Chính trị
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Cùng bàn luận
BÚA LIỀM VÀNG 2023
BÚA LIỀM VÀNG 2024
CẦN TĂNG CƯỜNG ĐẦU TƯ CHO THỰC HIỆN CÁC NGHỊ QUYẾT CHUYÊN ĐỀ
Với quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề và các kết luận quan trọng để tiếp tục thực hiện các nghị quyết trước đó. Việc đánh giá kết quả thực hiện các nghị quyết, kết luận này ở dấu mốc nửa nhiệm kỳ có ý nghĩa rất quan trọng, qua đó tìm được giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện trong thời gian tới.
Sản xuất muối chất lượng cao ở huyện Đông Hải.
ĐỂ PHƯỚC LONG BỨT PHÁ
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng, ban hành 13 nghị quyết chuyên đề để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Đồng thời, cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Trung ương thành 61 chương trình, 83 kế hoạch, 21 chỉ thị, 5 đề án, 32 quy định, 4 quy chế, 629 công văn, 11 kết luận và nhiều văn bản khác để lãnh đạo, chỉ đạo trên tất cả các lĩnh vực.
Có thể nói, việc triển khai quán triệt và cụ thể hóa tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và các chủ trương của Trung ương và Tỉnh ủy đã được các cấp ủy đảng, các ngành lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ và quyết liệt. Qua đó, đã tạo được sự thống nhất cao về tư tưởng, nhận thức và hành động trong toàn Đảng bộ và nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Sơ kết giữa nhiệm kỳ cũng là thời điểm nhìn nhận, đánh giá lại việc thực hiện một số nghị quyết chuyên đề và các kết luận, nhất là các nghị quyết, kết luận có tính chi phối và tầm ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện “5 trụ cột” phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Một trong những nghị quyết chuyên đề được ban hành đầu tiên của nhiệm kỳ là Nghị quyết 01 “về xây dựng huyện Phước Long trở thành trung tâm phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Quốc lộ 1A của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Sự ra đời của Nghị quyết 01 thể hiện tầm nhìn và tư duy mới cho vùng sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A. Đồng thời, Nghị quyết được kỳ vọng sẽ tạo nên những động lực to lớn với chức năng vực dậy các tiềm năng, thế mạnh của cả vùng Bắc mà huyện Phước Long chính là trung tâm.
Tuy nhiên, qua hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 01, có một thực tế phải thừa nhận rằng, dù rất quyết tâm và nỗ lực, huyện Phước Long vẫn chưa tạo ra được sức hút hay động lực nào cho một trung tâm phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng Bắc. Trong đó, nguyên nhân chính là huyện Phước Long chưa có một cơ chế đặc thù nào trong việc phân bổ và ưu tiên nguồn lực đầu tư cho phát triển, nhất là xây dựng các khu, cụm công nghiệp và hướng đến xây dựng một trung tâm kinh tế để dẫn dắt kinh tế cho cả vùng Bắc. Cũng như bản thân huyện Phước Long chưa tạo được sức hút và hình thành nên các vệ tinh để kết nối với các địa phương của vùng Bắc.
Khẳng định thực trạng này để thấy rằng, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 01 trong thời gian nửa nhiệm kỳ còn lại thì việc tăng cường và huy động nguồn lực đầu tư cho huyện Phước Long phải được xem là giải pháp ưu tiên hàng đầu. Trong đó, tập trung và dồn lực phát triển kinh tế nông nghiệp phải được xác định là khâu đột phá với mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thay vì sản xuất nông nghiệp thuần túy như hiện nay. Giải pháp này hoàn toàn có cơ sở khi nhiều xã của huyện Phước Long đã được công nhận nông thôn mới (NTM) nâng cao và hướng đến xây dựng NTM kiểu mẫu nên bản thân nền kinh tế nông nghiệp ấy bước đầu đã được hình thành và chỉ cần tăng cường thêm nguồn lực, đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến thì chắc chắn sẽ xây dựng nên một nền nông nghiệp hiện đại, tạo ra sức lan tỏa cũng như tác động tích cực đến các địa phương khác của vùng sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A.
Ngư dân huyện Đông Hải vận chuyển cá sau chuyến đánh bắt trên biển.
ƯU TIÊN PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN
Một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội được BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVI xác định là trụ cột quan trọng cho tăng trưởng kinh tế chính là phát triển kinh tế biển. Vì vậy, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Kết luận 127 về tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 06 của BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về xây dựng huyện Đông Hải trở thành huyện trọng điểm về kinh tế biển, phấn đấu từng bước đạt các tiêu chí nâng lên thị xã.
Thực hiện Kết luận 127, BCH Đảng bộ huyện Đông Hải đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo và qua nửa nhiệm kỳ sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản đạt và vượt so với chỉ tiêu, kế hoạch đề ra với 427.145 tấn, đạt 51,84% chỉ tiêu Nghị quyết. Một số công trình hạ tầng thiết yếu tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế biển được đầu tư, góp phần hoàn thành một số tiêu chí để từng bước đạt các tiêu chí nâng lên thị xã.
Tuy nhiên, việc thực hiện Kết luận 127 cũng còn gặp nhiều khó khăn. Phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện tuy có phát triển, nhưng thiếu bền vững. Cơ cấu từng ngành, lĩnh vực chuyển dịch còn chậm và tình hình khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản còn nhiều rủi ro.
Cùng với đó, hạ tầng cho xây dựng huyện Đông Hải trở thành huyện trọng điểm về kinh tế biển, phấn đấu từng bước đạt các tiêu chí nâng lên thị xã còn nhiều vấn đề phải tập trung thực hiện quyết liệt hơn. Một số công trình, dự án trọng điểm triển khai thực hiện chậm và chưa huy động được nhiều nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế biển, nhất là tiến độ xây dựng Cảng cá Gành Hào và các công trình giao thông có chức năng kết nối huyện Đông Hải với các địa phương khác.
Nông dân huyện Phước Long thu hoạch tôm càng xanh trên đất lúa. Ảnh: K.T
Nhìn phát triển kinh tế biển từ huyện Đông Hải cho thấy, thời gian qua Bạc Liêu đã huy động và tập trung nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình, dự án động lực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh. Trong đó, nhiều tuyến đường giao thông trọng yếu được quan tâm đầu tư và đưa vào khai thác có hiệu quả như: Đường Hộ Phòng - Gành Hào, đường Giồng Nhãn - Gành Hào, xây dựng đường Giá Rai - Gành Hào đi ngã ba Khâu, xây dựng đường và cầu Kinh Tư 2 - cầu Châu Điền về xã Long Điền Đông; lộ Bờ Tây; các tuyến đê, kè ven biển và Cảng cá Gành Hào... Thế nhưng, các công trình giao thông này thi công khá chậm và chưa tạo nên những động lực thúc đẩy phát triển kinh tế biển và vùng ven biển.
Cùng với đó, hoạt động khai thác đánh bắt thủy sản còn gặp nhiều khó khăn, số lượng tàu đánh bắt xa bờ phát triển không nhiều, hiệu quả khai thác kém; phát triển du lịch sinh thái biển còn yếu và thiếu. Đặc biệt, chưa hình thành các mô hình kinh tế làm giàu từ biển, nhất là các mô hình sản xuất theo hướng “nuôi biển” đến nay vẫn chưa có…
Ở hiện tại và tương lai, phát triển kinh tế biển được xác định là chiến lược của quốc gia và trở thành xu thế chung của thế giới trong việc hướng ra biển và làm giàu từ biển. Để hiện thực hóa khát vọng làm giàu từ kỷ nguyên của đại dương, Bạc Liêu cần quan tâm tăng cường và ưu tiên huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế biển. Đây cũng là việc phải làm để khai thác, phát huy lợi thế của 56km bờ biển trải dài qua 3 địa phương: TP. Bạc Liêu, huyện Hòa Bình và Đông Hải với vị trí là huyện trọng điểm về phát triển kinh tế biển.
Nhìn trên tổng thể, việc tập trung thực hiện thắng lợi các nghị quyết, kết luận đã được ban hành sẽ góp phần hóa giải các thách thức, khó khăn trong việc hoàn thành các chỉ tiêu còn gặp khó và chưa hoàn thành trong nửa nhiệm kỳ qua, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, cơ cấu GRDP và thu nhập bình quân đầu người.
LƯ TRUNG
* Bí thư Huyện ủy Phước Long - Nguyễn Chí Thiện: Huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho huyện Phước Long phát triển
Với quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 01 và Nghị quyết của BCH Đảng bộ huyện khóa XIII, Phước Long sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 06 của BCH Đảng bộ huyện về đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2022 - 2025. Đồng thời, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sản xuất, đảm bảo phù hợp với lợi thế của cả 2 vùng sản xuất, khai thác có hiệu quả tiềm năng lao động, đất đai. Trong đó, sẽ đầu tư xây dựng thương hiệu một số sản phẩm hàng hóa có lợi thế như: lúa thơm - tôm sạch, lúa ST24, ST25, tôm quảng canh tự nhiên, rau cần nước, bắp nếp, rau má...
Cùng với đó là nhân rộng các mô hình sản xuất kết hợp bền vững đạt hiệu quả kinh tế cao. Tập trung chỉ đạo sản xuất tôm sạch, lúa hữu cơ, lúa chất lượng cao. Đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản phát triển theo hướng bền vững và quản lý chặt chất lượng nguồn giống và liên kết với các cơ sở cung cấp giống sạch bệnh, từng bước đáp ứng nhu cầu con giống trong huyện. Phát triển các cơ sở thu mua thủy sản nguyên liệu và kết hợp hài hòa giữa phát triển sản xuất với bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, huyện Phước Long sẽ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giải thích chính sách, chế độ ưu đãi đối với việc thành lập doanh nghiệp, hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng sản xuất - kinh doanh. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi để khuyến khích phát triển doanh nghiệp, đảm bảo đạt và vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Quan tâm thành lập, củng cố, kiện toàn nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác xã, tổ hợp tác. Tiếp tục đẩy mạnh công tác đổi mới phát triển kinh tế tập thể, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các hợp tác xã, tổ hợp tác và câu lạc bộ sản xuất. Phát huy loại hình kinh tế trang trại, kinh tế hộ ngày càng phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, góp phần tăng trưởng kinh tế chung của huyện.
Về phát triển thương mại - dịch vụ, Phước Long sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, xúc tiến đầu tư... để mời gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển chợ, siêu thị, đáp ứng nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho người dân. Xây dựng các khu dân cư mới, trung tâm thương mại, nhất là đầu tư cho địa bàn thị trấn Phước Long để đạt đô thị loại IV, xã Phước Long, xã Phong Thạnh Tây B nâng lên thành thị trấn để thúc đẩy thương mại - dịch vụ phát triển. Cũng như đẩy mạnh xúc tiến, kêu gọi đầu tư, kết hợp tiềm năng sẵn có trên địa bàn huyện (các trang trại sinh thái nông nghiệp, làng nghề truyền thống, vườn chim...) để xây dựng thành sản phẩm du lịch thu hút khách. Khuyến khích, kêu gọi đầu tư xây dựng hệ thống các nhà hàng, khách sạn, các cơ sở dịch vụ thương mại dọc tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp kết nối với tua du lịch của tỉnh…
* Bí thư Huyện ủy Đông Hải - Trần Thanh Mến: Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án trọng điểm
Tiếp tục thi đua thực hiện thắng lợi Kết luận 127, huyện Đông Hải sẽ chỉ đạo quyết liệt trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, du lịch. Đồng thời, chủ động phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng tỉnh đẩy mạnh xúc tiến, mời gọi đầu tư các lĩnh vực phát triển kinh tế biển và phát triển khai thác thủy sản xa bờ gắn với phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá. Cũng như, khuyến khích phát triển các mô hình nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ và mời gọi đầu tư các mô hình sản xuất theo hướng “nuôi biển” có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, sẽ tiếp tục phối hợp với ngành chức năng tỉnh hoàn thành dự án nâng cấp, mở rộng Cảng cá Gành Hào đạt chuẩn loại I, Khu neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão Rạch Cốc.
Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư phát triển các xã phía Đông thành vùng sản xuất tập trung về nuôi tôm thâm canh - bán thâm canh và các xã phía Tây là vùng nuôi tôm quảng canh cải tiến - kết hợp theo hướng bền vững, chất lượng cao. Khuyến khích kêu gọi đầu tư phát triển mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu các mặt hàng thủy sản sạch, an toàn, sinh thái, tự nhiên, tính cạnh tranh và giá trị cao, gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tập trung phát triển Đông Hải trở thành một trong những trung tâm của tỉnh về sản xuất con giống thủy sản, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao và chế biến thủy sản.
Song song đó, lãnh đạo, chỉ đạo tập trung hoàn chỉnh quy hoạch thị trấn Gành Hào cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại IV, xã Điền Hải đạt tiêu chí đô thị loại V và thành lập thị trấn.
Đề xuất và kiến nghị tỉnh tiếp tục tăng cường đầu tư hạ tầng phục vụ vùng sản xuất muối và kêu gọi, khuyến khích các thành phần kinh tế, doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà máy chế biến muối xuất khẩu đạt chuẩn quốc tế, nhất là phát triển vùng muối nguyên liệu chất lượng cao.
Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án trọng điểm như: Dự án xây dựng đường và cầu Kinh Tư 2 - cầu Châu Điền về xã Long Điền Đông, Dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp, mở rộng Cảng cá Gành Hào và tiếp tục thực hiện Dự án điện gió, điện năng lượng mặt trời, Cụm công nghiệp ấp Canh Điền - xã Long Điền Tây, hoàn thành việc quy hoạch liên kết vùng, quy hoạch trung tâm cụm xã, thị trấn… nhằm tạo thêm động lực và cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế biển.
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy thăm, chúc tết vùng căn cứ huyện Đông Hải
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy: Cần nhanh chóng hoàn thiện các hạng mục nằm trong chuỗi sự kiện Festival Nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu 2025
- Cựu Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Bạc Liêu bị bắt
- Nâng chất hướng nghiệp học đường
- Ý nghĩa Dự án “Giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa dân tộc Khmer”