10 năm thực hiện đổi mới công tác thi đua - khen thưởng: Góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Thứ Tư, 27/11/2024 | 16:04

Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 34, ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng (TĐKT), công tác TĐKT có sự chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh. Nhiều tập thể, cá nhân được động viên, tôn vinh kịp thời; việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến, gương người tốt - việc tốt được chú trọng, quan tâm.

Đoàn khảo sát của Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh tham quan, khảo sát mô hình sản xuất sản phẩm OCOP tại Cơ sở Thanh Thủy PP (xã Điền Hải, huyện Đông Hải). Ảnh: K.K

HOẠT ĐỘNG TĐKT ĐI VÀO NỀN NẾP

Các phong trào thi đua luôn được sự quan tâm, hướng dẫn của Ban TĐKT Trung ương; lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các cấp ủy đảng, chính quyền, cùng với sự phối hợp giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội; các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai, phát động hướng dẫn phong trào thi đua đến tận cơ sở. Qua đó đã tạo được sự đồng thuận, trách nhiệm cao của tập thể, tổ chức, cá nhân và sự tích cực hưởng ứng của toàn xã hội, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, số hộ nghèo giảm mạnh, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện và nâng cao.

Công tác xây dựng thể chế, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn thực hiện công tác TĐKT được các cấp, các ngành nghiên cứu, tham mưu, xây dựng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về TĐKT trên địa bàn tỉnh. Các cấp ủy, chính quyền đều nâng cao ý thức trách nhiệm trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua và công tác khen thưởng, nhất là vai trò của người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị, địa phương. Việc phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình được quan tâm, chú trọng. Hoạt động của các khối thi đua trong tỉnh có nhiều đổi mới, thiết thực và dần đi vào nền nếp.

NHỮNG KHÓ KHĂN VÀ KIẾN NGHỊ

Đề cập đến những hạn chế, khó khăn qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 34, có thể thấy, việc xác định các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng cho các tập thể nhỏ, đối tượng là cá nhân trực tiếp công tác, lao động sản xuất ở đơn vị, địa phương trong 10 năm qua tuy đã được quan tâm thực hiện, song số lượng vẫn còn hạn chế, đặc biệt là khen thưởng cấp nhà nước. Nguyên do là vì bộ máy tổ chức làm công tác TĐKT chưa ổn định, luôn thay đổi và thiếu thống nhất. Cán bộ làm công tác TĐKT ở các sở, ban, ngành và cấp xã chủ yếu là kiêm nhiệm; việc tham mưu với cấp ủy, chính quyền về công tác TĐKT chưa đảm bảo chất lượng, chưa mang lại hiệu quả cao; chủ yếu tập trung vào công tác khen thưởng, chưa chú trọng tham mưu việc tổ chức phát động các phong trào thi đua và phát hiện, nhân rộng điển hình tiên tiến.

Tương tự, Quỹ TĐKT ở các ngành, địa phương chủ yếu tập trung chi cho công tác khen thưởng, chưa chú trọng đầu tư, chi cho công tác tuyên truyền, bồi dưỡng gương điển hình tiên tiến, mô hình hay, hiệu quả. Phong trào thi đua ở một số nơi cấp cơ sở và các doanh nghiệp tư nhân chưa được duy trì thường xuyên. Mức độ hưởng ứng, tham gia phong trào thi đua của người dân ở một số địa phương chưa cao.

Luật TĐKT và các văn bản hướng dẫn thi hành do điều chỉnh, bổ sung nhiều lần nên cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khó nắm bắt kịp thời. Một số quy định của pháp luật về TĐKT còn chưa phù hợp với thực tiễn, các địa phương áp dụng thiếu nhất quán; nhiều văn bản dẫn đến sự lúng túng, khó khăn cho địa phương khi áp dụng.

Để thực hiện có hiệu quả hơn công tác TĐKT, tỉnh Bạc Liêu kiến nghị Ban TĐKT Trung ương tham mưu cho Hội đồng TĐKT Trung ương ban hành những giải pháp thúc đẩy phong trào thi đua với những nội dung thiết thực, trọng tâm, tổ chức tập huấn cho địa phương nhằm học hỏi, trao đổi kinh nghiệm những cách làm hay, mô hình mới. Hướng dẫn cụ thể việc tổ chức thi đua cùng các gương điển hình tiên tiến (phương pháp, cách làm, kiểm tra, đánh giá) vì từ trước tới nay chưa có hướng dẫn cụ thể về việc phát hiện gương điển hình, thi đua cùng gương điển hình để các địa phương có cơ sở hướng dẫn trong việc phát hiện thi đua cùng gương điển hình.

KIM PHƯỢNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.