Cần sự chủ động vượt khó

Thứ Sáu, 05/05/2017 | 15:02

Theo chỉ thị của Chính phủ thì giai đoạn 2015 - 2016, 16 chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) sẽ cắt giảm còn 2 chương trình: Xây dựng nông thôn mới (XDNTM) và Giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, trong quá trình giám sát việc thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2014 - 2016 trên địa bàn tỉnh của HĐND tỉnh cho thấy: với nguồn nội lực hạn chế, cơ sở hạ tầng thấp kém thì đây chính là một thách thức lớn cho Bạc Liêu…

Hiệu quả từ các CTMTQG

Bắt đầu từ năm 2011, 16 CTMTQG được thực hiện với 37 dự án thành phần trên các lĩnh vực như: Chính sách 167; Chương trình nông thôn mới; Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số; Chương trình 135; CTMTQG về văn hóa; Chương trình dạy nghề lao động nông thôn; CTMTQG về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT)… Chương trình đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ người dân, từ cộng đồng xã hội. Đồng thời, kết quả mà các CTMTQG mang lại: về cơ bản việc đầu tư đã đạt những hiệu quả tích cực về kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống của đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; bước đầu góp phần thay đổi chất lượng cuộc sống và bộ mặt nông thôn; thực hiện xóa đói giảm nghèo, hiện đại hóa nông thôn.

Đơn cử như CTMTQG về giảm nghèo bền vững, sau nhiều năm triển khai chương trình đã làm chuyển biến nhận thức của các cấp, các ngành và người dân; huy động được các nguồn lực của cộng đồng, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội. Trong giai đoạn này, toàn tỉnh đã vận động được gần 330 tỷ đồng cho quỹ Vì người nghèo và An sinh xã hội. Tính đến cuối năm 2016, toàn tỉnh đã giảm gần 5.900 hộ nghèo, vượt 1,3% so với kế hoạch năm. Tổng giải ngân cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách thuộc CTMTQG về giảm nghèo đạt gần 1.600 tỷ đồng. Riêng CTMTQG về XDNTM, đến nay, toàn tỉnh đã có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 76,92% kế hoạch). Trong tổng nguồn vốn hơn 2.400 tỷ đồng huy động XDNTM thì có trên 360 tỷ đồng từ vốn lồng ghép các chương trình, trong đó có CTMTQG. Đặc biệt, nhiều địa phương có xuất phát điểm thấp đã thật sự đổi mới khi tiếp cận các CTMTQG, chẳng hạn như huyện Vĩnh Lợi: Khi được tiếp nhận 4 chương trình với tổng nguồn vốn trên 8,7 tỷ đồng cùng với việc vận động các nguồn lực, sự chung tay của người dân, huyện đã thực hiện nhiều dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn; đào tạo nghề cho lao động nông thôn và chú trọng công tác giảm nghèo bền vững. Năm 2016, với nỗ lực thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, huyện Vĩnh Lợi là đơn vị tiêu biểu của tỉnh khi đạt được kết quả giảm nghèo cao (số hộ thoát nghèo vượt gần 700 hộ so với chỉ tiêu đề ra).

Đường nông thôn mới ở xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu). Ảnh: T.T

Cần sự chủ động vượt khó

Trong các đợt giám sát của HĐND tỉnh tại các địa phương và ngành chức năng có nhiệm vụ thực hiện các CTMTQG cho thấy, bên cạnh kết quả đã đạt được từ chương trình thì cũng còn tồn tại khá nhiều hạn chế. Chẳng hạn như nhiều dự án, chương trình có sự đảm nhiệm của nhiều ngành gây ra sự chồng chéo, không hợp lý như: Dự án vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) có 3 đơn vị phụ trách (gồm Y tế, Nông nghiệp, Công thương); hay dự án đào tạo nghề thì có Sở LĐ-TB&XH, Sở NN&PTNT đảm nhiệm. Riêng dự án Nước sạch nông thôn thì phân về nhiều đơn vị như: Nông nghiệp, Giáo dục, Phụ nữ, Y tế… Với sự chồng chéo, thiếu nguồn lực để thực hiện quá nhiều dự án đã ảnh hưởng đến hiệu quả của các chương trình. Chẳng hạn chương trình: chính sách nhà ở, đất ở cho người dân tộc không triển khai được nên đã bị Trung ương rút vốn. Hay việc bố trí vốn dàn trải, nguồn lực hạn chế khiến lộ trình đến cuối năm 2017 có 18 xã, 1 huyện trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới là rất khó (hiện toàn tỉnh chỉ có 10 xã đạt chuẩn).

Việc cắt giảm các CTMTQG, lồng ghép, thu gọn nhiều dự án nhằm giảm tải đầu tư công đối với địa phương có nội lực yếu như Bạc Liêu là vô cùng khó khăn. Chẳng hạn việc cắt giảm chương trình Y tế - Dân số đã ảnh hưởng đến việc người dân tiếp cận với dịch vụ y tế chất lượng cao, tỷ lệ mất cân bằng giới tính không có chiều hướng giảm; chương trình phòng chống HIV/AIDS với nguồn kinh phí cắt giảm nên tỷ lệ lây nhiễm cũng có chiều hướng tăng, đặc biệt là từ mẹ sang con; các chương trình VSATTP cũng khó thực hiện với tần suất thường xuyên. Hay chương trình NS&VSMTNT, dù chương trình đã kết thúc, lồng ghép sang CTMTQG XDNTM nhưng hiện số người dân nông thôn toàn tỉnh sử dụng nước sạch theo quy chuẩn chỉ đạt trên 47%, trong đó nguồn kinh phí cho dự án nước sạch lại rất lớn.

Việc cắt giảm, rút gọn các CTMTQG nhằm thúc đẩy các địa phương tập trung nguồn nhân lực, chủ động bố trí vốn để thực hiện các chương trình với hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên, với nội lực yếu (thu ngân sách thấp), cơ sở hạ tầng nông thôn còn thấp kém, các tiêu chí nông thôn mới của các xã hiện nay là rất thấp… do đó đòi hỏi nguồn lực là rất lớn. Các địa phương cũng như ngành chức năng đảm nhiệm các CTMTQG đang chủ động với giải pháp dồn lực, tập trung nguồn vốn cho từng dự án trọng điểm, từng địa phương, thậm chí từng hộ có khả năng đạt lộ trình. Tuy nhiên, với thực tế trên thì với nỗ lực từ nguồn nội lực quả là một thách thức lớn đối với địa phương.

Hoàng Uyên

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.