Chính trị
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Cùng bàn luận
BÚA LIỀM VÀNG 2023
BÚA LIỀM VÀNG 2024
Bạc Liêu chăm lo trẻ em trong đại dịch
Trẻ em là nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội, dễ bị tổn thương do thiên tai, dịch bệnh. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường, thì trước hết mỗi gia đình phải là mái ấm an toàn cho trẻ; tiếp đến, xã hội cùng chung trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ những chủ nhân tương lai của đất nước.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh lấy mẫu xét nghiệm tầm soát COVID-19 cho trẻ em trên địa bàn Phường 3 (TP. Bạc Liêu).
Tất cả trẻ em đều được chăm lo
Dịch COVID-19 khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt, trẻ em là đối tượng dễ bị tác động tiêu cực nhất. Với mong muốn trẻ em được phát triển toàn diện, dịp tết Trung thu mới đây, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà cho trẻ đang điều trị bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic II và trẻ đang cách ly y tế tập trung cùng gia đình. Những nơi giữ trẻ tư nhân và Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh cũng chăm sóc trẻ theo phương châm “3 tại chỗ”.
Với chức năng của mình, Sở LĐ-TB&XH đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các xã, phường, thị trấn quan tâm đến trẻ em trong thời điểm dịch bệnh. Song song đó, đơn vị đã phối hợp với Sở GD-KH&CN, Hội LHPN tỉnh triển khai kịp thời các biện pháp bảo vệ, bảo đảm an toàn cho trẻ em. Đặc biệt, quan tâm phòng chống nguy cơ xâm hại, tai nạn, thương tích trẻ em, phòng ngừa sang chấn và hỗ trợ ổn định tâm lý cho trẻ em.
Ông Bùi Minh Túy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH khẳng định: “Về cơ bản, các cháu được chăm sóc và bảo vệ tốt trước nguy cơ dịch bệnh COVID-19”. Sở LĐ-TB&XH cùng các sở, ban, ngành đã có những hoạt động như tặng quà cho trẻ em tại các khu cách ly, đồng thời động viên các em vượt qua khó khăn bước vào năm học mới. Theo đó, tỉnh đã hỗ trợ 118 triệu đồng cho 82 trẻ là F1 và 36 trẻ là con của người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do dịch bệnh. Các cháu là F0 cũng được hưởng chế độ tương tự với trẻ là F1. Cùng với đó, trao tiền hỗ trợ cho 15.677 trẻ dưới 6 tuổi có mẹ là lao động tự do. Tổng số tiền chăm lo cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 đến nay là gần 16 tỷ đồng.
Đại diện Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh tặng quà cho 7 trẻ em dân tộc Chăm (quê An Giang) bị kẹt lại Bạc Liêu do dịch COVID-19. Ảnh: N.Q
Tạo thói quen sinh hoạt tốt
Tại TP. Bạc Liêu và các huyện, thị xã trong tỉnh, việc có nhiều nơi bị phong tỏa đồng nghĩa với việc trẻ em cũng trở thành đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Do đó, phụ huynh là những người cần theo dõi, sâu sát để kịp thời nhắc nhở, bảo vệ con khỏi những mối nguy hiểm từ dịch bệnh như hiện nay.
Bà Nguyễn Thị Ba (huyện Vĩnh Lợi) cho biết: “Do dịch bệnh nguy hiểm nên hầu như hai con của tôi chỉ chơi trong nhà và luôn đeo khẩu trang khi ra đường. Gia đình luôn nhắc nhở các cháu phải rửa tay sát khuẩn đầy đủ, ngoại trừ người thân trong gia đình thì không tiếp xúc gần với người khác... để đảm bảo an toàn cho bản thân”.
Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người lớn chủ quan, lơ là trong phòng ngừa dịch bệnh, cũng như chưa ý thức hết sự nguy hiểm của dịch bệnh đối với con trẻ. Cho nên, đã có hơn 200 trẻ trên địa bàn tỉnh trở thành F0, F1. Theo Sở Y tế Bạc Liêu, từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, tỉnh đã có 147 người dưới 18 tuổi nhiễm bệnh, trong đó có 21 trẻ dưới 6 tuổi; và 82 trường hợp trẻ là F1.
Việc triển khai mô hình học trực tuyến tại nhà cho học sinh là một trong các biện pháp giúp hạn chế việc tiếp xúc, tránh tập trung đông người. Tuy nhiên, điều này vẫn không đảm bảo tuyệt đối nếu cha mẹ chủ quan, không quản lý chặt chẽ con mình. Thêm nữa, việc học qua các thiết bị di động, truyền hình đã làm gia tăng một số bệnh học đường cho trẻ em, phổ biến nhất là bệnh về mắt.
Theo ông Võ Gia Minh (TP. Bạc Liêu), nếu dán mắt suốt ngày vào màn hình điện thoại, tivi, sách, truyện… trẻ sẽ dễ bị căng thẳng, mệt mỏi. Cho nên ngoài giờ học trực tuyến, ông tìm và sáng tạo những trò chơi thú vị ngay tại nhà để con có thể vừa được vui chơi, vừa được học tập trong môi trường an toàn. Đồng thời, gia đình bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường các khoáng chất tăng sức đề kháng, đảm bảo sức khỏe cho con.
Bên cạnh những việc làm nêu trên, cha mẹ cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ môi trường xung quanh, hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh bằng cách vệ sinh các vật dụng, đồ chơi của các em, những vị trí nhiều người chạm vào như tay nắm cửa… Đồng thời, hướng dẫn trẻ hình thành, duy trì thói quen sinh hoạt có lợi cho sức khỏe như: rửa tay trước và sau khi ăn, súc miệng bằng nước muối hoặc các loại nước súc miệng chuyên dụng để làm sạch cổ họng, nhất là luôn đeo khẩu trang đúng cách khi đi ra khỏi nhà.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các bậc phụ huynh trước tiên cần là những “lá chắn” bảo vệ, nhắc nhở, đồng hành cùng con để các em có thể phát triển đầy đủ, toàn diện trong môi trường sống lành mạnh, an toàn.
Nguyễn Quốc