Câu chuyện tòa án
“Quả lừa” trên mạng
Trước thực trạng mạng Internet, công nghệ viễn thông đang ngày càng phát triển và có xu hướng mở rộng với nhiều dịch vụ đa cấp, đa chức năng, việc bán hàng trên mạng trở nên “hot” và được nhiều người áp dụng, kinh doanh có hiệu quả. Song song với những cá nhân, đơn vị làm ăn chân chính, cũng có không ít bọn tội phạm đã lợi dụng mạng Internet để lừa đảo, kinh doanh mang tính chất trá hình.
H.C.N (sinh năm 1991, hộ khẩu thường trú xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) khai nhận trước tòa rằng, bản thân mình không có nghề nghiệp ổn định, cũng không có nguồn thu nhập cá nhân nào khác ngoại trừ việc mua bán trên mạng. Ban đầu thì mua thật, bán thật. Dần dà thấy công việc dễ dàng, người mua càng dễ dàng hơn nên N. phát sinh suy nghĩ tiêu cực. Rao bán hàng, nhận tiền nhưng không giao hàng. Thậm chí, để khách hàng khỏi mất công liên lạc tới lui, N. còn chủ động dùng sim điện thoại rác để nhắn tin cho khách hàng biết, họ đã nhận “quả lừa”. Trong số 36 người là khách hàng của H.C.N, không ít người đành “ngậm bồ hòn” khi nhận được tin nhắn từ N. và cũng không báo công an. Họ xấu hổ, ngại thưa kiện vì bản thân bị lừa quá đơn giản và dễ tin, dù không có cơ sở gì để tin kiểu bán hàng này.
Một chiếc điện thoại Iphone 4, 4S được N. rao bán với giá chỉ từ 2 - 3 triệu đồng, máy tính bảng Ipad 2 từ 4 - 5 triệu đồng… Với mức giá rẻ như bèo, nếu có giao hàng, thì chắc chắn, hàng hóa đó hoặc là hàng giả, hàng hỏng hóc, thậm chí cũng có thể là hàng trộm cắp. Với những lời đường mật trên mạng Internet kiểu như, “mình cần bán gấp điện thoại vì kẹt tiền”, hoặc “có cái điện thoại hàng xách tay về nên giá rẻ” hay “điện thoại xài rồi, còn mới 90%”… đã nhanh chóng đưa nhiều người vào tròng vì mê điện thoại hàng hiệu, lại có giá “mềm”.
Bị cáo H.C.N thừa nhận hành vi phạm tội của mình là sử dụng mạng Internet để đăng tin bán tài sản là các loại điện thoại và máy tính bảng. Khi nhận được tiền của người đặt mua tài sản thì không giao tài sản như thỏa thuận. Qua đối chiếu thông tin tài khoản ATM thì N. đã chiếm đoạt của 36 người bị hại với tổng số tiền trên 82 triệu đồng. Sự việc bắt đầu từ cuối năm 2013 cho đến khi bị bắt, H.C.N quảng cáo bán điện thoại trên mạng. N. yêu cầu khách hàng phải chuyển tiền trước cho mình từ 50 -100% giá trị của sản phẩm thì mới chuyển hàng. Những tài khoản do N. chỉ định có cái do N. đứng tên chủ tài khoản nhưng có cái cũng do người khác đứng tên. Sau này khi điều tra mới phát hiện ra, những tài khoản đó là bạn bè, người quen của N. Tất cả các trường hợp đã chuyển tiền cho N., bị cáo đều không chuyển hàng như thỏa thuận mà cắt đứt liên lạc, thay đổi số điện thoại di động đã đăng trên mạng.
Nếu như những người bị hại dễ dàng bị lừa vì tin vào những lời rao bán hàng trên mạng, chấp nhận rủi ro bằng việc chuyển tiền trước cho người bán để mua được món hàng mà họ yêu thích thì bản thân bị cáo cũng quá ngây thơ khi cho rằng, việc lừa đảo của mình không ai biết, không thể tìm ra chỉ cần bỏ sim điện thoại. Đến khi cơ quan điều tra vào cuộc, dẫu có chạy đằng trời thì sớm hay muộn gì chân tướng kẻ lừa đảo cũng sẽ bị phát hiện mà thôi.
Kim Phượng
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế vừa đảm bảo nguồn thu vừa thúc đẩy sản xuất phát triển
- Đại hội trù bị đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV - năm 2024
- Ông Triệu Trung Hiếu được bổ nhiệm Giám đốc BHXH tỉnh
- Khởi động Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao và giảm phát thải
- Tỷ phú nuôi nghêu - Huỳnh Mừng Em: Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024