Câu chuyện tòa án
Vô phúc đáo tụng đình
Câu thành ngữ “Vô phúc đáo tụng đình” của ông cha ta ngày xưa, thời kỳ mà pháp luật chủ yếu vẫn nằm trong tay của những thế lực quan quyền phong kiến, thì việc phải ra trước công đường gần như nắm chắc những việc phiền toái, thậm chí là mất mát tài sản, tính mạng…
Phiên tòa luôn là nơi công lý được thực thi. Ảnh minh họa: K.K
Ở thời đại của chúng ta hiện nay, câu thành ngữ trên không đúng như nghĩa đen ban đầu của nó. Việc các tòa án được hình thành, xét xử là để bảo vệ pháp luật, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Người dân, với nhiều quyền mà pháp luật trao tay, có thể đến tòa để khởi kiện, nhờ cơ quan công quyền bảo vệ mình khi quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm hại trong các vụ kiện dân sự, hành chính. Người dân, cũng có thể nộp đơn ra tòa để yêu cầu được chấm dứt một mối quan hệ mà mình không mong muốn, yêu cầu được quyền nuôi con trong những vụ án hôn nhân và gia đình. Người dân, cũng có thể phải hầu tòa với tư cách là bị cáo, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, hay ở vai trò bị hại, trong các vụ án hình sự mà cơ quan nhà nước giữ quyền công tố. Do đó, cũng không còn câu chuyện “Vô phúc đáo tụng đình”, bởi rất nhiều người, sau khi rời khỏi tòa án, là sự hân hoan vui sướng khi đã được tòa trao trả quyền lợi chính đáng, bảo vệ được những giá trị mà họ theo đuổi.
Như câu chuyện của chị H. ở huyện Hồng Dân, nguyên đơn trong vụ kiện ly hôn gần một năm trước. Chị kể, nếu không nhờ bản án của tòa giải thoát chị khỏi cuộc sống địa ngục, với ông chồng thích rượu chè và đánh đập vợ con, thì chắc chắn chị chỉ có con đường u tối. Giờ mẹ con chị có cuộc sống mới, hạnh phúc, bản án ly hôn với chị H., là một cứu cánh. Hoặc như trường hợp của anh M. ở TP. Bạc Liêu, căn nhà và mảnh đất của anh mãi vẫn không thể hợp thức hóa do hàng xóm cứ nhất quyết không chịu ký giáp ranh, nại lý do còn tranh chấp ranh đất. Khởi kiện ra tòa, anh được tuyên quyền sử dụng hợp pháp với mảnh đất mình đang sử dụng. Đó cũng là cơ sở để anh đi làm giấy chủ quyền, ngày có bản án có giá trị pháp lý, cả nhà anh như trút được gánh nặng đeo bám bấy lâu.
Nhưng câu chuyện “Vô phúc đáo tụng đình”, theo một ý nghĩa hẹp hơn, vẫn có giá trị hiện hữu. Nhất là khi có không ít người, mãi loay hoay với những vụ kiện thưa, tranh chấp không có lối thoát. Như trường hợp của bà T., tính sơ sơ ở các cấp tòa án, bà còn trên dưới 10 vụ kiện đòi đất. Chưa tính đến tiền bạc phải bỏ ra khá nhiều cho các hoạt động tố tụng theo quy định pháp luật, chỉ tính công sức, thời gian phải bỏ ra để theo đuổi các vụ kiện, cũng đã trở nên rất mệt mỏi.
Và cũng có những câu chuyện, mà ở một góc khuất nào đó, là hành trình đi đòi công lý không mệt mỏi của đương sự, bị can, bị cáo. Như trường hợp của gia đình ông H., chỉ chờ một phiên tòa để giải quyết lại bản án đã bị hủy, sửa cũng ngót nghét gần chục năm. Trong hành trình đằng đẳng đó, ông đã mòn gót chân ở các phiên tòa họp hòa giải, thông báo tạm đình chỉ, thông báo thụ lý lại vụ án. Rồi lại thông báo đo đạc đất lại, thông báo hòa giải. Vòng tròn luẩn quẩn đó khiến gia đình ông H. thật sự ngán ngẩm, và cảm thấy trát mời hầu tòa trở thành áp lực, như một gánh nặng. Cũng “may” ông không có tiền thuê luật sư, chứ nếu không, chắc chưa đòi được đất thì của nả, tài sản trong nhà cũng “đội nón ra đi hết”.
KIM PHƯỢNG
- Tập huấn phần mềm kiểm kê tài sản công cho hơn 600 cán bộ
- Tổng rà soát người điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có chất ma túy
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Quốc Việt làm việc với các bệnh viện về tình hình chuẩn bị đại hội
- Nhạc sĩ Nguyễn Quốc (Bạc Liêu) đoạt giải B tại Liên hoan Âm nhạc toàn quốc
- TP. Bạc Liêu: Bàn giải pháp ứng phó với sạt lở tuyến đê biển Đông