Bạc Liêu: Dốc toàn lực để hoàn thành “mục tiêu kép”

Thứ Sáu, 08/10/2021 | 14:25

Với tinh thần chủ động ứng phó với dịch bệnh COVID-19, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã xây dựng các kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2021. Đặc biệt trong những tháng qua, nền kinh tế tỉnh nhà tuy bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh, nhưng cả Đảng bộ và Nhân dân không ngừng quyết tâm nhằm thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”: vừa phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Dự án Nhà máy Điện gió Đông Hải 1 - giai đoạn 1 đã hoàn thành và đưa vào khai thác.

NHẬN DIỆN NHỮNG KHÓ KHĂN

Nếu như trong 6 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 7,17% và đứng vị trí thứ nhất của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thì bước sang tháng 7/2021 cho đến nay đã tăng trưởng chậm lại.

Đáng quan tâm hơn, tình hình dịch bệnh nếu còn kéo dài thì khả năng Bạc Liêu sẽ khó hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế như kế hoạch đã đề ra (từ 9 - 10%) và khả năng chỉ dừng mức tăng trưởng của kịch bản III (từ 6 - 7%).

Nếu chỉ tiêu này không đạt, thì chắc chắn sẽ kéo theo 2 chỉ tiêu quan trọng là cơ cấu kinh tế và GRDP bình quân đầu người cũng không đạt. Bởi theo tính toán của Cục Thống kê tỉnh, GRDP bình quân đầu người năm nay ước đạt 58,67 triệu đồng/người/năm so với kế hoạch là 61,71 triệu đồng/người/năm. Cùng với đó, có 2 chỉ tiêu quan trọng khác cũng có khả năng khó đạt, gồm: tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 31.216 tỷ đồng (kế hoạch 31.780 tỷ đồng) và giá trị kim ngạch xuất khẩu ước đạt 846,19 triệu USD (kế hoạch là 886 triệu USD).

Mạnh dạn nhìn nhận và dự báo những khó khăn này để thấy rằng, trong 3 tháng cuối năm thật sự là khoảng “thời gian vàng” và mang tính quyết định cho chặng đường “chạy nước rút”. Do vậy, cả Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà phải quyết tâm và nỗ lực không ngừng, nhất là các ngành, địa phương phải phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm đúng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh đã rất quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành và đã ban hành hàng loạt các giải pháp trong sơ kết 9 tháng về phát triển kinh tế - xã hội vừa qua.

Dự án Điện gió Kosy (huyện Hòa Bình) được đẩy nhanh tiến độ để kịp đóng điện trước ngày 31/10/2021.

QUYẾT LIỆT THỰC HIỆN “3 ĐỘT PHÁ”

 Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng trong năm 2021, từ nay đến cuối năm,  Bạc Liêu cần giải quyết được 3 vấn đề lớn và mang tính đột phá cho nền kinh tế. Đó là giải ngân tốt nguồn vốn đầu tư công, huy động thêm nguồn lực cho nền kinh tế và tập trung đẩy mạnh xuất khẩu. Vì trong điều kiện nền kinh tế bị tác động bởi dịch bệnh COVID-19 thì giải ngân vốn đầu tư công chính là giải pháp tốt nhất để bổ sung nguồn lực cho nền kinh tế trong điều kiện khu vực kinh tế tư nhân giảm, nhiều doanh nghiệp phải giải thể hoặc tạm ngưng hoạt động nên chưa có điều kiện đóng góp nhiều cho tăng trưởng. Tuy nhiên, muốn giải quyết tốt vấn đề này, các ngành, địa phương phải tập trung giải quyết các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công như: công tác giải phóng mặt bằng, trách nhiệm các chủ đầu tư, năng lực nhà thầu, giải quyết nhanh các thủ tục hành chính trong xây dựng cơ bản…

Đột phá thứ hai là tận dụng và phát huy hiệu quả đầu tư từ các dự án trong, ngoài nước để bổ sung thêm các nguồn lực cho nền kinh tế. Còn trong ở giai đoạn hiện nay chính là khuyến khích và tạo mọi điều kiện để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án năng lượng sạch với tổng vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng, nhằm giúp các dự án này sớm hoàn thành đưa vào khai thác và đóng điện trước ngày 31/10/2021, nhằm hưởng được giá điện ưu đãi theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của Chính phủ.

Nâng cấp đô thị tại TP. Bạc Liêu từ vốn đầu tư công.

Điều đáng ghi nhận là các dự án đầu tư ngoài ngân sách hiện đang được triển khai thực hiện đảm bảo đúng theo tiến độ đã đăng ký đầu tư, các nhà đầu tư có đủ nguồn lực và kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện. Điển hình là 2 dự án điện gió đã đi vào hoạt động chính thức là dự án Nhà máy Điện gió Đông Hải 1 - giai đoạn 1 (công suất 50MW) và Dự án Nhà máy Điện gió Hòa Bình 1 (công suất 50MW). Cùng với đó, có 5 dự án điện gió đang được các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ và sẽ hoàn thành đưa vào vận hành thương mại trước ngày 30/10/2021. Ngoài ra, các dự án về nhà ở, khu thương mại, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… cũng được các nhà đầu tư  quyết tâm thực hiện và phấn đấu hoàn thành theo đúng tiến độ đã cam kết.

Đột phá cuối cùng là tập trung làm tốt công tác chỉ đạo phát triển sản xuất và hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản. Vì theo dự báo của Tổng cục Thủy sản, thị trường xuất khẩu từ nay đến cuối năm sẽ tăng mạnh, do các nước nhập khẩu chuẩn bị hàng phục vụ Giáng sinh và tết Dương lịch. Theo đó, nhu cầu tiêu thụ sẽ tăng mạnh nên cần tận dụng cơ hội này để xuất hàng và khuyến khích nông dân tập trung thả nuôi vụ tôm mới nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến xuất khẩu và cả việc tạo ra một lượng hàng hóa phong phú cung cấp cho thị trường cuối năm…

Ngoài 3 đột phá trên, tùy theo tình hình thực tế mà các ngành, địa phương chủ động thêm các giải pháp khác, nhằm bổ sung thêm nhiều nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế, xem đây là một “phép thử” trong việc xây dựng các kịch bản ứng phó với đại dịch COVID-19, vừa chủ động phòng chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo cho tăng trưởng kinh tế và giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội.

Với truyền thống đoàn kết, năng động, bản lĩnh và sáng tạo, Đảng bộ và Nhân dân Bạc Liêu sẽ cùng nhau thi đua hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo tốt đời sống cho Nhân dân.

LƯ TRUNG

Công ty xuất khẩu Tôm Việt đóng hàng phục vụ thị trường châu Âu. Ảnh: L.D

Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều: Xem khó khăn là động lực để quyết tâm thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”

Thực tiễn đã chứng minh, càng khó khăn thì ý chí, nghị lực và khát vọng vươn lên càng cao. Do vậy, tôi mong muốn các cấp, các ngành và địa phương phải nỗ lực và xem khó khăn chính là động lực để quyết tâm thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”: vừa phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, đảm bảo y tế, làm tốt công tác phòng chống dịch thì mới có điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 10% đã được xác định từ đầu năm là nhiệm vụ rất nặng nề. Vì vậy, từ nay đến cuối năm, các cấp, các ngành trong tất cả các lĩnh vực phải nỗ lực và quyết liệt không ngừng. Theo đó, cùng với tập trung thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, cần thực hiện tốt các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa theo hướng bền vững, làm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Đồng thời, tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thu gom, tích trữ hàng hóa và tìm kiếm thị trường xuất khẩu trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

UBND các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh các mặt hàng thiết yếu; các phương tiện lưu thông vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất và tiêu thụ nông sản đảm bảo đầy đủ các điều kiện phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế được vận chuyển hàng hóa vào địa bàn và di chuyển đến các địa bàn khác trong tỉnh được thông suốt, thuận lợi nhằm đáp ứng đủ nhu cầu thiết yếu cho người dân, sản xuất của doanh nghiệp. Đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa, kiểm soát tình hình giá cả, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân; coi trọng phát triển thị trường nội địa và thực hiện các giải pháp khuyến khích tiêu dùng. Đồng thời, chú trọng phát triển các ngành dịch vụ theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ và năng lực cạnh tranh, bảo đảm phục vụ tốt nhất nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ cho sản xuất và đời sống nhân dân…

Đặc biệt là thực hiện nghiêm các giải pháp về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đã đề ra nhưng phải đảm bảo tuân thủ các quy định về phòng chống dịch, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đạt 95 - 100% theo Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ đề ra. Các chủ đầu tư cần tập trung nguồn lực, nhân lực, chỉ đạo các đơn vị có liên quan đến đầu tư xây dựng, khắc phục mọi khó khăn, sớm hoàn thiện các hồ sơ có liên quan để tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công đối với dự án khởi công mới trong năm 2021. Tập trung nhân công, thiết bị, vật tư để đẩy nhanh tiến độ đối với các gói thầu đang thực hiện, khi có khối lượng cần hoàn thiện hồ sơ để thanh toán sớm cho các nhà thầu, nhằm giảm áp lực về tài chính trong tình hình khó khăn hiện nay. Đồng thời, yêu cầu các chủ đầu tư phải theo dõi sát tình hình, báo cáo tiến độ triển khai thực hiện dự án, phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc đến các sở, ngành có liên quan và UBND tỉnh để tháo gỡ, nhằm đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Kịp thời xử lý các vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng để bảo đảm tiến độ dự án. Cùng với đó là kiên quyết xử lý các nhà thầu thi công chậm tiến độ, thiếu tâm huyết, cố tình kéo dài và không cho các nhà thầu này tham gia vào xây dựng các dự án của tỉnh trong năm 2022 dù có trúng thầu.

L.D (thực hiện)

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - Huỳnh Chí Nguyện: Huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển

Trong 9 tháng năm 2021, tình hình thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng rất lớn từ dịch bệnh COVID-19 nên số lượng nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư và đăng ký đầu tư tại tỉnh giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2020. Đến thời điểm hiện nay, tỉnh đã thu hút đầu tư được 173 dự án (trong đó: 157 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư 50.787,14 tỷ đồng; 16 dự án nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư 4,489 tỷ USD).

Để bổ sung và tăng thêm nguồn lực cho nền kinh tế, các ngành, địa phương phải tập trung cao độ, nghiêm túc, quyết liệt, khẩn trương và đẩy nhanh tiến độ thực hiện có hiệu quả các giải pháp đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành từ đầu năm, nhất là Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…

Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng với các ngành, địa phương tập trung huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giúp đỡ người dân; tập trung xử lý quyết liệt các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính, thể chế để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trong và ngoài ngân sách, nhằm đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, khơi thông nguồn vốn, đáp ứng kịp thời vốn cho nền kinh tế. Vì vậy, các sở, ngành cần có ngay các kế hoạch cụ thể để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm; tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ, cùng nhau vượt qua khó khăn nhằm đạt được mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra trong năm 2021.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.