Bạc Liêu: Kết nối tinh hoa di sản và khát vọng phát triển

Thứ Sáu, 25/11/2022 | 17:39

Đó là chủ đề của Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022 (gọi tắt là Ngày hội), cũng là kim chỉ nam của Bạc Liêu trong hành trình vượt khó vươn lên bằng khát vọng phát triển.

Ngày hội là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, dịp để quảng bá hình ảnh đất và người Bạc Liêu đến với bạn bè trong nước và quốc tế; là cơ hội mời gọi, tăng cường thu hút nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đưa tỉnh Bạc Liêu phát triển nhanh và bền vững.

Bạc Liêu và các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL ký kết chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch với TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: H.T

BẢN LĨNH TRÊN HÀNH TRÌNH VƯƠN TỚI

Ngày hội còn là dịp để cùng nhìn lại chặng đường 25 năm chia tách tỉnh (1997 - 2022) qua lăng kính hàng loạt hoạt động ghi dấu ấn về văn hóa, kinh tế, chính trị... của địa phương. Một hành trình vượt khó đầy gian nan và vươn tới cũng đầy khát vọng, bản lĩnh của Bạc Liêu.

Điểm lại sự gian khó để thấy bản lĩnh hiện thực hóa khát vọng của Bạc Liêu hôm nay. Mười năm đầu tái lập tỉnh, Bạc Liêu như một người em út cứ mãi èo uột, chẳng thể “bằng anh bằng chị” bởi rất nhiều năm luôn nằm trong tốp phát triển chậm và yếu kém của cả nước, thậm chí là trong tương quan so sánh với các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Mười năm sau nữa (năm 2017), Bạc Liêu vẫn đứng thứ 12/13 tỉnh, thành của khu vực. Nhiều năm liền trong chuỗi ngày dài đầy gian khó này, Bạc Liêu trì trệ do không thu hút được dự án động lực nào để tạo nền tảng phát triển. Nền kinh tế tự lực cánh sinh thì chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Nhưng nông sản với năng suất thấp, sức cạnh tranh trên thương trường không cao thì trăm khó ngàn khó...

Rồi bằng những quyết sách, chủ trương “trải thảm đỏ” thu hút và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Bạc Liêu dần bứt phá. Từ vị trí cuối bảng xếp hạng tăng lên tốp trung bình khá, tốp khá và có lúc dẫn đầu khu vực ĐBSCL. Nếu không có một khát vọng cháy bỏng kết thành quyết tâm chính trị thì khó xoay vần được tình thế: trong đầy ắp những khó khăn của dịch bệnh COVID-19 mà cả nước cùng nhau gồng gánh, Bạc Liêu vươn lên xếp thứ 1/13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL và xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố cả nước năm 2021.

Những hoạt động diễn ra trước khi khai mạc Ngày hội đã thu hút đông đảo du khách, người dân tham gia. Ảnh: C.T

CHÁY BỎNG KHÁT VỌNG PHÁT TRIỂN

Bạc Liêu xác định 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội, gồm: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; phát triển du lịch; phát triển giáo dục, y tế chất lượng cao; phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh. Từ đó, định hướng xây dựng Bạc Liêu phát triển 3 trung tâm: trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước; là một trong những trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của quốc gia và trung tâm du lịch của vùng ĐBSCL.

Đó là sự kỳ quyết trong việc đề ra đường hướng phát triển, đồng thời cũng là khát vọng cháy bỏng của Bạc Liêu. Hẳn nhiên, để “đề ba” những mục tiêu này, Bạc Liêu đã tự nhìn ngắm mình rất kỹ. Về phía nội lực, Bạc Liêu nhận diện đúng thế mạnh, tiềm năng cần phát huy và trông rộng ra, Bạc Liêu phải tìm mọi giải pháp nhằm làm thế nào thu hút đầu tư, mở rộng hợp tác để lấy ngoại lực vun bồi nội lực.

Tổ chức Ngày hội với hàng loạt hoạt động, sự kiện mang tính quảng bá sâu rộng, lan tỏa, hòa nhập và kết nối tinh hoa di sản văn hóa của Bạc Liêu với các dân tộc, vùng miền trên cả nước, đó là cách Bạc Liêu đang đi cùng xu thế chung hiện nay: các tỉnh, thành phố trong cả nước - bên cạnh việc phát huy yếu tố nội lực - thì đều rất chú trọng đến thu hút ngoại lực. Quảng bá hình ảnh sao cho hiệu quả nhất, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để thu hút, mời gọi đầu tư; tranh thủ sự ủng hộ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với các hoạt động diễn ra.

Cận cảnh vào một hoạt động quan trọng của Ngày hội là Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bạc Liêu năm 2022. Nhìn lại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018 với chủ đề “Khơi dậy tiềm năng - Phát triển bền vững”, đã thu hút sự tham dự của hơn 500 đại biểu trong nước và quốc tế. Dịp này, tỉnh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; nghiên cứu, khảo sát; cam kết đầu tư cho 30 dự án với tổng mức đầu tư đăng ký hơn 100.000 tỷ đồng. Sự thành công đó là bước đệm và thông điệp thường trực về một Bạc Liêu năng động, cầu thị và có đường hướng phát triển rõ ràng được tiếp nối bằng một Hội nghị xúc tiến đầu tư 2022 sắp diễn ra và chắc chắn sẽ tiếp tục tạo hiệu ứng tốt đẹp đối với công tác thu hút đầu tư của tỉnh. Giới thiệu các tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư của Bạc Liêu đến các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước, đây sẽ là một trong những sự kiện quan trọng khởi đầu cho việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025). Đây cũng là hoạt động thiết thực nhằm thực hiện Chương trình về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022.

Bằng hàng loạt chuỗi hoạt động đậm đà bản sắc văn hóa, Ngày hội đang hiện thực hóa mục tiêu thường trực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh, cũng là con đường vươn lên đầy hoài bão: Kết nối tinh hoa di sản và khát vọng phát triển. Tin rằng, với những bản sắc văn hóa đẹp đẽ, tinh thần cầu thị, Bạc Liêu sẽ nhận được sự quan tâm nhiều hơn, Ngày hội sẽ tạo thành kênh gặp gỡ, giao lưu trực tiếp giữa các nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế; hỗ trợ, thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác, giao lưu kết nối giao thương các doanh nghiệp trong và ngoài nước; cung cấp cho nhà đầu tư các thông tin, danh mục các dự án trọng điểm, có tính động lực cao để đón làn sóng mới đầu tư vào tỉnh. Qua đó, từng bước nâng cao vị thế, vai trò của Bạc Liêu trong vùng kinh tế trọng điểm khu vực ĐBSCL và mục tiêu trở thành những trung tâm của vùng, của cả nước đâu chỉ là khát vọng.

CẨM THÚY

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.