Chính trị
Cần nâng cao chất lượng hoạt động HĐND cấp xã
Bắt đầu từ nhiệm kỳ 2016 - 2021 với cơ cấu mới, luật định mới, HĐND cấp xã, phường, thị trấn đã tạo sự phối hợp tốt với UBND, MTTQ trong thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hầu hết HĐND cấp xã trong tỉnh vẫn còn khá lúng túng dẫn đến chưa phát huy hết năng lực, thực hiện hết vai trò của một cơ quan dân cử…
Bà Lê Thị Ái Nam - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc với HĐND huyện Hòa Bình và HĐND các xã, trị trấn trên địa bàn huyện. Ảnh: T.T
Khó khăn khách quan
So với nhiệm kỳ trước, hiện nay hoạt động của HĐND các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã thuận lợi hơn rất nhiều do hệ thống pháp luật ngày càng được hoàn chỉnh, quyền hạn của HĐND cấp xã được tăng hơn. Mặt khác, nhận thức của các cấp lãnh đạo, các ban ngành, đoàn thể và cử tri về vai trò của HĐND cấp xã cũng có nhiều thay đổi, nhận được sự ủng hộ nhiều hơn. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan thì HĐND cấp xã hiện nay hoạt động còn nhiều hạn chế, chưa hiệu quả, hoạt động còn mang tính hình thức, chưa thật sự đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Mặc dù cơ cấu bộ máy đã được tăng lên về số lượng, thành lập thêm các ban nhưng thực tế thì hầu hết Thường trực HĐND cấp xã đều hoạt động kiêm nhiệm, đa số cán bộ cấp xã đã thừa nhận rằng, họ phải đảm đương quá nhiều công việc của Đảng ủy, chính quyền nên cũng khó có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ người đại biểu nhân dân. Trong khi đó, 2 ban mới được thành lập ở nhiệm kỳ này (Ban Kinh tế - xã hội, Ban Pháp chế) nhưng không có cơ chế, chính sách rõ ràng, hầu hết đều làm việc theo hoạt động chung của đơn vị, hoặc chủ yếu thực hiện nhiệm vụ chuyên môn là chính. Từ đó, nhiều ý kiến cho rằng việc có hay không thành lập ban cũng không quan trọng, nếu có hoạt động giám sát thì cứ tổ chức thành viên, tập hợp lực lượng.
Bên cạnh đó, mặc dù đã được quan tâm rất nhiều để nâng cao chất lượng hoạt động HĐND cấp xã, nhưng với kinh phí hoạt động 30 triệu đồng/năm cho mỗi xã, phường, thị trấn là vô cùng eo hẹp. Ngoài ra, hiện còn rất nhiều đơn vị cấp xã hoạt động trong tình trạng chưa có máy vi tính, gần như phải sử dụng chung với UBND. Đồng thời, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND xã, dù là chuyên trách, gần như thực hiện hết công năng, nhiệm vụ nhưng không có người giúp việc, hỗ trợ chủ yếu từ phía văn phòng UBND.
Hạn chế chủ quan
Mới đây, qua đợt giám sát hoạt động của HĐND cấp xã, phường, thị trấn của Thường trực HĐND tỉnh đã cho thấy nhiều nguyên nhân dẫn đến sự hạn chế trong hoạt động HĐND cấp này. Một trong những nguyên nhân cơ bản phải kể đến đó là trình độ, năng lực của đại biểu HĐND gần như chưa đáp ứng yêu cầu ở cơ sở. Thực tế đang diễn ra ở hầu hết các địa phương là nhiều đại biểu HĐND không có ý kiến phát biểu tại các kỳ họp. Khi tiếp xúc, cử tri chất vấn thì đại biểu không có câu trả lời, hoặc chỉ để một đại biểu đại diện trả lời tất cả các lĩnh vực mà cử tri quan tâm.
Bên cạnh đó, trong quá trình hoạt động HĐND cấp xã, phường, các đại biểu không biết phải giám sát thế nào và giám sát những vấn đề gì. Nhiều khi phải xin ý kiến Đảng ủy, chính quyền rồi mới giám sát thì thật sự không thể có hiệu quả. Đặc biệt trong việc giám sát thu, chi ngân sách, công tác đầu tư xây dựng cơ bản nếu các đại biểu HĐND không có năng lực, trình độ thì không thể giám sát, cũng như không biết vấn đề mình giám sát là đúng hay sai.
Tại các buổi giám sát, bà Lê Thị Ái Nam - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã chỉ ra những hạn chế mà HĐND các xã đang mắc phải là hầu hết các Ban HĐND xã chưa phát huy hết chức năng của mình; việc ban hành nghị quyết của HĐND chưa đúng thể thức; trình độ năng lực cán bộ HĐND cấp xã còn hạn chế; các cuộc họp HĐND xã còn mang tính hình thức; các báo cáo thẩm tra, giám sát còn sơ sài, không nêu lên những mặt được, chưa được, chưa có những giải pháp, kiến nghị cụ thể... Ngoài ra, chức năng giám sát của HĐND cấp xã là hết sức quan trọng vì nó sẽ giúp chính quyền địa phương cũng như HĐND cấp huyện và tỉnh có những quyết định đúng, cũng như giải quyết tận gốc các vấn đề nảy sinh ở cơ sở. Nhưng đại biểu HĐND cấp xã, phường, thị trấn lại chưa đáp ứng yêu cầu thì quả là một khó khăn, thách thức. Để chấn chỉnh và nâng cao hoạt động của HĐND cấp xã, bà Lê Thị Ái Nam cho biết sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn tập trung vào từng chuyên đề theo kiểu cầm tay chỉ việc. Đồng thời đề nghị HĐND cấp xã phải tự học hỏi, nghiên cứu, đảm bảo thực hiện tốt 3 chức năng của HĐND; chú trọng tổ chức các kỳ họp chất lượng thông qua hoạt động thảo luận, chất vấn...
Hoàng Uyên
- Hồng Dân, Đông Hải triển khai nhiệm vụ đầu năm 2025
- Họp Tiểu ban Hậu cần, Lễ tân, An ninh trật tự phục vụ Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025
- Hơn 24,7 tỷ đồng hỗ trợ cho khuyến học, khuyến tài
- Tăng cường đấu tranh với các tệ nạn trá hình trong lễ hội tháng Giêng
- Ngăn chặn tình trạng mê tín dị đoan đầu năm mới