Câu chuyện tòa án
Suy ngẫm từ những câu chuyện rút ra qua mùa dịch COVID-19
Nhiều người đến tận khi bị bắt tạm giam, bị khởi tố điều tra, rồi phải ra tòa vì vi phạm liên quan đến các quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vẫn không hình dung được, chỉ vì những hành vi tưởng như đơn giản của mình, lại phải gánh chịu trách nhiệm nặng nề. Trong những câu chuyện liên quan đến các bị can, bị cáo của các vụ án như thế này, nhiều trường hợp thật xót xa. Họ - những người trong cuộc, dẫu rất ăn năn, hối hận, nhưng pháp luật vẫn phải đảm bảo tính nghiêm minh.
Trong lúc ngồi chờ tòa nghị án, cha của bị cáo Trần Văn Đồng Em (sinh năm 1989, ngụ ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long) bị Tòa án nhân dân (TAND) huyện Phước Long xét xử sơ thẩm hình sự về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự vẫn nguyên nét mặt thất thần. Ôm đứa cháu nội vào lòng, ông than: “Vì hoàn cảnh khó khăn, vợ chồng nó (tức bị cáo) ly hôn. Nó một mình phải vừa nuôi con nhỏ vừa nuôi 2 vợ chồng tui. Nó sợ nếu cách ly 21 ngày thì cả nhà mấy miệng ăn bị đói, với nó không nghĩ nó bị bệnh. Chứ nếu biết mình bệnh thì không dám không khai báo đâu. Lây dịch bệnh cho người ta thì tội chết, cô à!”. TAND huyện Phước Long vào thời điểm xét xử là tháng 11/2021 xác định, bị cáo Trần Văn Đồng Em có tiền sử dịch tễ vì đi đến vùng dịch là chợ Bình Điền (TP. Hồ Chí Minh), nhưng khi về Bạc Liêu đã không khai báo đầy đủ. Từ đó đã làm lây lan dịch bệnh cho bà Trương Thị Thao (ngụ xã Phước Long), đồng thời gây ảnh hưởng đến 116 người dân trên địa bàn huyện Phước Long (gồm 26 người cách ly tập trung và 90 người cách ly y tế tại nhà). TAND huyện Phước Long đã tuyên Trần Văn Đồng Em phạm tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”, phạt bị cáo 1 năm 6 tháng tù. Nhiều người có mặt hôm ấy không khỏi xót xa thương cảm cho hoàn cảnh của gia đình bị cáo, bởi nếu bị cáo chấp hành án tù thì cuộc sống của 2 người già quá tuổi lao động và đứa trẻ mới 3 tuổi chẳng biết dựa vào ai.
Hay như vụ Hoàng Văn Thừa gây thương tích cho 2 cán bộ công an trong khu cách ly tại Trường mầm non xã Phong Thạnh Tây A (huyện Phước Long). Tại phiên tòa, bị cáo Thừa đã nhận hoàn toàn trách nhiệm, tỏ thái độ hối lỗi, trước đó còn động viên gia đình nhanh chóng bồi thường các chi phí điều trị cho 2 người bị hại nên được họ viết đơn xin giảm nhẹ cho bị cáo. Không những vậy, trong phiên tòa, nhiều lần bị cáo đã thể hiện thái độ hối hận vì tại thời điểm đó, suy nghĩ nông cạn, do bị cách ly nhiều ngày nên tâm lý không ổn định. Đến khi chuyện đã xảy ra thì hậu quả mà bị cáo phải gánh chịu là bản án tù tội khiến vợ xa chồng, con xa cha.
Phiên tòa xét xử bị cáo Hoàng Văn Thừa tại TAND tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: K.P
Không chỉ những vụ án đã được đưa ra xét xử, tại Bạc Liêu vẫn còn 2 vụ việc liên quan đến hành vi vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người trong giai đoạn dịch bệnh. Đó là 2 vụ việc liên quan đến bị can Phan Ngọc An (Công ty Tài chính F88) và Nguyễn Huỳnh Như (Công ty mỹ phẩm Đông Anh), hiện vẫn còn nhiều dư luận bức xúc vì lâu quá vẫn chưa đưa ra xét xử. Nhiều người dân cho rằng, nếu để kéo dài, chậm đưa ra xét xử thì không công bằng và cũng giảm tính giáo dục, răn đe.
KIM PHƯỢNG
- Tập huấn phần mềm kiểm kê tài sản công cho hơn 600 cán bộ
- Tổng rà soát người điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có chất ma túy
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Quốc Việt làm việc với các bệnh viện về tình hình chuẩn bị đại hội
- Nhạc sĩ Nguyễn Quốc (Bạc Liêu) đoạt giải B tại Liên hoan Âm nhạc toàn quốc
- TP. Bạc Liêu: Bàn giải pháp ứng phó với sạt lở tuyến đê biển Đông