Câu chuyện tòa án
Từ chủ nợ trở thành… kẻ cướp - Bài học xương máu
Khi phiên tòa xét xử kết thúc, nhiều người trong gia đình các bị cáo vẫn còn thất thần như không tin vào sự thật. Mỗi bị cáo phải nhận từ 7 - 9 năm tù vì tội Cướp tài sản và Bắt cóc nhằm cưỡng đoạt tài sản. Những câu nói “phải chi”, “biết vậy thì đừng đi đòi nợ làm chi cho mang họa” chỉ là những lời nói muộn màng.
ĐÒI NỢ KIỂU… XÃ HỘI ĐEN
Bị cáo Dương Phước Sang (tỉnh Tây Ninh) có bán trà cho anh V.V.L (ấp Do Thới, xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình). Sau một thời gian, L. không chịu trả tiền và số nợ lên đến hơn 86 triệu đồng. Đòi hoài không được, thông qua người quen, Sang tìm và nhờ bị cáo Dương Văn Tuấn đòi nợ thuê. Chi phí để đòi nợ thuê được Tuấn tính bằng 40% số tiền thu được.
Đúng ngày hẹn đi đòi nợ, Sang thuê xe ô tô từ Tây Ninh đến TP. HCM rước Tuấn và Đỗ Đình Hải (bạn của Tuấn) cùng đi xuống Bạc Liêu. Trước khi đi, Tuấn chuẩn bị 4 ống kim tiêm và 1 cây gậy bằng kim loại màu đen bỏ trong cặp để làm công cụ khống chế L. nhưng Sang và Hải không biết.
Đến TP. Bạc Liêu, Tuấn sắp xếp nhờ một cô gái để gọi L. tới khách sạn giả bộ hẹn hò. Trước đó, Tuấn lấy 1 ống kim tiêm chưa qua sử dụng đưa cho Hải và hỏi: “Biết lấy máu không?”, Hải hỏi: “Lấy máu làm gì?” thì Tuấn nói: “Để hăm dọa thằng thiếu tiền của Sang”. Hải lấy ống kim tiêm đâm vào mạch máu tay mình rút một ít máu rồi đưa ống kim tiêm cho Tuấn. Khi L. tới khách sạn liền bị cả nhóm khống chế. Hải đến ngồi cùng giường và giữ vai L. Sang đứng gần cửa ra vào, còn Tuấn cầm ống chích có dính máu dí sát người L. nói: “Ống chích dính máu của người bị sida, nhúc nhích là đâm”. Sang hỏi: “Em có nhớ anh không? Sao em thiếu tiền mà không trả?”, thì L. nói là do làm ăn không được nên không có khả năng trả.
Bị dí sát xuống giường, quá sợ hãi nên L. nằm im, để mặc cho cả bọn gồm Hải, Tuấn và Sang lục tìm tài sản trên người, trong cặp. Do không có nhiều tiền nên Sang hỏi xe của L. đâu và cả bọn ép L. viết giấy bán xe cho Sang (dù chiếc xe này đang bị cầm cố). Chưa dừng lại ở đó (vì vẫn chưa đòi được tiền), cả bọn còn gọi điện cho mẹ của L. yêu cầu bà mang tiền tới trả nợ thì L. mới được thả về.
NHẬN THỨC ĐƠN GIẢN
Việc L. thiếu tiền bị cáo Sang là chuyện có thật, chính L. cũng thừa nhận. Nhưng cái cách đòi nợ của các bị cáo đã khiến cho bản thân mình lâm vào cảnh phạm pháp. Các bị cáo giữ L. tại khách sạn N.C suốt một ngày trong tình trạng L. bị khống chế và sợ hãi. L. khi được nói chuyện với gia đình cũng đã năn nỉ mẹ kiếm tiền trả nợ để chuộc mình về. Đây là hành vi giữ người trái pháp luật với mục đích cưỡng đoạt tài sản chứ không chỉ đơn giản như các bị cáo suy nghĩ: giữ anh L. để gia đình mang tiền lên trả nợ. Tương tự như vậy, việc Hải, Sang, Tuấn cùng nhau dùng kim tiêm khống chế, lục soát người anh L. để lấy tài sản, buộc L. phải viết giấy bán xe… cũng nhằm mục đích trừ số nợ L. thiếu bị cáo Sang. Tuy nhiên, tất cả những hành vi đó đã đủ yếu tố cấu thành tội cướp tài sản theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Thời gian qua, tòa án các cấp cũng đã xử lý không ít trường hợp các bị cáo (chủ nợ) vì đòi nợ mà trở thành tội phạm. Có người bị xử vì tội hủy hoại tài sản người khác, có người bị xử về tội bắt giữ người trái pháp luật, hay cướp tài sản như trường hợp của các bị cáo Hải, Tuấn, Sang. Bức xúc vì con nợ là không sai, nhưng cách hành xử như thế nào để vừa đòi được tiền vừa đúng quy định pháp luật thật không đơn giản.
Có người cho rằng, người bị hại là L. cũng có lỗi. Anh mua bán với người ta, thiếu nợ rồi không trả nên người ta mới bức xúc và nhờ người đứng ra đòi nợ thuê. Nhưng, luật là luật. Nếu bị cáo Dương Phước Sang kiện đòi nợ theo đúng quy định của pháp luật dân sự thì đâu đến nông nỗi phải lãnh 7 năm tù. Âu cũng là bài học xương máu.
KIM PHƯỢNG
- Chủ tịch UBND tỉnh phân công ông Dương Hồng Tân phụ trách Sở GD-ĐT
- Kiểm tra, giám sát Chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh
- Tập huấn nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo đối với tín dụng chính sách xã hội
- Bế mạc Hội thao Giáo dục quốc phòng và an ninh học sinh THPT
- Ùn tắc giao thông vì dựng rạp án ngữ dưới lòng đường