Chính trị
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Cùng bàn luận
BÚA LIỀM VÀNG 2023
BÚA LIỀM VÀNG 2024
Gìn giữ truyền thống cách mạng cho muôn đời sau
Tháng 1/2005, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thống nhất chọn ngày 23/8 là Ngày truyền thống cách mạng tỉnh Bạc Liêu. 23 tháng 8 cũng đã được chọn để đặt tên một trong những con đường chính trên địa bàn TP. Bạc Liêu.
Càng tự hào với cột mốc lịch sử vẻ vang ấy, Đảng bộ, quân dân tỉnh Bạc Liêu càng chung sức gìn giữ, phát huy truyền thống cách mạng hào hùng ở bất cứ thời kỳ nào.
Một chương trình văn nghệ ngợi ca truyền thống cách mạng hào hùng trên đất Bạc Liêu. Ảnh: C.T
KHÍ THẾ “NHẤT TỀ ĐỨNG LÊN”
Lát cắt lịch sử ngày 23/8/1945 là một dấu son chói lọi của lịch sử cách mạng tỉnh Bạc Liêu. Một trong hai sự kiện quan trọng của lịch sử đất Bạc Liêu - hai lần giành lại chính quyền rất đỗi nhân văn (23/8/1945 và 30/4/1975) đã được nêu chi tiết ngay phần mở đầu của tài liệu “Lịch sử Bạc Liêu - 30 năm kháng chiến (1945 - 1975)” (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân). “Ngày 22 và sáng ngày 23/8/1945, Ủy ban Mặt trận Việt Minh và Ủy ban Giải phóng dân tộc tỉnh cử đoàn đại biểu đến gặp Tỉnh trưởng Trương Công Thiện, buộc y phải giao chính quyền cho cách mạng, Thiện quanh co trì hoãn, còn lo sợ quân Nhật trở lại. Ta huy động tất cả binh lính cộng hòa vệ binh trong cơ lính thủ hộ và quần chúng nhân dân đến vây kín dinh tỉnh trưởng...”.
Khí thế cách mạng ngút trời của quần chúng nhân dân lúc ấy cũng đã làm nên thời khắc lịch sử bấy lâu mong chờ: 9 giờ 30 phút ngày 23/8/1945, Tỉnh trưởng Trương Công Thiện đầu hàng và công bố trước đông đảo quần chúng nhân dân: Từ giờ phút này, chính quyền tỉnh Bạc Liêu thuộc về cách mạng, thuộc về nhân dân. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Bạc Liêu kết thúc bằng cuộc mít-tinh tuần hành lớn với rừng cờ đỏ sao vàng, chào mừng Ủy ban Giải phóng dân tộc. Tối 23/8/1945, Ủy ban Hành chính cách mạng lâm thời tỉnh Bạc Liêu thành lập (trên cơ sở Ủy ban Giải phóng dân tộc). Sau chiến thắng đó, quân cách mạng tiếp tục khởi nghĩa giành chính quyền ở toàn bộ các quận, xã trong tỉnh. Với ý nghĩa đặc biệt ấy, ngày 23/8/1945 sau này được chọn là Ngày truyền thống cách mạng tỉnh Bạc Liêu.
Khởi nghĩa tháng 8/1945 thắng lợi nhanh chóng và không đổ máu ở Bạc Liêu khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, nhạy bén của Đảng, ý chí cách mạng, sức mạnh quật cường của quần chúng nhân dân trong tỉnh. Mặc dù thời gian tổ chức chuẩn bị gấp, Nhân dân Bạc Liêu dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ đã kịp thời, nhất tề vùng lên, phối hợp với cả nước giành thắng lợi trọn vẹn và sớm nhất so với các tỉnh, thành phố Nam Bộ lúc ấy.
Thi công công trình điện gió trên bờ ở huyện Hòa Bình. Ảnh: M.Đ
PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG TRONG MỌI THỜI KỲ
Có thể khẳng định, từng phong trào cách mạng ở Bạc Liêu đều hừng hực khí thế, thái độ đồng thuận, tinh thần đoàn kết cao độ như sự tiếp bước của tinh thần đồng lòng “nhất tề đứng lên” của lớp cha anh đi trước. Đó cũng chính là bản chất của sự tiếp nối, phát huy truyền thống cách mạng.
Đơn cử một trong những phong trào luôn đầy khí thế trên mỗi miền quê hiện nay - đó là phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM). 49/49 xã NTM, 15 xã NTM nâng cao, 3 xã NTM kiểu mẫu theo lĩnh vực. Huyện Phước Long và TP. Bạc Liêu đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Tỉnh đang thực hiện quy trình thẩm định cấp tỉnh cho 5 xã NTM nâng cao và 3 xã NTM kiểu mẫu. Mục tiêu đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 33 xã NTM nâng cao, 6 xã NTM kiểu mẫu... Không chỉ phấn khởi từ kết quả về mặt số lượng mà những con số đúc kết, điều đáng phấn khởi hơn cả là phong trào thực chất đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, thay đổi nếp nghĩ, cách làm và đời sống tinh thần của từng người dân ở đó.
Là một trong những địa phương hoàn thành sớm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Bạc Liêu cũng là một điểm sáng về phát triển điện, đường, trường, trạm trong những năm qua. Bên cạnh đó, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” luôn được tỉnh chú trọng trên chặng đường xây dựng và phát triển. Mỗi năm tỉnh vận động trên 100 tỷ đồng để chăm lo cho các đối tượng chính sách, đến nay 100% đối tượng chính sách, người có công với cách mạng đều có cuộc sống trên mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.
Từ xuất phát điểm thấp (ở những năm đầu mới tái lập tỉnh), nhưng bằng nỗ lực vượt bậc, Đảng bộ Bạc Liêu đã đưa tỉnh nhà vươn lên từng bước bằng nhiều nghị quyết, chủ trương, chính sách phù hợp. Kịp thời, thích ứng trong chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế (giai đoạn 1997 - 2006), đến xác định thế mạnh và hạ quyết tâm triển khai thực hiện 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội (giai đoạn 2015 - 2020) là những bước đi kỳ quyết của Bạc Liêu. Các chủ trương, quyết sách tập trung phát huy thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; từng bước phát triển du lịch để trở thành một trong những trung tâm du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long... Tất cả ban đầu đều là khát vọng, nhưng khát vọng được xây trên tiềm năng, tâm huyết thì khát vọng ấy sẽ ngày càng tiệm cận nhanh đến hiện thực.
Nhiều năm gần đây, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội, Bạc Liêu luôn đứng tốp đầu về tăng trưởng kinh tế. Đơn cử, tính đến quý 3 năm nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh tăng 7,01%, đứng thứ 3/13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long.
Trên mọi chặng đường phát triển, ôn cố tri tân, trân trọng thành quả cách mạng của cha anh để lại, luôn là bài học quý giá để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Bạc Liêu vận dụng, phát huy vào thực tiễn. Quyết tâm cao trong chỉ đạo, đoàn kết, tạo sự đồng thuận giữa ý Đảng - lòng dân, Bạc Liêu luôn vững tin vào phía trước. Truyền thống lịch sử cách mạng luôn là sức mạnh nội tại, mà cột mốc lịch sử ngày 23/8 - Ngày truyền thống cách mạng tỉnh Bạc Liêu là một trong những trang sử vẻ vang, đầy tự hào làm nên sức mạnh ấy.
NHẬT QUỲNH