Câu chuyện tòa án
Nợ
Trong giao dịch dân sự, nợ tiền bạc là thường xảy ra nhất, và đã nợ thì phải trả. Bởi nếu không trả sẽ rất dễ xảy ra những mâu thuẫn, tranh chấp. Nhẹ thì đưa nhau ra tòa dân sự kiện đòi nợ, nặng tay chút thì làm đơn gửi cơ quan công an, thưa tội lừa đảo. Không ít trường hợp, những con nợ phải méo mặt khi vừa phải trả nợ dân sự, vừa phải dính vòng lao lý. Oan thì không oan, nhưng chữ tình chữ lý vẫn không sao cân cho bằng.
Quẫn bách vì nợ
Là doanh nhân, trong làm ăn, không tránh khỏi có lúc khó khăn, thậm chí là nợ nần. Sợ mối làm ăn nghi ngờ mình đang thua lỗ, bị cáo T. thuê xe ô tô của anh N. để đi lại kinh doanh.
Trong quá trình làm ăn, bị cáo T. có quen biết và kết nghĩa với gia đình bà L., và cũng nợ gia đình bà này một số tiền lớn. Theo cáo trạng, do không có tiền trả, bị cáo đã mang chiếc xe thuê của anh N. nhờ bà L đi cầm cố. Số tiền cầm được T. đều cấn nợ hết cho bà L.
Không còn xe, bị cáo T. vẫn phải trả cho chủ xe là anh N. mỗi ngày thuê xe là 800.000 đồng, rồi thỏa thuận với anh N. để lấy xe khác sử dụng, bị cáo sẽ vay tiền chuộc xe trả cho anh N. Đến hạn bị cáo chưa chuộc xe được, anh N. trình báo công an. Công an thu hồi xe trả cho anh N., bị cáo T. dính vào vòng lao lý.
Làm ăn không trôi chảy, từ chuyện thuê 1 chiếc xe làm phương tiện, kết cuộc bị cáo T. vừa phải trả tiền thuê xe hơn 64 triệu đồng, vừa phải trả nợ cho bà L. 200 triệu đồng (từ tiền cầm cố xe sai quy định), và phải trả luôn tiền cho bên thứ ba (bên nhận cầm cố) thêm 200 triệu đồng. Rồi bị cáo lại bị truy tố ra tòa vì tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, chịu án tù.
Tình ngay lý gian
Nhiều người cảm thấy xót xa cho bị cáo. Bị cáo T. khai rằng, vì nợ bà L., bị cáo đã bị gia đình bà này mang xe đi cầm để xiết nợ. Bà L. đã cảnh cáo T. rằng: “Nếu hôm nay không trả tiền thì mày cũng không yên”. Vì vậy, dù bị bà L. lấy xe xiết nợ, bị cáo T. cũng không dám phản kháng và cũng không dám báo công an.
Luật sư Lê Thanh Thuận, thuộc Đoàn luật sư tỉnh Cà Mau, người bào chữa cho bị cáo T. đề nghị, trong vụ án này, chứng cứ để chứng minh bị cáo có phạm tội hay không chưa được làm rõ. Không có căn cứ xác định bị cáo T. phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản vì khi gặp anh N. (là chủ xe ô tô), bị cáo có nói xe bị xiết nợ nhưng anh N. vẫn đồng ý cho bị cáo thuê xe tiếp và nhận tiền thuê xe, do vậy đây chỉ là hợp đồng dân sự bình thường.
Không chỉ luật sư của bị cáo T., trong cả hai cấp xét xử, những người biết qua về vụ án cũng đều cảm nhận rằng, bị cáo T. không đáng để bị phạt tù. Nhưng đó là về mặt tình, còn về lý, sờ sờ ra đó vẫn là chiếc xe của anh N. bị mang đi cầm cố một cách bất hợp pháp, bị cáo T. lại không có giải thích rõ ràng, không có cách xử sự minh bạch. Vả lại lời khai bị cáo T. trước sau mâu thuẫn với nhau, nên khi xảy ra chuyện, dễ gì những người có liên quan khác chịu nhận hành vi của mình là phạm tội.
Phải tỉnh táo
Một người công tác trong ngành Tư pháp (xin được giấu tên) đã nói với chúng tôi, nếu không đủ tỉnh táo thì không nên dính líu đến những vấn đề có tính chất pháp lý quá nhiều, vì rất dễ “chết”. Trong trường hợp của bị cáo T., ban đầu chính là nạn nhân của nợ nần, đó là chưa nói đến những khuất tất đằng sau đó như tình trạng cho vay nặng lãi, xiết tài sản trừ nợ… Song, nếu bị cáo T. xử sự đúng đắn, bình tĩnh hơn, thì có lẽ, đối tượng phải vướng vòng lao lý là người khác, chứ không phải T. Vì vậy, khi bị kẻ khác uy hiếp, xiết nợ một cách bất hợp pháp thì phải yêu cầu pháp luật bảo vệ ngay.
KIM PHƯỢNG
- Tập huấn phần mềm kiểm kê tài sản công cho hơn 600 cán bộ
- Tổng rà soát người điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có chất ma túy
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Quốc Việt làm việc với các bệnh viện về tình hình chuẩn bị đại hội
- Nhạc sĩ Nguyễn Quốc (Bạc Liêu) đoạt giải B tại Liên hoan Âm nhạc toàn quốc
- TP. Bạc Liêu: Bàn giải pháp ứng phó với sạt lở tuyến đê biển Đông