Câu chuyện tòa án
Vòng tròn số phận
Tôi muốn viết câu chuyện này có lẽ từ lâu lắm! Bởi nhân vật trong bài viết là hình ảnh của không chỉ một bị cáo, mà của nhiều bị cáo. Những bị cáo ở các phiên tòa cứ trôi qua nhàn nhạt, phạm những tội trộm cắp, cướp giật.
Thử hỏi nhiều vị thẩm phán làm công tác xét xử, xem liệu các vị có nhớ nổi những gương mặt, tên họ của các bị cáo phạm tội trộm cắp, cướp giật tài sản mà mình đã từng xử hay không. Câu trả lời chắc là không. Điều đó cũng chẳng trách họ, vì với những vụ án chẳng mấy phức tạp, phạm những tội chẳng có gì quá nguy hiểm, mức hình phạt chỉ vài năm tù. Trước tòa, chẳng bị cáo nào chối tội, đưa đẩy thì có ấn tượng gì để nhớ. Nhớ đã khó, thì làm sao biết hoàn cảnh, số phận của từng bị cáo, làm sao biết có những bị cáo để phải đứng trước vành móng ngựa là gần như không có lối thoát. Có chăng thì nhìn vào lý lịch trích ngang, thấy bị cáo nào phạm tội nhiều lần, sẽ có thêm tình tiết tăng nặng vì khó giáo dục, cải tạo. Và cứ như thế, lần vào tù sau sẽ lâu hơn, các bị cáo càng vào tù ra khám nhiều càng khó vứt bỏ quá khứ, càng trơ lỳ cảm xúc.
Tôi cứ băn khoăn cho một câu hỏi: liệu như thế thì trách nhiệm có hoàn toàn thuộc về các bị cáo không? Chẳng ai thích mình trở thành thằng ăn trộm, ăn cắp, hay trở thành kẻ cướp giật. Cũng chẳng có con người nào lại không muốn mình được ăn ngon mặc đẹp, có công ăn việc làm ổn định, được xã hội gọi bằng những đại từ danh xưng kính trọng. Vậy, tại sao những kẻ tội phạm, nhất là phạm tội trộm cắp, cướp giật thường là cứ tái phạm đi tái phạm lại? Họ không muốn hoàn lương? Hay họ thích được làm thằng ăn trộm?...
Tôi biết A trước cả khi em bị bắt vì tội trộm cắp. Đó là khoảng thời gian A làm công cho một hiệu tiệm ở địa bàn TP. Bạc Liêu. Tôi cũng biết cả quá khứ của A. Nhưng em hiền lành, dễ thương, rất được lòng người chủ. Chẳng ai biết em đã từng hành nghề “hai ngón” (tiếng lóng chỉ trộm cắp) mà lại rất siêu đẳng. Rồi em bị bắt chung với một số đối tượng khác. Mức án chỉ 6 tháng tù nhưng nó đã theo em không chỉ có bấy nhiêu thời gian. Bẵng đi một thời gian, tôi vô cùng sửng sốt khi gặp A ở tòa (là bị cáo trong một vụ trộm mà A là chủ mưu). Người chủ trước đây của A cũng có mặt ở tòa, ông ta đi dự để biết, chứ vụ án chẳng dính dáng gì đến họ. Tôi hỏi thăm thì mới biết, tình cờ ông ta nghe được người quen cho biết, A - người làm trong nhà ông là một thằng ăn trộm. Ngay lập tức ông ta cho A nghỉ việc không có lý do. Nói chuyện với tôi mà ông ta cứ lặp đi lặp lại câu nói: “Thật may cho tôi, nếu không đuổi nó thì có lẽ, người bị hại trong vụ án là tôi rồi”. Còn bà ngoại A thì ngồi trong một góc, chỉ khóc mà không nói được câu nào. Tôi không có điều kiện nói chuyện nhiều với A, và A cũng chỉ nói với tôi có một câu: “Chị ơi, em không thể làm gì khác ngoài thằng ăn trộm. Chẳng ai cho em làm người tốt cả”.
Tôi không trách người chủ của A, ông ta sợ cũng có cái lý của ông ta. Song, có lẽ, ông ta sẽ không biết được chính vì sự xa lánh, xua đuổi của ông ta (cũng là đại diện cho một số thành phần trong xã hội) đã góp phần dẫn đến kẻ phạm tội là A ngày hôm nay.
Không phải ai trong hoàn cảnh đó cũng trở lại con đường trộm cắp. Nhưng A không nghề nghiệp, mồ côi, chỉ sống với bà ngoại, mà bà thì già yếu, phải có tiền thuốc men, tiền ăn ngày hai bữa… A làm gì cũng không ai thuê vì lý lịch “thằng ăn trộm”. Và rồi, từ túng quẫn A tìm lại con đường cũ thì đâu có gì là khó hiểu.
Tôi không bênh vực A hay bảo vệ cho những kẻ trộm cắp, cướp giật. Tôi cũng biết xã hội lên án rất gay gắt với những kẻ như thế, nhất là hiện nay, tình trạng trộm cắp, cướp giật xảy ra ngày càng nhiều.
Nhưng có lẽ, sẽ đáng trân trọng hơn cho những nơi, những nghiệp đoàn dang tay giúp đỡ, cưu mang những người phạm tội hoàn lương, cho họ có một công việc làm, giảm mặc cảm xã hội. Cũng vô cùng cảm kích những nghĩa cử, những việc làm hết sức ý nghĩa của các anh công an, một số xã, phường sẵn sàng bảo lãnh, giúp đỡ các đối tượng phạm tội ra tù đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh để làm công.
Dù chưa nhiều, nhưng chắc chắn, những việc làm trên sẽ giảm được những trường hợp đáng tiếc như A và nhiều người đã từng phạm tội - dù với lý do gì. Và cái vòng luẩn quẩn vào tù ra khám rồi sẽ chấm dứt. Đó mới chính là điều quan trọng, là mục đích cuối cùng của việc cải tạo con người.
Kim Phượng
- Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV - năm 2024: “Lan tỏa tinh thần đại đoàn kết các dân tộc lên tầm cao mới”
- Quốc hội thảo luận tại tổ 4 dự thảo luật
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế vừa đảm bảo nguồn thu vừa thúc đẩy sản xuất phát triển
- Đại hội trù bị đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV - năm 2024
- Ông Triệu Trung Hiếu được bổ nhiệm Giám đốc BHXH tỉnh