Câu chuyện tòa án
Vô thường
Cái chết nào cũng là sự kết thúc, nhưng đối với những cái chết mà sự ra đi quá bất ngờ, luôn để lại nhiều tiếc thương. Nhất là khi con người đó sống hiền lành, có tình có nghĩa. Vậy thì sống trên đời này đừng ham sân si quá. Để rồi một mai khi trở về với cát bụi, ta có thể mỉm cười ra đi thanh thản trong niềm thương tiếc của mọi người…
Nói thì dễ nhưng làm lại không đơn giản chút nào.
Hàng ngày, tôi dẫu không thích vẫn phải đi đến tòa án, vẫn nghe dự tòa, để rồi chứng kiến những phiên xử mà người ta vì chút hận thù, ganh ghét sẵn sàng tìm cách trả thù, hạ bệ nhau; vì đồng tiền mà trở mặt; vì tình cảm riêng tư mà quên nghĩa vụ làm cha, làm mẹ…
Phiên tòa thứ nhất
Anh chị ly hôn, chuyện đơn giản vì chẳng ai muốn níu kéo nữa. Chị kiên quyết đòi quyền nuôi con. Anh thì giữ vững lập trường, nếu không được nuôi con thì không chu cấp tiền. So về điều kiện kinh tế, anh hơn chị gấp nhiều lần nên tòa động viên, nếu thật sự thương con thì anh nên tự nguyện đồng ý một mức cấp dưỡng cao hơn mức mà luật đã quy định. Anh từ chối thẳng thừng: “Tôi không muốn đưa tiền cho cô ta”.
Chị phải nhiều lần lui tới nơi thi hành án bởi anh không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng hơn 1 năm. Vì điều kiện kinh tế của chị quá khó khăn nên cũng chẳng thể lo cho con được đủ đầy. Theo những người làm công tác thi hành án thì, trong số nhiều loại án khó thi hành thì án cấp dưỡng nuôi con luôn khiến họ bức xúc nhất. Bởi số tiền hàng tháng tuy không lớn, nhưng nhiều ông bố luôn tìm mọi cách để khỏi phải chu cấp tiền. Và trong nhiều lý do thì lý do… ghét vợ cũ nên không muốn đưa tiền là ích kỷ nhất, bởi làm như vậy là đồng nghĩa với việc phủi bỏ trách nhiệm làm cha của mình.
Phiên tòa thứ hai
Mấy anh em trong một gia đình cùng kéo nhau ra tòa để đòi lại miếng đất mà họ cho là của cha mẹ gầy dựng nên, nhưng không biết bằng cách nào đó mà vợ chồng người anh đã lập được sổ đỏ, chiếm đoạt đất và sang bán cho người khác. Vì đã kiện nhau ra tòa, quyết không “đội trời chung”, không thèm nhìn mặt nhau… nên anh em vì thế mà “tan đàn xẻ nghé”. Người anh giành đất bị “tẩy chay”, sống cô lập và những người còn lại thì đứng về một phe.
Không luận bàn chuyện đúng sai ở tòa, nhưng sau khi tòa tuyên vợ chồng người anh thắng kiện, vậy là kể từ đó trở đi, người anh không được phép đặt chân vào ngôi nhà mà mình đã gắn bó từ lúc ấu thơ cho đến lúc trưởng thành. Ngày tết hay giỗ quảy, vợ chồng anh và các con cũng không được về nhà thắp một nén nhang cho cha mẹ, ông bà.
Được - mất
Người chồng trong phiên tòa không chịu cấp dưỡng cho con vì… ghét vợ, chẳng may qua đời trong một vụ tai nạn giao thông sau ly hôn vài năm. Trong đám tang anh, người vợ cũ dẫn con đến thắp một nén nhang rồi về, chị không chịu tang và cũng không cho con trai để tang cha. Chị nói, anh không có tình nghĩa nên không cho con nhận cha. Nhiều người trách chị nhẫn tâm, nhưng ai có ở vào hoàn cảnh chị thì mới cảm thông được…
Còn người anh trong câu chuyện thứ hai, dẫu thắng kiện, được đất, thế nhưng hàng năm, ngày tết anh không còn được vui vầy, ăn bát cơm đoàn viên cùng anh em. Ngày giỗ cha mẹ anh cũng chỉ có thể làm một mâm cơm rồi tưởng nguyện từ xa, vì bàn thờ tổ đường đã bị chặn nẻo về. Anh đã từng thở dài than vãn trong lúc trà dư tửu hậu với bạn bè rằng, giá lúc đó không mình đừng hơn thua chi cục đất đó, thì giờ đây đâu đến nông nỗi này.
Kim Phượng
- Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV - năm 2024: “Lan tỏa tinh thần đại đoàn kết các dân tộc lên tầm cao mới”
- Quốc hội thảo luận tại tổ 4 dự thảo luật
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế vừa đảm bảo nguồn thu vừa thúc đẩy sản xuất phát triển
- Đại hội trù bị đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV - năm 2024
- Ông Triệu Trung Hiếu được bổ nhiệm Giám đốc BHXH tỉnh