Chính trị
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Cùng bàn luận
BÚA LIỀM VÀNG 2023
BÚA LIỀM VÀNG 2024
Căn cứ Cái Chanh: Niềm vinh dự tự hào của Đảng bộ và quân dân tỉnh Bạc Liêu
Sau khi Căn cứ Cái Chanh trở thành Di tích quốc gia đặc biệt, Bạc Liêu sẽ triển khai lập Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích gắn với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Khu trưng bày hình ảnh, hiện vật sự kiện Giải phóng Bạc Liêu ngày 30/4/1975 tại di tích cách mạng Căn cứ Cái Chanh. Ảnh: N.Q
Căn cứ Cái Chanh được đặt tên gắn với địa danh rạch Cái Chanh, xóm Cái Chanh, nay thuộc ấp Cây Cui, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân. Do miền Tây Nam Bộ phần lớn là đồng bằng nên việc xây dựng căn cứ địa cho cơ quan đầu não phải dựa vào dân. Nhận thức rõ điều đó, Xứ ủy Nam Bộ đã xây dựng căn cứ địa ngay trong lòng dân và không chủ trương lập khu an toàn riêng. Thời gian hoạt động tại Bạc Liêu, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ cùng với bộ phận Văn phòng và thư ký, nhân viên cận vệ ở nhà ông Nguyễn Bình Dân tại Cái Chanh.
Có thể nói, Cái Chanh trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, giai đoạn năm 1949 - 1954 là căn cứ, hậu phương vững chắc của Xứ ủy Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam, Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ, Khu ủy khu 9, Tỉnh ủy Bạc Liêu lãnh đạo cuộc cách mạng miền Nam giành thắng lợi, góp phần vào cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, địa bàn Cái Chanh một lần nữa trở thành căn cứ địa cách mạng vững chắc. Nơi đây, trước khi được chọn làm căn cứ của cơ quan Tỉnh ủy Bạc Liêu đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, đồng thời cũng là địa bàn giặc Mỹ tăng cường đánh phá ác liệt. Trong đó, tiêu biểu là hai sự kiện: Tháng 3/1960, xã Ninh Thạnh Lợi được Tỉnh ủy Sóc Trăng (lúc này bao gồm cả Bạc Liêu) chọn làm điểm chỉ đạo đồng khởi của tỉnh và giành thắng lợi. Tháng 3/1971, tại Cái Chanh, đồng chí Võ Văn Kiệt - Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục, Bí thư Khu ủy triển khai Chỉ thị 01 về “Chuyển hướng chỉ đạo chiến lược. Nắm vững nhiệm vụ trung tâm: đánh bại bình định của địch” cho Tỉnh ủy Sóc Trăng - Bạc Liêu.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa to lớn đó, ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 2280 xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với Căn cứ Cái Chanh. Và ngày hôm nay, 29/4/2021, tại “địa chỉ đỏ” này, UBND tỉnh tổ chức lễ kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và đón nhận bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Cái Chanh.
Theo ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh, đây là niềm vinh dự, tự hào, niềm vui chung của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh. Rồi đây, khu căn cứ tiếp tục là một “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng, ý thức tự lực tự cường, lòng yêu quê hương, đất nước cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Xuất phát từ yêu cầu bảo vệ và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển kinh tế - xã hội, lãnh đạo Bộ VH-TT&DL đề nghị tỉnh Bạc Liêu, trong thời gian tới triển khai lập quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích gắn với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, xây dựng phương án khai thác du lịch - văn hóa kết nối điểm di tích đặc biệt quan trọng này với các di tích khác của Bạc Liêu và các tỉnh lân cận, để di tích trở thành điểm đến du lịch thật sự hấp dẫn thu hút đông đảo khách tham quan.
NGUYỄN QUỐC
- Nhiều hoạt động hướng về học sinh
- TP. Bạc Liêu: Thực hiện Tết Quân - dân đến hết ngày 24/1
- Phó Chủ tịch nước - Võ Thị Ánh Xuân thăm, tặng quà Tết cho người có hoàn cảnh khó khăn tại Bạc Liêu
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: Thăm, chúc tết các đơn vị, cơ sở y tế trên địa bàn TP. Cần Thơ
- Bộ đội Biên phòng gặp mặt báo chí đầu Xuân