Chính trị
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Cùng bàn luận
BÚA LIỀM VÀNG 2023
BÚA LIỀM VÀNG 2024
Bạc Liêu: Đột phá từ đầu tư và phát triển kết cấu hạ tầng
Một trong 3 đột phá quan trọng được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) xác định từ nay đến năm 2025 chính là đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng. Vì vậy, đánh giá và rút ra những bài học kinh nghiệm về phát triển hạ tầng trong thời gian qua, qua đó đề ra những định hướng chiến lược và khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế vốn có là việc cần làm.
Thi công dự án kè chống ngập và ứng phó với triều cường trên địa bàn TP. Bạc Liêu.
TRIỂN KHAI XÂY DỰNG NHIỀU DỰ ÁN
Xác định xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng là một trong những giải pháp quan trọng trong thực hiện tốt mục tiêu tăng trưởng, đặc biệt khi Bạc Liêu có thế mạnh kinh tế mũi nhọn là sản xuất nông nghiệp. Trong 5 năm qua, với sự quan tâm của Trung ương, Chính phủ và sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự giám sát chặt chẽ của HĐND tỉnh, sự điều hành chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh cùng sự nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương và Nhân dân nên việc xây dựng kết cấu hạ tầng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, hạ tầng về giao thông, thủy lợi, điện và đô thị được tăng cường đầu tư, góp phần phục vụ tốt nhu cầu phát triển sản xuất, sinh hoạt và từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng từ thành thị đến nông thôn.
Cụ thể, trong phát triển hạ tầng giao thông, Bạc Liêu đã hoàn thành việc lập quy hoạch giao thông - vận tải thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cùng với đó là tranh thủ và huy động nhiều nguồn vốn đầu tư để xây dựng, nâng cấp và mở rộng các tuyến đường giao thông huyết mạch vào khai thác như: tuyến Giá Rai - Gành Hào (giai đoạn 2), tuyến Hộ Phòng - Gành Hào, tuyến Vĩnh Mỹ - Phước Long, tuyến Giồng Nhãn - Gành Hào, tuyến Bạc Liêu - Hưng Thành, tuyến Cao Văn Lầu, các tuyến đường ô tô về trung tâm xã, cầu Trần Văn Sớm… với tổng kinh phí hơn 5.000 tỷ đồng. Đồng thời, đã kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đưa 3 tuyến đường (cao tốc Bạc Liêu - Rạch Giá - Hà Tiên, đường tỉnh ĐT.980 Gành Hào - Giá Rai - Cạnh Đền nối với đường Hồ Chí Minh và tuyến đường ven biển) vào danh mục dự án liên kết vùng. Song song đó, phối hợp với tỉnh Cà Mau chuẩn bị đầu tư xây dựng cầu Gành Hào nối huyện Đông Hải với huyện Đầm Dơi và hoàn thành đưa vào khai thác dự án mở rộng Quốc lộ 1A đoạn cửa ngõ phía Bắc TP. Bạc Liêu theo hình thức hợp đồng BOT…
Bên cạnh đó, Bạc Liêu cũng đã đầu tư xây dựng hơn 27 dự án, công trình kết cấu hạ tầng trọng yếu phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn như: Cống âu thuyền Ninh Quới; hệ thống công trình ngăn triều, chống ngập cho TP. Bạc Liêu và vùng lân cận; dự án gây bồi tạo bãi và trồng cây chống xói lở khu vực biển Nhà Mát; dự án cấp bách khắc phục sự cố sạt lở tại kè Gành Hào, kè Nhà Mát và cầu Chiên Túp 1; đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp xã Vĩnh Hậu và xã Vĩnh Mỹ A (huyện Hòa Bình); xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng sản xuất lúa - tôm Vĩnh Lộc (huyện Hồng Dân) và TX. Giá Rai…
Trong phát triển hạ tầng điện, Bạc Liêu đã hoàn thành 2 quy hoạch phát triển điện lực của tỉnh (Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Bạc Liêu giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030 và Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2016 - 2025, có xét đến năm 2035). Cũng như đã hoàn thành thủ tục bổ sung Trung tâm Nhiệt điện LNG Bạc Liêu vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch điện VII, điều chỉnh). Cùng với đó là tăng cường đầu tư phát triển lưới điện phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất và đã thực hiện đầu tư hoàn thành dự án cấp điện nông thôn do EU tài trợ, cung cấp điện cho trên 2.910 hộ dân sử dụng; dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia và các trạm bơm phục vụ cánh đồng mẫu lớn. Tổ chức triển khai thực hiện trên 70 dự án, công trình điện với tổng vốn đầu tư hơn 812 tỷ đồng, góp phần nâng cao tỷ lệ hộ sử dụng điện đến cuối năm 2020 đạt trên 99%...
Tuyến đường Cầu Sập - Ninh Quới được đầu tư mở rộng, góp phần thúc đẩy phát triển giao thương giữa các địa phương trong tỉnh.
CHÚ TRỌNG TÍNH MINH BẠCH, CÔNG KHAI
Việc xây dựng kết cấu hạ tầng trong thời gian qua tuy đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhưng nhìn một cách tổng thể cũng còn gặp nhiều khó khăn và chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển. So với các tỉnh khác của khu vực ĐBSCL, xuất phát điểm về kết cấu hạ tầng của Bạc Liêu thấp, trong khi nhu cầu về hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội luôn là vấn đề cần được ưu tiên đầu tư. Ngoài ra, điều kiện địa chất tự nhiên, nền đất yếu và khi đầu tư phải tính toán đến kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng nên việc đầu tư cho các công trình kết cấu hạ tầng thường có suất đầu tư cao và đòi hỏi nguồn vốn lớn. Trong khi đó, khả năng huy động và sử dụng nguồn lực đầu tư cho kết cấu hạ tầng chủ yếu dựa vào nguồn lực đầu tư công. Mặt khác, nguồn vốn chi cho đầu tư phát triển của tỉnh còn hạn chế, chưa huy động được nhiều nguồn lực ngoài nhà nước để tham gia, kể cả nguồn ODA nên chưa đáp ứng kịp nhu cầu thực tế…
Có thể nói, việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng cũng để lại nhiều bài kinh nghiệm và đây chính là tiền đề quan trọng để hoạch định chính sách và triển khai các dự án đầu tư trong giai đoạn tiếp theo. Đó là trong xây dựng kết cấu hạ tầng, cần chú trọng công tác quy hoạch và thực hiện công khai, minh bạch các thông tin về quy hoạch để người dân, doanh nghiệp kịp thời nắm bắt thông tin, giám sát và phản ánh với các cơ quan nhà nước trong quá trình triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, nâng cao trách nhiệm trong việc lập, thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư, thiết kế thi công xây dựng - dự toán. Trong đó, các chủ đầu tư cần quan tâm, lựa chọn các đơn vị tư vấn, nhất là tư vấn lập dự án, tư vấn thiết kế... cần đảm bảo các điều kiện theo năng lực thực tế của dự án. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp và vai trò, trách nhiệm của các ngành chức năng, đặc biệt là vai trò thủ trưởng đơn vị, nhằm rút ngắn quy trình, thủ tục trong đầu tư công.
Đối với một số dự án liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), còn vướng mắc ở khâu chính sách bồi thường GPMB, cần sự vào cuộc ngay từ đầu của cả hệ thống chính trị. Chủ đầu tư và chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ, minh bạch, công khai để tránh giải quyết khiếu nại, khiếu kiện làm kéo dài thời gian thực hiện dự án.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa đầu tư, đổi mới cơ chế chính sách trong đầu tư kết cấu hạ tầng, do nguồn lực về đầu tư công của tỉnh còn hạn chế. Vì vậy, cần lựa chọn những dự án bức xúc và ưu tiên vốn trong điều kiện vốn đầu tư được phân bổ có hạn và huy động thêm các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, quản lý chặt chẽ các quy hoạch, kế hoạch đã phê duyệt, nhằm chống thất thoát, nâng cao chất lượng công trình, nhất là công tác thẩm tra, thẩm định, quyết toán và quan tâm công tác hậu kiểm…
Để thực hiện thắng lợi đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) sẽ ban hành Nghị quyết về vấn đề này và chắc chắn sẽ tạo nên những động lực to lớn, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược mà Nghị quyết Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) đã đề ra.
KIM TRUNG
Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều: Các dự án phát triển hạ tầng phải đảm bảo thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội cho người dân
Để đẩy mạnh phát triển về kết cấu hạ tầng, cần tiếp tục bám sát, kế thừa và vận dụng sáng tạo quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng vào tình hình thực tế của tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng gắn với phát triển 5 trụ cột kinh tế - xã hội và 3 khâu đột phá, lựa chọn chương trình, dự án có sức lan tỏa, trọng tâm để tập trung thực hiện, góp phần hoàn thành các mục tiêu và 21 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra.
Trong chỉ đạo, điều hành phát triển kết cấu hạ tầng phải bám sát các chủ trương, Nghị quyết của Tỉnh ủy và các quy hoạch, kế hoạch, đặc biệt là Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các quy hoạch chung xây dựng đô thị đã được duyệt; các chương trình mục tiêu phát triển của Trung ương, nhằm đảm bảo tính đồng bộ, khả thi và hiệu quả.
Chủ động, kịp thời tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương, nhà đầu tư trong và ngoài nước để thực hiện phát triển kết cấu hạ tầng trước mắt và lâu dài. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, du lịch và nhà ở. Trong đó, chú trọng đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong các lĩnh vực: giao thông - vận tải, lưới điện, nhà máy điện, thủy lợi, cung cấp nước sạch, thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải, y tế, giáo dục - đào tạo, hạ tầng công nghệ thông tin hoặc hình thức khác, nhằm góp phần huy động nguồn lực trong đầu tư phát triển; nghiên cứu đề xuất phát triển thị trường vốn; phát triển các hình thức liên doanh, liên kết đầu tư, góp vốn đầu tư bằng tài sản. Tăng cường thu hút các nguồn vốn ngoài nhà nước, nhất là việc huy động đầu tư bằng nguồn vốn FDI và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Đổi mới cơ chế để khai thác nguồn lực đất đai vào phát triển kết cấu hạ tầng, thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất đối với dự án kinh doanh.
Trong đầu tư xây dựng và triển khai các dự án phát triển hạ tầng phải đảm bảo thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội cho người dân, chính sách đền bù GPMB đối với các dự án, công trình phục vụ phát triển hạ tầng. Đồng thời, phải gắn liền với bảo đảm quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường.
Bí thư Thị ủy Giá Rai - Huỳnh Công Quân: Huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng
Với quyết tâm và thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) trong thực hiện “3 đột phá”, trong đó có phát triển kết cấu hạ tầng, Đảng bộ và Nhân dân TX. Giá Rai sẽ huy động nhiều nguồn lực và ban hành nhiều giải pháp để thực hiện tốt đột phá này.
Một góc TX. Giá Rai . Ảnh: Kim Trung
Đảng bộ TX. Giá Rai xác định: Phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng đô thị và hạ tầng giao thông là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Do đó, TX. Giá Rai đã đưa vào Chương trình hành động để triển khai thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU, ngày 27/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu (khóa XVI) về xây dựng TX. Giá Rai trở thành thành phố vào năm 2025.
Theo đó, TX. Giá Rai sẽ huy động, tranh thủ nhiều nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ và mở rộng không gian đô thị. Trong đó, ưu tiên các nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông, tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường trục ngang kết nối giữa Quốc lộ 1A với Quản Lộ - Phụng Hiệp; đồng thời, nâng cấp mở rộng các tuyến đường ấp liền ấp, xã liền xã; tiếp tục phát huy tốt những đơn vị vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thị xã và kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh phục vụ nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa của Nhân dân. Tăng cường xây dựng thêm các công trình hạ tầng giao thông như: bến xe, bến đổ đường bộ, đường thủy để hoàn thành tiêu chuẩn tỷ lệ vận tải hành khách công cộng…
Song song đó, thị xã sẽ tập trung mở rộng không gian đô thị về hướng Bắc Quốc lộ 1A theo quy hoạch chung (hầu hết các xã, phường phía Bắc Quốc lộ 1A), hình thành và phát triển các khu đô thị mới, phát triển công nghiệp xây dựng, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao, đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo cho phát triển lâu dài, bền vững.
Để phục vụ các mục tiêu trên, phải tiến hành xây dựng, hoàn thành cơ bản các dự án động lực trên địa bàn như: dự án chợ và nhà ở thương mại phường Hộ Phòng; dự án kè chống triều cường, nước biển dâng dọc tuyến Quốc lộ 1A; dự án kè chống sạt lở kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau; thu hút đầu tư 4 khu dân cư mới ở 3 phường, nhất là ở những nơi có mật độ dân số đông và tái định cư cho các công trình giải phóng mặt bằng. Hoàn thành việc xây dựng các khu hành chính của 7 xã, phường còn lại; đẩy mạnh việc trồng cây xanh theo quy hoạch nhằm đáp ứng tiêu chuẩn quy định, góp phần xây dựng thị xã từng bước trở thành thành phố xanh - sạch - đẹp, văn minh, thân thiện với môi trường…
Bên cạnh đó, thị xã sẽ tập trung đầu tư các tuyến điện trung, hạ thế những nơi chưa có lưới điện; cải tạo mạng lưới điện chiếu sáng tại các trục giao thông, các ngõ, hẻm khu nội thị, các điểm giao lộ gắn đèn tín hiệu giao thông, đầu tư hoàn chỉnh hệ thống đèn chiếu sáng. Triển khai phát triển mạng lưới bưu chính, viễn thông đáp ứng nhu cầu kết nối mạng diện rộng, mở rộng đến các tuyến, khu dân cư, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ đáp ứng nhu cầu người dân. Huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư mới, nâng cấp các công trình cấp nước sạch hợp vệ sinh hiện có đáp ứng yêu cầu đô thị hóa. Xây dựng các trạm cung cấp nước sạch các vùng nông thôn, nhất là tập trung cho 4 xã chuẩn bị lên phường. Mở rộng đường ống cung cấp nước sạch các tuyến đông dân cư, sớm đầu tư hệ thống các trạm xử lý nước thải, cải thiện chất lượng môi trường cuộc sống, đầu tư xây dựng các điểm trung chuyển rác thải, khẩn trương kêu gọi đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác thải đáp ứng nhu cầu xử lý rác của thành phố trong tương lai…
L.D (thực hiện)