Câu chuyện tòa án
Phiên tòa không nước mắt
Nhiều người thường hay nghĩ rằng, chỉ có những phiên tòa với tình tiết gây cấn (như giết người, hiếp dâm) hay những vụ ly hôn “tan đàn xẻ nghé” thì mới có nhiều nước mắt. Điều này cũng chưa hẳn đúng…
Có rất nhiều vụ kiện đã làm hao tốn biết bao nước mắt của đương sự, của những người trong cuộc ngay từ khi nó chỉ mới hình thành, chưa kịp ra chốn tụng đình. Không án mạng, không chia ly nhưng vẫn có những nỗi niềm xót xa, ray rứt. Nhiều người nghe nói thế đã bật cười, vì những chuyện như tranh chấp nhau cục đất, kiện nhau đòi ít tài sản, giành nhau căn nhà… thì việc thắng - thua là lẽ thường tình, hơi sức đâu mà rơi nước mắt!
1. Kết thúc phiên xét xử sơ thẩm tranh chấp quyền sử dụng đất, trong khi mọi người kéo nhau về hết thì chị L. vẫn thẫn thờ đứng chôn chân một chỗ. Không biết chị sẽ còn đứng ở đó thêm bao lâu nữa, nếu như người bảo vệ của tòa không đến nhắc chị bước ra ngoài để đóng cửa. Thua kiện, mất đất và công sức để theo vụ kiện đến lúc này đây, chị L. cảm thấy mình như mất trắng.
Chị L. nói: “Đất của cha mẹ, vì mình ít học, giấy tờ không rành, lại không thân không thích nên khổ lắm”. Cái “khổ” mà chị nói là cái khổ của “con kiến mà kiện củ khoai”, là cái khổ của những người bị rơi vào tình cảnh “tình ngay lý gian”, thậm chí, nhiều trường hợp, có lý mà vẫn bị bác đơn. Bởi pháp luật luôn có những khoảng cách để vận dụng, và “dụng” như thế nào còn phụ thuộc không chỉ “tài” mà còn “tâm” của người thẩm phán. Có người chia sẻ với mình, chị như trút hết nỗi lòng: “Lúc nãy, khi nghe tòa tuyên xong, tôi muốn khóc lắm, nước mắt cứ chực trào ra. Nhưng tôi cố gắng kìm lòng. Bên kia họ cười hả hê, mình khóc thì người ta càng cười dữ. Đành nuốt nước mắt vào trong chứ trong lòng đau lắm”.
2. Phiên tòa xử vụ tranh chấp tài sản giữa hai chị em T. và H. Vụ kiện này đã kéo dài từ ấp lên xã rồi mới ra tỉnh. Căn nhà và mảnh đất mà anh H. đứng tên quyền sử dụng có nguồn gốc là của cha mẹ, vì H. là con trai út nên được ông bà “ngấm ngầm” cho, dù không có giấy tờ. Các anh chị tuy có biết nhưng không lên tiếng phản đối vì H. đang nuôi cha mẹ già. Đùng một cái, người cha mất. Lo hậu sự cho cha xong, H. tuyên bố với anh chị là nhà và đất là của mình, đã có sổ đỏ, H. còn có ý định sẽ bán đi một phần đất để làm vốn kinh doanh. Lúc này các anh chị mới “té ngửa” ra, chẳng biết bằng cách nào, nhưng trong hồ sơ giấy tờ của H. đã có đầy đủ chữ ký của cả cha và mẹ.
Còn bà mẹ già là chứng cứ duy nhất, H. thì ra sức bảo vệ mẹ, còn chị T. và các anh em khác thì ra sức “bắt” mẹ về ở với mình. Cuộc chiến nghiêng về “phe” đông hơn, bà mẹ khóc hết nước mắt năn nỉ các con nhưng cũng không được yên thân, đành theo con gái dọn đi nơi khác ở. Rước được mẹ rồi, chị T. và các anh em khác đưa mẹ ra phường, làm đơn yêu cầu thưa H., nói là H. lừa đảo mẹ già, chứ mẹ chẳng có ký thác giấy tờ cho tài sản. Từ chứng cứ này, họ cùng đứng đơn thưa em trai mình làm giấy tờ giả, sổ đỏ cấp không đúng để đòi lại tài sản của cha mẹ. Tội nghiệp bà cụ đã ngoài 70 tuổi, lúc nào gặp cũng chỉ biết khóc và khóc. Con gái nói, nghe cũng có lý, khóc vì buồn con trai út bất hiếu. Đến khi nghe con trai út nói, khóc vì giận con gái gạt mẹ. Gặp tôi, bà khóc vì tủi thân: “Con nào cũng là con, tôi thương hết thảy, mà sao tụi nó không hiểu lòng mẹ. Giờ tranh giành, thưa kiện nhau như vậy, tôi đau lòng lắm. Mẹ nào mà muốn ra tòa thưa kiện con mình. Sao không chịu bàn bạc với nhau. Một giọt máu đào còn hơn ao nước lã…”.
Ngày ra tòa sơ thẩm, bà mẹ ngồi im bất động, không nói chuyện với ai. Mọi người cũng tập trung vào phiên tòa, tạm quên đi người mẹ già nua đang ngồi thu lu một góc. Lần này thì bà không còn khóc lóc như những lần trước. Nhưng mấy ai biết được, nước mắt đã cạn hay vẫn đang âm thầm chảy ngược vào trong?!
Kim Tuấn
- Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV - năm 2024: “Lan tỏa tinh thần đại đoàn kết các dân tộc lên tầm cao mới”
- Quốc hội thảo luận tại tổ 4 dự thảo luật
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế vừa đảm bảo nguồn thu vừa thúc đẩy sản xuất phát triển
- Đại hội trù bị đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV - năm 2024
- Ông Triệu Trung Hiếu được bổ nhiệm Giám đốc BHXH tỉnh