Chính trị
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Cùng bàn luận
BÚA LIỀM VÀNG 2023
BÚA LIỀM VÀNG 2024
25 năm vượt khó và hành trình đến tốp đầu khu vực
Bắt đầu từ ngày 1/1/1997, tỉnh Bạc Liêu chính thức được tái lập theo Nghị quyết của Quốc hội khóa IX về việc chia tỉnh Minh Hải. Đi qua một phần tư thế kỷ với rất nhiều khó khăn, thách thức do ở xuất phát điểm rất thấp, nhưng Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã nỗ lực phấn đấu tái thiết tỉnh nhà với quyết tâm cao nhất từ những đường hướng, quyết sách đúng đắn, cùng sự đồng thuận, ủng hộ rất lớn của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp. Ở tuổi 25 sau ngày “ra riêng”, Bạc Liêu đã gặt hái được “những mùa quả ngọt” khi mạnh mẽ bứt phá đứng thứ nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về tăng trưởng kinh tế.
Bài 2: Nhận diện “điểm nghẽn” trên đường phát triển
>>Bài 1: Quyết sách cho từng giai đoạn chuyển mình
25 năm sau ngày chia tách từ tỉnh Minh Hải, cuối năm 2021 Bạc Liêu đạt tỷ lệ tăng trưởng đứng đầu khu vực ĐBSCL. Nhưng con đường đi qua một phần tư thế kỷ để đến ngày hái “quả ngọt” ấy không trải hoa hồng mà đầy những “điểm nghẽn” đến từ tình hình khách quan bên ngoài lẫn những vấn đề tồn tại bên trong. Nhận diện những thách thức ấy để càng thấy rõ sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong suốt thời gian qua, cũng để rút ra những bài học chưa bao giờ là cũ cho việc thực hiện mục tiêu phía trước.
Tuyến đường giao thông nối liền huyện Phước Long và huyện Hồng Dân góp phần cho sự phát triển vùng Bắc Quốc lộ 1A.
NAN GIẢI BÀI TOÁN NGUỒN NHÂN LỰC
Ngày 1/1/1997, tỉnh Bạc Liêu chính thức đi vào hoạt động theo Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX. Sách “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu tập II (giai đoạn 1975 - 2000)” đánh giá: Sau khi tái lập, Bạc Liêu có những thuận lợi rất cơ bản. Tuy nhiên trong bối cảnh chung, điều kiện cụ thể của tỉnh, Bạc Liêu cũng gặp phải những khó khăn nhất định. Trong đó có việc số cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật điều từ tỉnh Minh Hải về không đủ đáp ứng các yêu cầu công tác, vì vậy khó khăn về cán bộ cho tỉnh trong giai đoạn đầu mới tái lập cũng đặt ra rất lớn. Gần 4 năm sau, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII (nhiệm kỳ 2000 - 2005) vẫn còn nhận định: “Biên chế, bộ máy tổ chức nhiều nơi vừa thừa, vừa thiếu; trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ còn hụt hẫng so với công việc được giao, trong đó cán bộ khoa học - kỹ thuật, quản lý kinh tế còn thiếu nghiêm trọng”. Và gần 20 năm sau ngày chia tách, chất lượng đội ngũ cán bộ tiếp tục là vấn đề được nêu trong văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2015 - 2020) với sự đúc kết về hạn chế, yếu kém trong nhiệm kỳ trước: chất lượng nguồn nhân lực, nhất là trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa ngang tầm với yêu cầu phát triển của tỉnh.
Rõ ràng, đội ngũ cán bộ hay rộng hơn là nguồn nhân lực phục vụ cho nhiệm vụ phát triển luôn là bài toán đặt ra với tỉnh qua các giai đoạn từ ngày tái lập tỉnh. Điều này đến từ nhiều nguyên nhân: sự yếu kém của nền giáo dục của cả khu vực ĐBSCL vốn được xem là “vùng trũng” của giáo dục cả nước sau khi bước ra từ chiến tranh; đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực chưa xứng tầm; đời sống người dân còn khó khăn nên chưa quan tâm đến việc học hành; lương và chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức trong các đơn vị công lập khá thấp dẫn đến tình trạng “chảy máu chất xám” qua khu vực tư hay đến các thành phố lớn…
Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên Trường đại học Bạc Liêu. Ảnh: H.T
Tất cả những nguyên nhân này dẫn đến sự thiếu hụt kéo dài nhiều năm về nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển. Và dù Bạc Liêu đã từng có nhiều chủ trương, quyết sách “trải thảm đỏ” để thu hút nhân tài, đồng thời tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng; đầu tư cho ngành Giáo dục, đặc biệt là giáo dục vùng sâu, vùng xa; các chính sách đối với cán bộ trẻ, cán bộ có trình độ cao…, nhưng bài toán về nguồn nhân lực vẫn chưa được giải quyết một cách thỏa đáng. Những năm cuối thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21, Bạc Liêu đã có những bước chuyển đáng kể về công tác cán bộ, về chất lượng nguồn nhân lực, nhưng rồi lại gặp vấn đề khó khăn hơn là làm sao có được nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ cho các trụ cột phát triển kinh tế - xã hội có hàm lượng công nghệ cao ngày càng nhiều!
“VÙNG TRŨNG” HẠ TẦNG
Như đã nói, Bạc Liêu hay cả khu vực ĐBSCL từng bị xem là “vùng trũng” về giáo dục của cả nước khi tình trạng thiếu trường, thiếu lớp diễn ra thời gian dài, học sinh phải học ca 3. Nhưng không chỉ có giáo dục, hạ tầng giao thông, thủy lợi, đô thị, sản xuất… đều từng là “điểm nghẽn” của Bạc Liêu, khiến cho tỉnh không thể bứt phá trong các nhiệm kỳ đầu tiên sau ngày tái lập dù có nhiều lợi thế về nông nghiệp, thủy sản hay du lịch. Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2005 - 2010), Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh chỉ ra: những yếu kém về cơ sở hạ tầng và môi trường đầu tư chưa thông thoáng, các khu, cụm công nghiệp xây dựng chậm… làm hạn chế khả năng thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh. Trong khi đó, hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi, hệ thống chợ, điện phục vụ sản xuất… chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế. Trên lĩnh vực văn hóa, thiết chế văn hóa xã, các công trình phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí cho Nhân dân xây dựng chậm… Có thể nhận ra “điểm nghẽn” về hạ tầng khi đến năm 2010, trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa của tỉnh vẫn là thị xã (TX. Bạc Liêu); trong khi chỉ sau 2 năm chia tách - năm 1999, TX. Cà Mau (trực thuộc tỉnh Cà Mau) đã được công nhận là thành phố và đến năm 2010 là đô thị loại II.
Hạ tầng là yếu tố mang tính quyết định để tạo bứt phá cho nền kinh tế, vì vậy khi hạ tầng còn yếu kém thì Bạc Liêu vẫn còn là tỉnh nghèo, không thể bứt phá để vươn lên cùng các tỉnh bạn trong khu vực. Nhận rõ “điểm nghẽn” này, BCH Đảng bộ tỉnh qua các nhiệm kỳ đều dồn sức đầu tư cho hệ thống điện, đường, trường, trạm, đặc biệt là mở rộng không gian đô thị, tạo sức bật cho tỉnh phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh. Đến nay, những chuyển biến về hạ tầng đã có thể thấy rõ khi tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, hướng đến xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; không gian đô thị được mở rộng với một thành phố và một thị xã; các khu, cụm du lịch được đầu tư trở thành điểm đến tiêu biểu khu vực ĐBSCL… Đặc biệt là hệ thống giao thông được đầu tư đồng bộ từ thành thị đến nông thôn, kết nối với các trục giao thông trọng điểm của quốc gia, nâng cao điều kiện giao thương và phục vụ yêu cầu phát triển.
Tuy nhiên, ở mỗi giai đoạn khác nhau sẽ có những đòi hỏi khác nhau về phát triển hạ tầng. Với những ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng, yêu cầu về hạ tầng giao thông cũng cao hơn, tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết trong khi nguồn ngân sách của địa phương vẫn còn hạn hẹp. Rồi hạ tầng công nghệ trong thời đại số và xây dựng chính quyền thông minh là yêu cầu tất yếu khi cả nước cũng như từng ngành, từng lĩnh vực đang bước dần vào công cuộc chuyển đổi số. Tất cả những thách thức này đòi hỏi Bạc Liêu phải tiếp tục có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả để hạ tầng không phải là “điểm nghẽn” khi thực hiện các mục tiêu lớn hơn, xa hơn trong những giai đoạn phát triển sau này.
HOÀNG UYÊN
- Trao tặng Huy hiệu Đảng cho 40 đảng viên
- Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: Họp mặt báo chí mừng Xuân Ất Tỵ 2025
- TP. Bạc Liêu: Bàn giao 27 căn nhà và tặng 100 suất quà Tết cho hộ nghèo, cận nghèo
- Hội Nông dân tỉnh: Trao tặng 170 suất quà Tết tại huyện Phước Long và TX. Giá Rai
- Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 1/2025