Chính trị
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Cùng bàn luận
BÚA LIỀM VÀNG 2023
BÚA LIỀM VÀNG 2024
Cần lắm một ngôi trường cho người khuyết tật
Đến thời điểm hiện tại, người khuyết tật (NKT) ở Bạc Liêu muốn tham gia học tập phải đến các cơ sở giáo dục thông thường, hoặc phải ở nhà do không có trường dạy phù hợp với khuyết tật của họ. Vào năm 2008, tỉnh từng xây dựng đề án thành lập trường chuyên biệt dành cho NKT, nhằm bảo đảm quyền được học tập của công dân, tuy nhiên vẫn chưa thực hiện được. Trước tình hình số lượng NKT, đặc biệt là khuyết tật vận động tăng dần trong những năm qua, thì một cơ sở giáo dục dành cho NKT ở Bạc Liêu là vấn đề bức bách.
Đề án chưa thành hiện thực
Từ đầu năm học 2022 - 2023 đến nay, em Ben (Phường 7, TP. Bạc Liêu) đã chuyển trường hai lần, và hiện đang theo học chữ tại một nhà thờ trên địa bàn thành phố. Ben bị chứng rối nhiễu tâm trí nên khi học chữ ở trường công lập hay trường tư thục không dành riêng cho trẻ khuyết tật đều không phù hợp, vì vậy sau một thời gian tìm kiếm, mẹ em đã gửi em vào một cơ sở tôn giáo có nhận chăm sóc, dạy dỗ trẻ em khuyết tật.
Còn với bé Gạo - bị khuyết tật vận động, phải nằm một chỗ nên thường xuyên cần người lớn ở cạnh bên chăm sóc. Do đó cha mẹ em phải chuyển nơi ở từ TP. Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) về gần nhà ông bà ngoại của bé ở Phường 8 (TP. Bạc Liêu), hằng ngày, khi mẹ ra chợ bán hàng, cha đi làm phụ hồ, bé Gạo được gửi sang nhà ông bà nhờ trông coi giúp.
Thời gian qua, Bạc Liêu đã thực hiện nhiều chính sách dành cho NKT; hỗ trợ, tạo điều kiện phát huy năng lực của NKT và các tổ chức NKT để làm tốt vai trò đại diện, tập hợp, đoàn kết, là cầu nối giữa NKT với Đảng, Nhà nước. Một trong những sự quan tâm đó là xây dựng đề án thành lập trường dành cho NKT vào năm 2008, do Sở GD-ĐT chủ trì. Song vì nhiều lý do, trải qua 14 năm, đến nay đề án vẫn chưa thành hiện thực, nên NKT - nhất là trẻ em khuyết tật như bé Ben và bé Gạo, chưa có nơi học tập chuyên biệt.
Tặng quà cho người khuyết tật ở xã Long Điền Đông A (huyện Đông Hải). Ảnh: Dương Thắm
Tạo điều kiện để NKT vươn lên
Năm 2019, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 39 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác NKT. Theo đó, Ban Bí thư yêu cầu bảo đảm kết hợp chặt chẽ, hợp lý giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, hướng tới một xã hội không rào cản đối với NKT. Từng bước tạo điều kiện để NKT vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội, nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống, góp phần xây dựng gia đình, hòa nhập cộng đồng và xã hội.
Để NKT tham gia bình đẳng vào hoạt động kinh tế - xã hội, trước hết, cần có cơ sở giáo dục chuyên biệt dành cho họ. NKT do đặc điểm về thể chất có tính đặc biệt, nên việc tham gia học tập tại các cơ sở giáo dục thông thường có thể dẫn đến những khó khăn, điều này buộc phải có sự ra đời của trường chuyên biệt, nhằm bảo đảm quyền được học tập của công dân. Luật Giáo dục 2019 cũng đã quy định: “Nhà nước thành lập và khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập trường, lớp dành cho NKT nhằm giúp NKT được phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề và hòa nhập cộng đồng” (khoản 1, Điều 63).
Trường, lớp chuyên biệt này sẽ giúp NKT được phục hồi chức năng, học chữ theo chương trình giáo dục phổ thông, học nghề để họ có thể dựa vào đó lao động và kiếm thu nhập. Thực hiện được những việc này sẽ trực tiếp giúp NKT tự tin và bình đẳng tham gia vào các quan hệ xã hội; một bộ phận người thực hiện công tác NKT và người dân cũng sẽ không còn coi công tác NKT là công việc từ thiện, nhân đạo.
“NKT là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn”. Và để NKT chủ động vươn lên, hòa nhập với cộng đồng, nhiều tỉnh, thành phố đã thành lập trung tâm, trường học cả công lập và dân lập dành cho đối tượng này. NKT tỉnh nhà đang mong mỏi một ngôi trường chuyên biệt như thế!
Nguyễn Quốc
Bạc Liêu có 14.865 NKT được hưởng chính sách bảo trợ xã hội (khuyết tật nặng), khoảng 18.000 NKT giảm sức lao động từ dưới 61% (khuyết tật nhẹ). Tỉnh cũng đã cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 13.357 lượt NKT với kinh phí gần 4 tỷ đồng...
- Triển khai đợt cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát
- Học sinh TP. Bạc Liêu say mê trải nghiệm “Nét Việt ngày xuân”
- Quỹ Thiện tâm tặng 500 suất quà Tết cho hộ nghèo
- Huyện Đông Hải và huyện Phước Long: Hơn 480 học sinh tham gia Kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9, cấp huyện
- Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội - Trần Thị Hoa Ry trao tặng 100 suất quà cho đoàn viên, người lao động khó khăn tại Bạc Liêu