lại chỗ mấy anh công an, nhưng khi thấy họ trừng mắt nhìn mình thì bà lại thoái lui mà nước mắt rơi lã chã. Khi bắt chuyện với bà, tôi mới biết bà đã tới lui hỏi thủ tục cho con mấy bận mà vẫn chưa thông hiểu, khiến cô thư ký tòa bực mình “nạt”: Kêu ai biết chuyện lên mà hỏi. Khổ một nỗi, bà chẳng có ai đi cùng. Vừa run, vừa lo sợ, vừa xót xa cho con…, người mẹ quê mùa chỉ còn biết ôm túi đồ ngồi khóc rấm rứt.
Tôi xót cho bà một thì giận người con trai của bà đến hai. Giá mà anh ta thấy được cảnh, vì anh ta mà mẹ già phải lụy thân. Tội với Nhà nước thì chỉ vài năm tù, còn tội bất hiếu với mẹ thì tòa án nào xét xử?
Kim Phượng
- Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV - năm 2024: “Lan tỏa tinh thần đại đoàn kết các dân tộc lên tầm cao mới”
- Quốc hội thảo luận tại tổ 4 dự thảo luật
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế vừa đảm bảo nguồn thu vừa thúc đẩy sản xuất phát triển
- Đại hội trù bị đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV - năm 2024
- Ông Triệu Trung Hiếu được bổ nhiệm Giám đốc BHXH tỉnh