Câu chuyện tòa án
Nhúng chàm
Bị cáo mới ngoài 20 tuổi, không nghề nghiệp, học hành dở dang, ham chơi lêu lổng… Đó là nguyên nhân để trở thành một kẻ tội phạm trộm cắp, cướp giật…
Bị hại kể lại rằng, trước khi bị giật đồ, nghe có người nào đó ở gần mình hét lớn: “Ở đây có một thùng bự” (kiểu như ra ám hiệu). Đang không biết chuyện gì xảy ra thì liền sau đó, bị hại thấy có người nhào tới, đưa tay giật mạnh sợi dây chuyền 5 chỉ vàng 18K. Sự việc xảy ra vào khoảng 9 giờ ngày 20/2/2015, trước cổng Quán âm Phật đài thuộc khóm Bờ Tây (phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu). Sợi dây chuyền bị đứt một đoạn, bị hại liền dùng tay chụp đoạn còn lại và tri hô. Bị cáo tên Nhường (quê ở TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) liền ném đoạn đây chuyền vừa giật được cho đồng bọn và thản nhiên bỏ đi như không có chuyện gì xảy ra. Tuy nhiên, một số tiểu thương mua bán tại đây đã phát hiện bị cáo chính là người giật dây chuyền nên đã bắt giữ bị cáo. Quá trình bắt giữ bị cáo cũng khá vất vả do thời điểm đó khu vực này khá đông đúc, bị cáo lại được một nhóm người nhào vào xô đẩy, đánh “hội đồng” bị hại để giải vây…
Bị hại và nhiều người làm chứng khẳng định, qua các hành động như ra ám hiệu khi phát hiện “con mồi” để giật đồ, giật xong chuyền ngay cho đồng bọn tẩu tán tài sản, được đánh giải vây… Rõ ràng bị cáo Nhường không “tác chiến” một mình mà có hẳn một băng nhóm hỗ trợ. Tuy nhiên, do số du khách tham quan quá đông nên không thể bắt giữ những đối tượng này.
Bị cáo khai trước tòa, vào khoảng 6 giờ ngày 20/2/2015, bị cáo đi xe khách từ TP. Long Xuyên đến Quán âm Phật đài ở TP. Bạc Liêu. Đến khoảng 9 giờ cùng ngày, tại cổng Quán âm Phật đài, khi thấy bị hại đang đứng mua quà lưu niệm, trên cổ có đeo sợi dây chuyền vàng thì nảy sinh ý định cướp giật. Bị cáo cũng thừa nhận, vì không có tiền tiêu xài nên mới cướp giật tài sản của người khác. Cái điệp khúc “không tiền, cần tiền tiêu xài” trong nhiều vụ cướp giật tài sản cứ lặp đi lặp lại. Các bị cáo đều đổ lỗi cho hoàn cảnh gia đình, vì nghèo, vì không có tiền nên mới trót dại. Ít bị cáo nào nhận ra rằng, việc nghèo, việc không có tiền thì cần phải lao động chân chính để kiếm tiền. Còn đi cướp giật, trộm cắp để có tiền thì đồng tiền đó cũng không thể nào giữ được. Chủ yếu rồi cũng “nướng” vào các trò đỏ đen, các tệ nạn đầy rẫy ở bên lề cuộc sống lương thiện. Bởi một khi tay đã nhúng chàm, đã quen với các việc làm sai trái để kiếm tiền thì ít người biết quý trọng giá trị thật của đồng tiền, biết quý trọng phẩm giá của mình. Cái vòng luẩn quẩn, cần tiền: trộm cắp, cướp giật; có tiền: ăn chơi; bị bắt vào tù - cứ đeo bám nhiều bị cáo. Để rồi đến một lúc nào đó, giật mình nhìn lại, các bị cáo không có gì khác ngoài hai bàn tay trắng và một “thành tích” với đầy rẫy những tiền án, tiền sự.
Kim Phượng
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế vừa đảm bảo nguồn thu vừa thúc đẩy sản xuất phát triển
- Đại hội trù bị đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV - năm 2024
- Ông Triệu Trung Hiếu được bổ nhiệm Giám đốc BHXH tỉnh
- Khởi động Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao và giảm phát thải
- Tỷ phú nuôi nghêu - Huỳnh Mừng Em: Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024