Câu chuyện tòa án

Xóa vành móng ngựa

Thứ Sáu, 02/02/2018 | 17:16

Từ ngày 1/1/2018, với quy định mới của Thông tư 01/2017/TT-TANDTC, các phiên tòa hình sự đã không còn bố trí vành móng ngựa. Các bị cáo khi đối diện với bản cáo trạng truy tố ra tòa, sẽ đứng ở vị trí mới, phía trước là bục khai báo. Như vậy, cái vành móng ngựa, một hình ảnh quá quen thuộc gắn liền với các bị cáo ở tất cả các phiên tòa xét xử hình sự đã bị xóa.

Theo quy định này, tòa án các cấp đã tiến hành sắp xếp vị trí của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa, phiên họp trong quá trình Tòa án xét xử vụ án hình sự, các vụ án dân sự, hành chính, hôn nhân gia đình… 

Ở phiên tòa hình sự, mặc dù đây chỉ là sự thay đổi về hình thức, nhưng ở một góc độ nhất định, nó đã giải tỏa yếu tố tâm lý cho các bị cáo. Tôi vẫn nhớ cảm giác nhiều lần đứng phía trước, nơi đối diện với vành móng ngựa ở các phiên tòa, khi giơ máy ảnh lên là lập tức, giống như quán tính, các bị cáo người thì cúi gằm mặt xuống đất, người thì lấy tay che mặt. Dường như trong những lúc ấy, khả năng tự vệ mà các bị cáo có thể thực hiện được chính là che giấu hình ảnh bản thân mình trước mọi ánh nhìn, trên mọi phương tiện thông tin đại chúng...

Từ sau ngày 1/1/2018, vành móng ngựa không còn xuất hiện ở các phiên tòa. Ảnh minh họa: K.P

Khi buộc bị cáo phải đứng trước vành móng ngựa, hình ảnh này tạo cảm giác bị cáo đang đứng sau những tấm song ngăn cách, cách ly khỏi xã hội. Cái cảm giác tham dự phiên tòa hình sự trước giờ với vành móng ngựa gần như áp đặt trong suy nghĩ của hầu hết mọi người. Cứ nghe đến câu “coi chừng ra đứng trước vành móng ngựa” là nhiều người đã… sởn da gà. Bởi hình ảnh ấy đã đi vào cuộc sống, như một cách nói ám chỉ việc sẽ phải gánh chịu hình phạt, tù tội gông cùm - rất đáng sợ! Trong khi trên thực tế, đâu phải tất cả những ai ra tòa, bị xét xử hình sự là đều có tội. Nếu tòa tuyên họ vô tội thì sao? Hay ngay cả khi đưa ra xét xử, nếu có oan sai thì sao? Cái vành móng ngựa trong những trường hợp này dường như đã là bản án được tuyên trước khi bản án chính thức có hiệu lực pháp luật. Do vậy, bỏ vành móng ngựa thay bằng bục khai báo, về mặt lý luận, là để cụ thể hóa một cách toàn diện nguyên tắc suy đoán vô tội trên thực tế. Về thực tiễn, là phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp, hướng đến đảm bảo quyền con người ngày một nâng cao.

Việc thay đổi này là phù hợp với các quy định của Hiến pháp, nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Tố tụng hình sự, đó là nguyên tắc suy đoán vô tội. Theo đó, sẽ không ai bị coi là có tội, phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Điều này phù hợp với xu hướng chung của Tố tụng hình sự thế giới, thể hiện tính nhân văn trong hoạt động xét xử.

Không còn cái vành móng ngựa với nhiều nỗi ám ảnh qua bao nhiêu năm tháng. Việc thay đổi là xu hướng tất yếu, nhưng cũng không thể phủ nhận vai trò của cái vành móng ngựa trong dòng chảy lịch sử. Bởi hình ảnh của nó như một lời răn đe, cảnh tỉnh cho bao người suýt sa chân lỡ bước; cho những kẻ phạm tội phải hứng chịu sự trừng phạt của pháp luật nhớ về nó mà tự cải sửa mình.

Kim Phượng

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.