Cần nghiên cứu, đổi mới cơ chế hoạt động của UBND theo hướng phân cấp, phân quyền và làm việc theo chế độ thủ trưởng

Thứ Năm, 13/02/2025 | 16:21

Sáng 13/2, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước. Đoàn ĐBQH các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hà Giang, Bình Đình cùng thảo luận tại tổ 6.

Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) gồm 7 chương, 50 điều (giảm 93 điều so với Luật hiện hành). Thảo luận tại tổ về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), các đại biểu đều nhất trí với mục tiêu của dự án Luật là nhằm sửa đổi cơ bản và hợp lý các quy định về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương để cụ thể hóa đầy đủ quy định của Hiến pháp năm 2013 và thể chế hóa các chủ trương, định hướng trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng nhằm tiếp tục đổi mới chính quyền địa phương theo hướng đẩy mạnh phân quyền giữa cơ quan nhà nước ở Trung ương với địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm sự thống nhất, thông suốt của nền hành chính nhà nước từ Trung ương đến cơ sở.

Đại biểu Nguyễn Huy Thái phát biểu thảo luận tại tổ.

Đại biểu Nguyễn Huy Thái - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu tán thành phương án tiếp tục kế thừa như quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành. Điều này đảm bảo cho tính ổn định và tạo thuận lợi cho công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội Đảng và bầu cử đại biểu HĐND các cấp. Đại biểu Huy Thái cho rằng, về thực chất, việc tổ chức HĐND phụ thuộc vào mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Nếu đã là chính quyền nhân dân thì nhất thiết phải tổ chức cơ quan đại biểu của nhân dân. Điều này liên quan đến việc đảm bảo phương thức lãnh đạo của Đảng, đến cách thức phân công và kiểm soát quyền lực nhà nước.

Về nguyên tắc hoạt động và chế độ làm việc của UBND, đại biểu tán thành đề xuất của cơ quan thẩm tra dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Về lâu dài, cần tiếp tục nghiên cứu, đổi mới cơ chế hoạt động của UBND theo hướng UBND là cơ quan hành chính, làm việc theo chế độ thủ trưởng. Đây đang là xu hướng chung của thế giới, đã và đang được thực hiện thành công ở nhiều quốc gia. Ở một số thành phố lớn của Việt Nam - những nơi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, không tổ chức HĐND quận, phường thì UBND hoạt động theo cơ chế thủ trưởng hành chính. Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp bổ nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp dưới. Mô hình này vừa phù hợp với xu thế chung (mô hình tỉnh trưởng, thị trưởng, quận trưởng…), vừa phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp hành chính địa phương (tăng thẩm quyền, tăng tính tự chủ, năng động và minh bạch trong quản lý…). Nếu thành công, có thể hướng đến mô hình tổ chức bộ máy chính quyền địa phương chỉ có 2 cấp (cấp tỉnh và cấp cơ sở) - là mô hình mà một số quốc gia đã và đang thực hiện thành công.

Tin, ảnh: Kim Phượng - Thanh Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.