Chính trị
Cần thực hiện tốt chính sách cải thiện đời sống cán bộ cơ sở
Trong hệ thống chính trị, cấp cơ sở được xem là nơi ôm đồm nhiều việc nhất. Nhưng cũng ở cấp cơ sở, cán bộ lại chật vật làm việc khi đời sống còn nhiều khó khăn bởi đồng lương thấp so với mặt bằng chung. Nhiều người đã tìm việc làm thêm bên ngoài nhằm nâng cao thu nhập, đồng thời giữ được công việc đã gắn bó lâu năm.
BỎ TIỀN TÚI LÀM VIỆC CÔNG
Trần Thị Tường Vi, Phó Bí thư Xã đoàn Vĩnh Trạch (TP. Bạc Liêu) đi làm ở xã gần 3 năm. Tốt nghiệp đại học, người cán bộ cấp phó không chuyên trách này nhận mức lương 1,9. Trừ phí đóng BHXH thì tiền lương còn lại khoảng trên 2 triệu đồng. Tường Vi chia sẻ thật lòng: “Tiền lương của cả hai vợ chồng tôi chưa đến 5 triệu đồng, chỉ vừa đủ cho chi phí sinh hoạt hàng ngày, cơm nước còn phải nhờ vào cha mẹ. Nếu tháng nào có nhiều đám tiệc thì còn phải xin thêm tiền gia đình”. Trên thực tế, trường hợp của Tường Vi còn khá hơn những người tốt nghiệp cao đẳng do mức lương còn thấp hơn. Trong khi đó, công việc đòi hỏi đi lại nhiều nên việc bỏ tiền túi để đi công tác không phải là chuyện lạ đối với cán bộ ở xã, phường.
Nhiều người cho rằng, cán bộ ở phường sẽ có đời sống “dễ thở” hơn so với ở xã, nhưng ở địa bàn đô thị thì áp lực công việc không phải là nhẹ đối với đội ngũ cán bộ. Một cán bộ không chuyên trách là phó Ban một phường ở TP. Bạc Liêu cho biết, dù mức lương của anh gần 4 triệu đồng, nhưng với mức sống đô thị cộng với vai trò là nguồn thu nhập chính trong gia đình thì cuộc sống của anh thật sự khá chật vật. Áp lực nhất vẫn là nhiệm vụ hàng ngày của một phường nội ô, nào là dẹp nạn buôn bán lấn chiếm vỉa hè, công tác tuyên truyền vận động người dân cũng khó hơn nhiều so với nông thôn. Hiện anh đã gửi hồ sơ xin chuyển về một đơn vị cấp tỉnh với hy vọng cuộc sống được cải thiện hơn, áp lực công việc cũng đỡ hơn.
Chủ tịch Hội LHPN xã Vĩnh Thanh (huyện Phước Long) triển khai một số nội dung công tác Hội cho hội viên. Ảnh: H.L
THIỆT THÒI CHO KHÓM - ẤP
Gần đây, báo chí phản ánh ở nhiều tỉnh, thành xuất hiện tình trạng cán bộ cơ sở đồng loạt nghỉ việc vì lương quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống. Theo Ban Tổ chức Thành ủy TP. Bạc Liêu, tình trạng này ở Bạc Liêu không nhiều, rải rác chỉ vài người xin nghỉ để theo đuổi công việc bên ngoài. Điều này cũng một phần là do chính sách cho cán bộ cơ sở gần đây đã có nhiều cải thiện, nhất là từ khi có Quyết định 32 năm 2014 của UBND tỉnh về những chính sách cho những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và khóm, ấp trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Theo chị Tường Vi, chính sách thiết thực nhất là việc hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho những người hoạt động không chuyên trách vì giúp cán bộ yên tâm làm việc hơn. Tuy nhiên, với các chốt không chuyên trách trong đoàn thể ở khóm - ấp, chính sách này vẫn chưa tới dù đã nhiều lần cử tri đề nghị được hỗ trợ. Ngoài ra, việc thanh toán kinh phí khoán cho hoạt động của khóm - ấp còn nhiều thủ tục rườm rà, gây khó cho người phụ trách.
Theo một cán bộ công tác lâu năm ở xã, để ổn định cuộc sống, vừa có thể lo cho gia đình vừa hoàn thành nhiệm vụ ở cơ quan, khá nhiều cán bộ cơ sở hiện nay đã kiếm việc làm thêm bên ngoài. Mở cơ sở kinh doanh, bán hàng qua mạng… là những công việc tay trái nhưng cho thu nhập chính của không ít người làm việc không chuyên trách ở xã, phường. Điều này sẽ không ảnh hưởng gì nếu không chi phối đến thời gian cũng như thái độ làm việc của cán bộ cơ sở. Bởi sự đánh giá hài lòng của người dân với công tác điều hành, quản lý của Nhà nước vẫn chủ yếu thông qua chính quyền cơ sở.
THANH LÂM
- Hồng Dân, Đông Hải triển khai nhiệm vụ đầu năm 2025
- Họp Tiểu ban Hậu cần, Lễ tân, An ninh trật tự phục vụ Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025
- Hơn 24,7 tỷ đồng hỗ trợ cho khuyến học, khuyến tài
- Tăng cường đấu tranh với các tệ nạn trá hình trong lễ hội tháng Giêng
- Ngăn chặn tình trạng mê tín dị đoan đầu năm mới