Chính trị
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Cùng bàn luận
BÚA LIỀM VÀNG 2023
BÚA LIỀM VÀNG 2024
Bà Mẹ Việt Nam anh hùng tượng đài bất khuất trong lòng dân tộc
Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ giành độc lập dân tộc, phụ nữ Việt Nam, trong đó có phụ nữ tỉnh Bạc Liêu đã góp bao công sức, của cải, trí tuệ và cả máu xương của mình cho Tổ quốc. Với bề dày thành tích đáng ngợi ca, hơn 2.000 phụ nữ Bạc Liêu đã được phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” (BMVNAH).
Bìa sách Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Bạc Liêu - tập 2. Ảnh: T.P
Biến nỗi đau thành sức mạnh
BMVNAH Huỳnh Thị An xuất thân trong một gia đình nông dân giàu truyền thống cách mạng ở xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi). Gia đình của Mẹ đỡ đầu bộ đội tỉnh, hằng ngày nuôi chứa nhiều cán bộ trong nhà, bọn địch nghi ngờ nên đã nhiều lần châm lửa đốt nhà Mẹ. Mẹ An là con thứ chín trong 13 anh chị em. Các anh em của Mẹ khi lập gia đình riêng, mỗi gia đình đều có từ 2 - 3 người hy sinh cho sự nghiệp cách mạng. Hai người em sinh đôi của Mẹ cũng dũng cảm hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ.
Năm 1948, Mẹ An lập gia đình với ông Trần Quốc Hải là cán bộ Ban Dân vận tỉnh, sinh được 6 người con. Khi con gái út mới qua thôi nôi không lâu thì chồng Mẹ bị địch phục kích và hy sinh trên đường công tác. Con trai duy nhất của Mẹ là Trần Văn Trung khi 15 tuổi đã tham gia cách mạng, là chiến sĩ du kích ấp Giồng Bướm (xã Châu Thới). Tuy tuổi nhỏ nhưng anh đã xung phong đi gài mìn tiêu diệt không ít tên địch. Trong một trận chống càn ác liệt năm 1968, anh mãi mãi không về. Cắn răng với nỗi đau mất chồng, mất con, người mẹ nhân hậu, tần tảo - Huỳnh Thị An lại mạnh mẽ đứng lên góp phần dệt thêu những trang sử hào hùng của vùng đất Bạc Liêu. Vừa lao động cật lực nuôi con, Mẹ vừa tranh thủ hoạt động, hết lòng vì cách mạng. Từng bị địch bắt tù đày và tra tấn dã man vào đầu, vết thương ấy (thương binh hạng 4/4) đến nay vẫn thường xuyên hành hạ Mẹ.
Cùng mang nỗi đau mất chồng, con vì chiến tranh ác liệt là BMVNAH Đỗ Hồng Minh (phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu). Xuất thân trong một gia đình nông dân ở xã Phú Mỹ (huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau), dù điều kiện sống của gia đình lúc bấy giờ còn nhiều khó khăn nhưng Mẹ luôn ưu tiên đóng góp cho cách mạng. Mẹ có chồng là ông Trương Văn Chính - đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam và là Xã đội trưởng xã Phú Mỹ, hy sinh năm 1962, được truy tặng liệt sĩ; con là liệt sĩ Trương Văn Đã - Đại đội trưởng súng máy 12,7mm (Trung đoàn Sông Hương, Bộ Quốc phòng) - đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, hy sinh năm 1974. Nếu như sự cống hiến, hy sinh của các liệt sĩ to lớn bao nhiêu thì nỗi đau và hy sinh thầm lặng của Mẹ nơi hậu phương cũng lớn lao bấy nhiêu. Nhưng đau thương, mất mát ấy đã trở thành ý chí, nghị lực phi thường, giúp Mẹ vượt qua sự uy hiếp của họng súng kẻ thù, tiếp sức cho bộ đội, cho kháng chiến thành công.
Bà mẹ Việt Nam anh hùng Huỳnh Thị An (thứ hai từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ phụ nữ Phường 3 (TP. Bạc Liêu). Ảnh: T.H
Sáng mãi phẩm chất BMVNAH
Chiến tranh nay đã lùi xa mấy mươi năm, Nhân dân được sống trong cảnh thanh bình, ấm no, hạnh phúc. Song nỗi đau của những người mẹ, người vợ có chồng, con hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc thì khó có thể nguôi ngoai và không gì bù đắp được. Đồng chí Tạ Trung Dũng - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết, để lưu giữ lại những hình ảnh, tư liệu về các BMVNAH của tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo xây dựng cuốn sách BMVNAH tỉnh Bạc Liêu - tập 1, với 536 Mẹ (xuất bản năm 2004) và năm 2020 xuất bản cuốn sách tập 2. Đây là một trong những công trình có ý nghĩa lịch sử - văn hóa nhằm phát huy truyền thống cách mạng, bồi dưỡng tinh thần yêu nước và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta cho các thế hệ. Cuốn sách quý này còn mang ý nghĩa là sổ vàng ghi tạc ơn sâu, tri ân và tôn vinh sự hy sinh cao cả của các BMVNAH cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Hơn 2.000 BMVNAH của đất Bạc Liêu, đa phần đã về với tổ tiên, người còn sống cũng đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng sự hy sinh của các Mẹ, của các anh hùng liệt sĩ luôn được Đảng và Nhà nước ghi công, Nhân dân đời đời biết ơn sâu sắc. Và dù có trải qua trăm năm, ngàn năm nữa, thế hệ con cháu hôm nay và mai sau vẫn sẽ luôn tưởng nhớ về các BMVNAH - những tượng đài bất khuất trong lòng dân tộc.
MAI ĐINH