Câu chuyện tòa án
Sinh nghề tử nghiệp
Cách đây khoảng chục năm, ai khi được hỏi mà nói đang làm ở ngành Ngân hàng là nhận lấy sự ngưỡng mộ của rất nhiều người. Bởi ngành đó luôn gắn với hình ảnh đẹp đẽ về một công việc nhẹ nhàng, sang trọng và thu nhập cao…
Một phiên xét xử cán bộ ngân hàng tại TAND tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: K.P
Giờ nói đến làm ngân hàng, ít nhiều nhận lấy những cái lắc đầu, le lưỡi. Bởi ngày càng có quá nhiều hình ảnh cán bộ ngân hàng phải ra trước vành móng ngựa, lãnh án tù vì những sai phạm trong ngành này khắp nơi trên cả nước, và Bạc Liêu cũng không ngoại lệ.
NGHỀ… NHIỀU RỦI RO
TAND tỉnh Bạc Liêu vừa đưa ra xét xử lại vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” vào ngày 26/10/2017 mà nhân vật chính là Quách Lạc, nguyên Giám đốc Ngân hàng Nam Việt - Navibank. Cùng bị truy tố ra tòa còn có Trần Thanh Hoa, 36 tuổi, nguyên Phó Giám đốc của chi nhánh ngân hàng này. Phiên tòa đã thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận bởi số tiền thất thoát hàng chục tỷ đồng, và những bị cáo có liên quan đến cán bộ trong lĩnh vực ngân hàng.
Trước đó, vào cuối năm 2016, TAND tỉnh cũng đưa một vụ án liên quan đến ngành ngân hàng ra xét xử. Các bị cáo là giám đốc, phó giám đốc chi nhánh ngân hàng tỉnh, giám đốc phòng giao dịch, cán bộ tín dụng, kế toán, thủ quỹ phải ra tòa vì hàng loạt sai phạm liên quan đến Ngân hàng Việt Á (VAB)- Chi nhánh Bạc Liêu. Các bị cáo bị truy tố vì đã cấu kết, thực hiện hành vi lừa dối các nhân viên dưới quyền, chỉ đạo làm hồ sơ cho khách hàng vay, thế chấp sổ tiết kiệm hoặc mượn sổ tiết kiệm của khách thế chấp để rút và chiếm đoạt nhiều tỷ đồng của VAB Bạc Liêu.
Với lĩnh vực kinh doanh liên quan đến tiền tệ, ai cũng dễ nhìn thấy, xung quanh cán bộ của ngành Ngân hàng luôn vô vàn cám dỗ. Cầm tiền tỷ trong tay, nhưng nếu không đủ tỉnh táo, không tuân thủ theo các quy định pháp luật một cách chặt chẽ, hoặc chạy theo thành tích, chỉ tiêu, hoặc chỉ đạo ngoài quy định…; có thể là sơ suất trong quản lý điều hành, cũng có thể vì vụ lợi cá nhân, thậm chí chỉ đơn giản là thực hiện theo yêu cầu của cấp trên, nhưng một khi đã sai, thì nguy cơ vướng vòng lao lý chỉ là chuyện sớm hay muộn mà thôi.
Ở TÙ VÌ… CẢ NỂ
Trong vụ án xử bị cáo Võ Thành Công, nguyên Giám đốc Ngân hàng VAB - Chi nhánh Bạc Liêu, có các bị cáo Trần Công Thuấn, Võ Anh Trung là cán bộ tín dụng; Đặng Thị Bích Ly là kế toán; Mã Ngọc Kim Chi, Lê Thị Mỹ Diễm là thủ quỹ của ngân hàng đã vi phạm việc làm hồ sơ tín dụng không giao dịch trực tiếp với khách hàng, không có sổ tiết kiệm nhưng vẫn lập phiếu nhập ngoại bảng tài sản vào máy, không lưu giữ tài sản vào kho quỹ, không chi tiền trực tiếp cho khách hàng, không biết các sếp ký giả chữ ký khách hàng… dẫn đến hậu quả thất thoát gần 20 tỷ đồng. Nếu bị cáo Công bị tuyên phạt 18 năm tù giam thì các bị cáo là cán bộ tín dụng, kế toán, thủ quỹ cũng bị phạt mỗi bị cáo từ 10 đến hơn 12 năm tù giam với cùng tội danh “Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Bất ngờ, đau đớn, bởi các bị cáo phần lớn chỉ là nhân viên bình thường, cũng không tư lợi cá nhân, không ăn chia trong số tiền hàng chục tỷ đồng đó. Vì là nhân viên, phải “nhắm mắt” làm theo chỉ đạo của sếp, không dám cãi. Các bị cáo, sau khi nghe tuyên mức án cho mình, có người đã không thể trụ nổi bởi cái giá phải trả quá lớn cho việc cả nể, tin và nghe lời sếp tuyệt đối.
Thận trọng trong nghề nào cũng là cần thiết, đặc biệt với lĩnh vực tài chính tiền tệ. Chỉ cần “trật con tán bán cả con trâu” hay “sai một ly đi một dặm” từ đó sai một quy định là có thể dẫn đến thất thoát hàng tỷ đồng. Cái giá phải trả cho chuyện “sinh nghề, tử nghiệp” là quá lớn.
KIM PHƯỢNG
- Tập huấn phần mềm kiểm kê tài sản công cho hơn 600 cán bộ
- Tổng rà soát người điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có chất ma túy
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Quốc Việt làm việc với các bệnh viện về tình hình chuẩn bị đại hội
- Nhạc sĩ Nguyễn Quốc (Bạc Liêu) đoạt giải B tại Liên hoan Âm nhạc toàn quốc
- TP. Bạc Liêu: Bàn giải pháp ứng phó với sạt lở tuyến đê biển Đông