Cần giải pháp căn cơ trong giải ngân vốn đầu tư công

Thứ Hai, 05/06/2023 | 15:33

Ngay từ đầu năm 2023, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch đầu tư công và công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công (VĐTC). Song, đến nay tỷ lệ giải ngân VĐTC đạt rất thấp so với kế hoạch đề ra.

Các Ban xây dựng cơ bản phản ánh những khó khăn trong công tác GPMB và thủ tục đầu tư.

GIẢI NGÂN CHỈ TRÊN 20%

Kế hoạch đầu tư công năm 2023, tỉnh Bạc Liêu được Thủ tướng Chính phủ giao với tổng vốn hơn 3.900.650 triệu đồng và UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) phối hợp với các đơn vị có liên quan kịp thời trình cấp thẩm quyền phân bổ và giao chi tiết cho các đơn vị theo đúng thời gian quy định.

Tuy nhiên, tính đến hết tháng 5/2023, toàn tỉnh chỉ giải ngân được trên 790.450 triệu đồng, đạt tỷ lệ 20,26% kế hoạch và tỷ lệ giải ngân này đạt thấp so với cùng kỳ là 25,39%. Trong đó, có những nguồn vốn có tỷ lệ giải ngân đạt rất thấp (như vốn Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) chỉ đạt 10,01% kế hoạch, vốn ODA chỉ đạt 10,31% kế hoạch).

Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao giải ngân VĐTC của tỉnh nhiều năm liền đều không đạt kế hoạch đề ra, trong khi điều kiện tỉnh Bạc Liêu còn nghèo và cần tăng cường đầu tư vốn cho phát triển hạ tầng để tạo nên những động lực từ các công trình xây dựng cơ bản (XDCB)?! Hay nói cách khác, Bạc Liêu đã nghèo mà còn không biết “xài tiền”, cuối năm vốn lại trả về Trung ương vì giải ngân không hết và không tạo ra lý do thuyết phục để Bạc Liêu có thể “xin thêm tiền” từ Trung ương!

Đây cũng chính là nỗi trăn trở và gần như hội nghị nào về giải ngân VĐTC, Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhắc nhở và yêu cầu các Ban quản lý các công trình XDCB, các chủ đầu tư và các địa phương phải nhận thức được việc xin vốn đã khó, nhưng sử dụng không hết vốn lại càng khó khăn hơn, nhất là xin vốn cho các dự án đầu tư mới phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của địa phương.

Nhìn ở góc độ vĩ mô, sau khi nền kinh tế bị tổn thương do đại dịch COVID-19, khu vực kinh tế tư nhân bị ảnh hưởng nặng nề thì việc thực hiện tốt các công trình đầu tư từ nguồn VĐTC mang ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt trong việc vực dậy nền kinh tế và tạo ra những động lực mới cho nền kinh tế trên cả 2 lĩnh vực là giữ vững tăng trưởng và giải quyết tốt an sinh.

Xuất phát từ tầm quan trọng này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đã thành lập Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân VĐTC năm 2023. Đặc biệt gần đây nhất là Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 08 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân VĐTC, 3 Chương trình MTQG năm 2023 và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH.

Cùng với đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã rất quan tâm và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo. Đồng thời, đôn đốc, nhắc nhở các ngành, các cấp trong tỉnh cùng các chủ đầu tư phải nghiêm túc triển khai thực hiện, có lên kế hoạch thực hiện từng dự án và cam kết giải ngân VĐTC. Tuy nhiên, kết quả sau 5 tháng thực hiện công tác này vẫn chưa đạt kế hoạch và kỳ vọng đề ra. Trong khi 5 tháng đầu năm là thời điểm mùa khô rất thuận lợi cho việc thi công các công trình XDCB.

Xây dựng công trình giao thông nông thôn từ nguồn vốn đầu tư công ở huyện Phước Long.

SỢ TRÁCH NHIỆM?!

Có thể nói, giải ngân VĐTC đạt thấp bao gồm nhiều nguyên nhân, nhưng tập trung cơ bản ở 3 nguyên nhân được xem là “điểm nghẽn” trong giải ngân vốn gồm: công tác GPMB, thủ tục hành chính và năng lực nhà thầu. Nếu giải quyết tốt 3 vấn đề này sẽ hóa giải được những “nút thắt” mang tính căn cơ trong đầu tư XDCB lâu nay.

Đơn cử như Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh năm nay được bố trí hơn 413 tỷ đồng cho 14 dự án. Trong đó, ngoài 4 dự án từ năm 2022 chuyển sang đang thi công, thì 10 dự án còn lại đang trong giai đoạn hoàn thành thủ tục và dự kiến đến tháng 9 hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán mới xong, sau đó phải trình Sở Xây dựng thẩm định, phê duyệt và tiến hành đấu thầu mới có thể giải ngân vốn. Đó là trong điều kiện hồ sơ thuận lợi, không phát sinh và lựa chọn được nhà thầu có năng lực, còn không thì thời gian sẽ còn kéo dài thêm và khả năng giải ngân được vốn chỉ có thể là rơi vào thời điểm cuối năm. Thậm chí, chỉ cần phát sinh thêm thủ tục hoặc vướng công tác GPMB thì vốn xem như cũng “nằm im”.

Phản ánh thực trạng này để thấy rằng, ngoài khó khăn vướng mắc trong công tác GPMB lâu nay, thì hồ sơ và những quy định hành chính trong lĩnh vực XDCB rất phức tạp, chồng chéo và mất rất nhiều thời gian để xem xét, thẩm định. Trong đó, ngoài nguyên nhân khách quan thì nổi lên một vấn đề đáng quan tâm là bệnh “sợ trách nhiệm” của các ngành, địa phương và các chủ đầu tư khi ai “cũng thủ” vì sợ làm sai và bị thanh tra, trong khi có những quy định, thủ tục có thể cắt giảm, bỏ qua để rút ngắn thời gian thẩm định, giải quyết các thủ tục hành chính. Thực tế, có những thủ tục đầu tư làm từ tháng 5/2022 đến nay vẫn chưa xong hồ sơ mà dự án tuyến đường Xẻo Quao - Trèm Trẹm trên địa bàn huyện Hồng Dân là một minh chứng.

Nhiều công trình giao thông nông thôn bức xúc ở huyện Hồng Dân cần được đầu tư xây dựng mới. Ảnh: L.D

Liên quan đến thủ tục hành chính trong lĩnh vực XDCB cũng phải nói đến khả năng dự báo của một số đơn vị tư vấn chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn trong quá trình khảo sát, lập dự án dẫn đến có một số dự án khi triển khai thiết kế bản vẽ thi công phải trình điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư, nhất là trong thời gian gần đây giá đền bù GPMB tăng nhiều so với dự kiến ban đầu. Đây cũng chính là vấn đề mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh cần xem xét để khuyến khích phát triển các công ty tư vấn có uy tín, năng lực hoạt động tại địa phương trong việc tư vấn cho các dự án của tỉnh.  Thay vì phần lớn hiện nay đều phải thuê tư vấn ngoài tỉnh và chuyện tư vấn sao kê, coppy các hồ sơ từ các địa phương khác gắn tên Bạc Liêu vào mà không qua nghiên cứu, khảo sát thực địa đã từng xảy ra dẫn đến chuyện “Bạc Liêu có núi, có non”?!

Ngoài ra, nguyên nhân tỷ lệ giải ngân VĐTC trong 5 tháng đầu năm nay đạt thấp do Chương trình MTQG, Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH và vốn bội chi ngân sách địa phương mới phân bổ cuối tháng 4/2023 nên khối lượng thanh toán chưa nhiều. Các dự án mua sắm trang thiết bị (nhất là lĩnh vực y tế) chậm triển khai bước lựa chọn đơn vị tư vấn thẩm định giá, hồ sơ mời thầu (không lựa chọn được các đơn vị tư vấn có đủ năng lực để thực hiện). Một số dự án liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp còn vướng công tác GPMB chưa giải quyết dứt điểm và một số đơn vị thi công không đảm bảo tiến độ, phải cắt hợp đồng để tổ chức lựa chọn nhà thầu lại, mất nhiều thời gian làm ảnh hưởng đến kết quả giải ngân chung của tỉnh…

LƯ TRUNG

* Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều: Khắc phục tuyệt đối tình trạng “đầu năm thì làm từ từ, cuối năm thì vội vàng”

Qua 5 tháng thực hiện công tác giải ngân VĐTC, các chủ đầu tư, các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã quyết liệt và có nhiều nỗ lực, cố gắng thực hiện các công trình, dự án và giải ngân các nguồn. Tuy nhiên, qua phân tích, đánh giá, ngoài một số nguyên nhân khách quan (trình tự, thủ tục pháp lý trong đầu tư XDCB), thì vẫn còn các nguyên nhân chủ quan tồn tại nhiều năm nhưng chưa được khắc phục và chuyển biến rõ nét.

Để phát huy kết quả đạt được và khắc phục các tồn tại, thúc đẩy tiến độ thực hiện các công trình, dự án và giải ngân các nguồn vốn năm 2023 và kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được duyệt, đề nghị giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, các cơ quan trực thuộc UBND tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, các chủ đầu tư tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh liên quan đến công tác đầu tư công đã ban hành và tiếp tục thực hiện thật tốt. Trong năm 2023, phải hoàn thiện hồ sơ và phê duyệt tất cả các dự án đã được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, các chủ đầu tư cần chủ động chuẩn bị tốt các thủ tục, điều kiện cần thiết để triển khai các công việc thực hiện dự án, trong đó cần khắc phục tuyệt đối tình trạng “đầu năm thì làm từ từ, cuối năm thì vội vàng”. Các chủ đầu tư phải tổ chức thực hiện giải ngân các nguồn vốn theo nguyên tắc “vốn đã giao phải giải ngân hết theo đúng quy định về sử dụng nguồn VĐTC”. Đến cuối năm, đơn vị, chủ đầu tư nào không giải ngân hết số vốn đã được giao phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh; kiên quyết không để xảy ra tình trạng dự án được giao vốn nhưng không giải ngân được hoặc giải ngân không hết kế hoạch vốn được giao, hạn chế đến mức thấp nhất việc điều chỉnh giảm vốn do dự án chưa đảm bảo các điều kiện giải ngân hoặc trình cấp thẩm quyền chấp thuận cho tạm ứng thêm mức vốn vượt thẩm quyền xử lý của chủ đầu tư để đảm bảo tỷ lệ giải ngân.

Cùng với đó, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc, chấn chỉnh, xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức, cá nhân, cán bộ, công chức cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ thực hiện dự án và giải ngân kế hoạch VĐTC. Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư dự án, chủ động dự báo các khó khăn khi lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện dự án. Rà soát, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các nhà thầu vi phạm tiến độ, chất lượng công trình; chấn chỉnh công tác lựa chọn nhà thầu, đảm bảo lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu của gói thầu, không để xảy ra tình trạng nhà thầu trúng thầu và được tạm ứng hợp đồng nhưng thi công chậm, sử dụng vốn không đúng mục đích. Đến cuối năm, UBND tỉnh sẽ xem xét, đánh giá và xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu kết quả giải ngân VĐTC không đạt theo kế hoạch đã giao (trong đó sẽ xem xét không bố trí vốn cho năm tiếp theo nếu kết quả giải ngân không đạt).

* Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - Phạm Thành Hiến: Đề xuất điều chỉnh vốn các dự án không có khả năng giải ngân sang các dự án khác

Để thực hiện tốt nhiệm vụ, giải pháp trong giải ngân VĐTC, Sở KH-ĐT sẽ phối hợp với các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đặc biệt là Chỉ thị 08 của Thủ tướng Chính phủ.

Hàng tháng, quý, tiếp tục duy trì hội nghị chuyên đề về giải ngân VĐTC để đôn đốc, thúc đẩy giải ngân và kịp thời chỉ đạo, xử lý những vướng mắc, khó khăn do các chủ đầu tư báo cáo. Cũng như, tiếp tục duy trì Tổ công tác thúc đẩy giải ngân VĐTC và Ban chỉ đạo công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án trên địa bàn tỉnh để giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện dự án của các chủ đầu tư. Xây dựng kế hoạch giải ngân từng tháng, quý, năm, qua đó giúp lãnh đạo tỉnh nắm bắt tình hình giải ngân chi tiết của từng dự án, nhằm chủ động điều chỉnh hoặc bổ sung (nếu có) và xem xét trách nhiệm của từng đơn vị làm ảnh hưởng đến kết quả giải ngân chung của cả tỉnh…

Giải ngân VĐTC tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng dự kiến khả năng các nguồn sẽ giải ngân tốt trong thời gian tới (vốn hỗ trợ mục tiêu, chương trình mục tiêu quốc gia, vốn nước ngoài và vốn thuộc chương trình phục hồi và phát triển KT-XH). Riêng nguồn ngân sách địa phương (cân đối ngân sách, xổ số kiến thiết) sẽ giải ngân không đạt yêu cầu theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, do còn nhiều dự án chưa kịp thời phê duyệt (trên 12 dự án, trong đó bao gồm Dự án Khu hành chính TP. Bạc Liêu).

Do đó, đề nghị các chủ đầu tư tăng cường công tác chỉ đạo, nhất là khâu chuẩn bị đầu tư, khẩn trương trình thẩm định và phê duyệt dự án để đủ điều kiện giao vốn và thực hiện các bước tiếp theo; các sở chuyên ngành cần ưu tiên xử lý công tác này. Ngay trong đầu tháng 6/2023, Sở KH-ĐT sẽ phối hợp với chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan báo cáo cấp thẩm quyền về kế hoạch chi tiết từng khâu công tác trong quá trình lập dự án (như thời gian hoàn thành việc lập dự án, thời gian trình thẩm định và phê duyệt dự án…) để chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành. Đồng thời, Sở KH-ĐT sẽ phối hợp với Sở Tài chính và các sở chuyên ngành để theo dõi chặt chẽ tình hình thực hiện các dự án, kịp thời báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, chỉ đạo; tổng hợp và đề xuất điều chỉnh vốn các dự án không có khả năng giải ngân sang các dự án khác có nhu cầu bổ sung để đẩy nhanh tiến độ…

L.D (thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.