Câu chuyện tòa án
Trả giá
Theo báo cáo từ cơ quan CSĐT, trong 6 tháng đầu năm 2013, trên địa bàn tỉnh xảy ra 6 vụ án mạng giết người và hàng chục vụ cố ý gây thương tích mà hành vi của nó cũng dễ dẫn đến chết người nếu nạn nhân không được cứu giúp kịp thời. Điều đáng nói là trong số những vụ án mạng ấy, hầu hết đều xuất phát từ những mâu thuẫn rất nhỏ. Và đằng sau những phiên tòa, không chỉ là hình phạt mà nặng nề hơn là bản án của lương tâm con người…
Hình ảnh bị cáo nữ, là người vợ đã giết chồng bằng những nhát dao oan nghiệt cứ ám ảnh mãi trong tâm trí tôi. Không phải vì hành động giết chồng quá tàn nhẫn, cũng không phải vì bị cáo là phụ nữ sao lại có thể ra tay giết một người đàn ông khỏe mạnh, lại là chồng mình bằng nhiều nhát dao; mà đó chính là những giọt nước mắt cứ lăn dài trên gương mặt tiều tụy, hốc hác của bị cáo - người vợ - trước phiên tòa. Những giọt nước mắt của chuỗi ngày đau khổ, hối hận, lương tâm bị giày vò. Bị cáo nói với tòa mà như nói với chính mình về sự hối tiếc, về hành động bộc phát không thể kiềm chế của bản thân. Dù mức án tù dành cho bị cáo dưới mức của khung hình phạt vì tòa nhận định, bị cáo phạm tội trong hoàn cảnh tinh thần bị kích động mạnh (điều này đã khiến gia đình của bị hại bức xúc), nhưng vẻ mặt của bị cáo cũng chẳng vui hơn là mấy, nước mắt vẫn giọt vắn giọt dài. Được gặp bị cáo trong một thời điểm ngắn ngủi, bị cáo thẫn thờ nói: Tòa tuyên án bao nhiêu năm tù thì cũng vậy thôi. Bởi gia đình tan nát hết rồi, chồng chết, con thì bị bên nội cấm tiệt không cho gặp mặt với tội danh “mẹ mày là quân giết người”. Bị trừng phạt như thế còn nặng nề hơn là gánh lấy cái chết.
Đằng sau những án mạng, những hành động giết người…, thì bản án tù hay hình phạt tử hình chưa phải là đoạn kết cho những tội phạm giết người. Mà những gì đằng sau nó mới khiến người ta thấm thía, đau đớn. Phải chi bớt một chút nông nổi, biết kiềm chế mình hơn thì đã không dẫn đến những kết cuộc đau lòng.
Có nhiều vụ án giết người đơn giản đến mức khó lý giải. Chẳng hạn như chỉ vì phật lòng một câu nói, hay một cái nhìn đểu, hoặc thách thức nhau trong sòng nhậu… là đã có thể ra tay sát thương nhau. Thậm chí như trường hợp của bị cáo Lâm Trọng Tín (ngụ huyện Giá Rai), đang ngồi nhậu, Tín nghe tin một người bạn bị đánh, vậy là lập tức kéo nhau đi “cứu”. Vừa đến nơi, chưa rõ ai đánh ai, ai đúng ai sai, Tín đã nhảy vào dùng dao đâm anh N.T.D khiến nạn nhân tử vong dù chẳng liên quan gì đến vụ đánh nhau. Và Tín đã phải trả giá cho hành động nông nổi của mình bằng mức án tù chung thân.
Ở nhiều phiên tòa xét xử kẻ giết người, những người đến nghe xét xử nhiều lúc phải kêu lên, bởi sự lạnh lùng của kẻ phạm tội. “Còn trẻ tuổi, còn ngông cuồng nên chưa thấy hết cái giá phải trả cho hành động của mình” - một người phạm tội giết người đã chấp hành hình phạt tù gần 15 năm, được đặc xá tha tù bộc bạch. “Thời gian ở tù chính là thời gian trả giá cho hành động của mình. Những ám ảnh, những đêm trắng mất ngủ với những ân hận, giày vò… còn đáng sợ hơn nhiều lần sự mất tự do”.
Kim Phượng
- Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV - năm 2024: “Lan tỏa tinh thần đại đoàn kết các dân tộc lên tầm cao mới”
- Quốc hội thảo luận tại tổ 4 dự thảo luật
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế vừa đảm bảo nguồn thu vừa thúc đẩy sản xuất phát triển
- Đại hội trù bị đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV - năm 2024
- Ông Triệu Trung Hiếu được bổ nhiệm Giám đốc BHXH tỉnh