Câu chuyện tòa án

Thương - ghét chốn pháp đình

Thứ Sáu, 04/11/2016 | 15:03

Chắc nhiều người khi nghe đến hai chữ “tòa án” là nghĩ ngay đến sự uy nghi của chốn pháp đình, của những vụ án kinh thiên động địa, hoặc chí ít cũng cảm thấy hoang mang khi có trát mời. Nhưng đó là chuyện “xưa như trái đất”! Thời bây giờ, động nhau một tí, người ta cũng có thể kéo nhau ra tòa. Không chỉ hành hạ nhau, người ta còn hành hạ cả tòa, làm nhiều vị “quan tòa” khi ngồi Hội đồng xét xử cũng “đau đầu nhức óc”.

 Một vị “quan tòa” chuyên ngồi Hội đồng xét xử các vụ án dân sự bộc bạch, đừng tưởng ngồi trên này xử án mà… ngon! Nhiều lúc phải nói là ngán ngẩm, khi các bên lôi nhau ra tòa chỉ vì những mâu thuẫn vụn vặt không được giải quyết thấu đáo. Muốn mở một phiên tòa để đưa vụ án ra xét xử, phải qua rất nhiều thủ tục tố tụng, có khi kéo dài nhiều tháng trời. Chi phí bỏ ra để thực hiện, rồi nhân sự đủ thứ chỉ để xử những chuyện… chẳng đâu ra đâu. Hội đồng xét xử, cũng là những con người được trao nhiệm vụ, nhiều lúc ức chế quá, chỉ mong được đứng ngang hàng với các đương sự, mắng cho các bên, mỗi bên mấy câu. Bởi nguyên nhân chủ yếu của nhiều mâu thuẫn, kết cuộc lại chỉ là mấy chữ yêu - ghét nhau mà thôi. Đúng như dân gian có câu: “Thương nhau thương cả đường đi/ Ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng”.

Hai bên là hàng xóm láng giềng, thân nhau đến mức, nhà bên này ăn cái gì nhà bên kia đều có phần, có gì vui buồn cũng chia sẻ cho nhau. Con ông A và con ông B học chung trường, chung khối lớp. Hàng ngày đều í ới gọi nhau đi học. Ngày thi đại học, con ông B thì đỗ vào trường đại học ở Sài Gòn trong khi con ông A chỉ đậu được trường ở tỉnh. Tuy không ai nói với ai câu nào, nhưng nhà ông B ăn mừng con đậu đại học rất rình rang. Lúc tiệc rượu ngà say, nhiều người cụng ly chúc mừng, ông B đã buộc miệng nói: “Học ở Sài Gòn mới đáng, học mấy chỗ khác lôm côm lắm”. Ông A nghe được câu nói này, ôm hận trong lòng. Hai nhà nghịch nhau chỉ vì hai thằng con đậu đại học ở hai nơi khác nhau.

Hàng xóm láng giềng với nhau, nhà chung vách, ruộng vườn chung bờ ranh, lúc thuận thảo thì anh anh em em, có gì cũng xí xóa bỏ qua. Tới lúc không vui, một cái cây chồm qua nhà, một con chó cắn chết con gà cũng thành lớn chuyện. Cái ranh đất, cũng phải đo từng li từng tí. Chỉ trật có 2 tấc đất, ông A cũng dứt khoát không chịu. Hòa giải ở ấp rồi lên xã, cỡ nào cũng không thành. Bởi ngay cả ban hòa giải cũng không thể biết hết thực chất của mâu thuẫn giữa hai nhà, nếu không có sự sâu sát tìm hiểu. Cuối cùng đành kéo nhau lên tòa án để phân chia. Mà chuyện gì ra đến tòa, nếu xử thì phải có bên thắng bên thua. Bên thắng thì giương giương tự đắc, bên thua lại tiếp tục ôm mối hận. Thế là mâu thuẫn chỉ thêm chất chồng mâu thuẫu.

Quy định của tòa án cũng có phần hòa giải tại tòa, đó là một thủ tục tố tụng bắt buộc. Cũng xuất phát từ quan điểm của Đảng, Nhà nước ta thấy rõ, hạn chế đến mức thấp nhất phải đưa vụ án ra xét xử, nếu có thể hòa giải được. Bởi chuyện yêu - ghét của con người đã khó, chuyện thương - ghét nhau chốn pháp đình càng khó khăn hơn.

Tuy nhiên, cái “nhọt” nhỏ ở ấp, nơi gần gũi với các bên xảy ra mâu thuẫn nhất mà không được chữa trị kịp thời, khi lên đến xã, rồi ra đến tòa thì nó thành cái “ung” mất rồi. Tới đó, nếu hòa giải được thì tốt, nếu không thì chỉ còn cách cắt nó đi. Mà vết thương thể nào cũng để lại sẹo, sẹo từ chuyện yêu - ghét của con người thường luôn khiến người ta nhớ lâu. Ở rất nhiều phiên tòa bây giờ, các bên đương sự kiện nhau về tranh chấp đất đai đều có mối quan hệ hàng xóm láng giềng, bà con thậm chí là anh em ruột thịt. Đôi khi chỉ từ cục đất, họ còn sẵn sàng lao vào đánh nhau, chửi nhau, đi tù luôn vì mâu thuẫn thua kiện tại tòa. Cho nên, ngay cả thắng kiện ở tòa cũng chưa chắc đã là một điều may mắn. Bởi mất tình mất nghĩa với nhau, cũng vì cái thắng - thua ở chốn này.

KIM PHƯỢNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.