Chính trị
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Cùng bàn luận
BÚA LIỀM VÀNG 2023
BÚA LIỀM VÀNG 2024
Chỉ số DDCI: Nâng cao sự hài lòng đối với công tác quản lý, điều hành
Với quyết tâm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và làm rõ hơn vai trò, trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương trong thực hiện các chỉ số thành phần, năm 2021, Bạc Liêu thực hiện đánh giá chỉ số DDCI (viết tắt của cụm từ Department and District Competitiveness Index, tạm dịch là bộ chỉ số đánh giá năng lực điều hành cấp sở, ban, ngành và địa phương thuộc tỉnh). Từ việc thực hiện chỉ số này, đã đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước.
Hội nghị công bố chỉ số DDCI tại UBND tỉnh Bạc Liêu.
VÌ SAO PHẢI THỰC HIỆN DDCI?
Cải cách thể chế luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trong quá trình hội nhập quốc tế. Từ năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19 về việc xác định các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo đó, chỉ số PCI được chọn là cơ sở để đánh giá chất lượng điều hành kinh tế và thể hiện tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp về môi trường kinh doanh.
Bạc Liêu là một trong những địa phương tích cực trong triển khai cải thiện môi trường kinh doanh thông qua các hoạt động gắn bó cộng đồng doanh nghiệp và xem việc cải thiện chỉ số PCI là thước đo hỗ trợ trong điều hành và phát triển kinh tế của địa phương.
Tuy nhiên, kể từ năm 2017, điểm số PCI của Bạc Liêu đã không bắt kịp với các tỉnh, thành khác và liên tiếp tụt hạng. Đặc biệt năm 2020, chỉ số PCI của tỉnh chỉ đạt 59,61 điểm và xếp thứ 63 tỉnh, thành trong cả nước. Vì vậy, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nghị quyết, kế hoạch, chương trình để nâng cao chỉ số PCI và phấn đấu đến năm 2025 Bạc Liêu nằm trong tốp 20 của cả nước.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đó, bộ chỉ số DDCI là một trong những công cụ được quan tâm thực hiện, nhằm làm rõ trách nhiệm của từng sở, ngành và địa phương trong thực hiện các chỉ số thành phần có liên quan trực tiếp đến nâng cao chỉ số PCI.
Bởi bộ chỉ số DDCI được xem là nguồn thông tin tin cậy, rộng rãi và minh bạch trong việc tiếp nhận ý kiến, góp ý của cộng đồng doanh nghiệp. Đây còn là bộ chỉ số thể hiện cảm xúc, lòng tin, sự hài lòng của doanh nghiệp vào bộ máy công quyền, phản ánh sinh động mối quan hệ giữa chính quyền với doanh nghiệp.
2021 là năm đầu tiên Bạc Liêu thực hiện chỉ số DDCI và nhận được sự tham gia của 217 doanh nghiệp. Những thông tin này đảm bảo được tính khoa học, khách quan, minh bạch và toàn diện. Những đánh giá trong khảo sát đã phản ánh một cách trung thực cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp về kết quả xử lý các thủ tục hành chính (TTHC) nói riêng, năng lực và thái độ phục vụ của các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương.
Thực tiễn đã chứng minh, địa phương nào thực hiện tốt chỉ số DDCI thì sẽ góp phần cải thiện và nâng cao chỉ số PCI và ngược lại. Vì thế, việc nâng cao chỉ số DDCI đóng vai trò rất quan trọng trong nâng cao chỉ số PCI và việc cải thiện chỉ số này chính là khâu đột phá và mang tính quyết định trong nâng cao chỉ số PCI.
Thực tế cho thấy, khi thực hiện chỉ số DDCI sẽ tạo sự chuyển biến tích cực, rõ nét trong thái độ, tư duy và hành động của các sở, ngành và địa phương trong việc thực thi chính sách của tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Không chỉ thế, DDCI còn cung cấp công cụ hữu ích cho lãnh đạo chính quyền tỉnh, thành phố trong công tác chỉ đạo, điều hành. Đây là những thông tin phản ánh từ chính các đối tượng sử dụng dịch vụ công do các cơ quan nhà nước cung cấp. Đồng thời, cung cấp cho lãnh đạo tỉnh một công cụ theo dõi, đánh giá hiệu quả hoạt động của các sở, ban, ngành, huyện, thị, thành phố làm căn cứ khách quan cho công tác đánh giá chất lượng điều hành. Từ đó giúp chỉ ra những lĩnh vực cần cải thiện cho từng đơn vị, địa phương, có ngay giải pháp xử lý, khắc phục yếu kém và phát huy những thế mạnh, đồng thời trở thành nguồn thông tin hữu ích trong việc đánh giá hiệu quả triển khai một số chính sách có liên quan tới doanh nghiệp. Đây cũng được xác định là kênh thông tin hữu ích để thu thập các đề xuất, kiến nghị, sáng kiến của doanh nghiệp trong việc cải cách quy trình thực hiện TTHC, hoặc các ý tưởng cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển...
Thanh tra ngành Nông nghiệp kiểm tra chất lượng thuốc thú y thủy sản trên địa bàn tỉnh.
NHỮNG ĐIỀU HÀI LÒNG VÀ CHƯA HÀI LÒNG CỦA DOANH NGHIỆP
Qua khảo sát, đánh giá về 16 sở, ban ngành cùng 7 huyện, thị, thành phố đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho công tác quản lý, điều hành và hoạch định chính sách. Đồng thời, làm rõ thêm trách nhiệm, để từ đó có ngay các giải pháp khắc phục trong việc nâng cao chỉ số DDCI và cả chỉ số PCI.
Qua khảo sát các đơn vị tại tỉnh Bạc Liêu cho thấy không có các sở, ngành hay địa phương nào được xếp ở nhóm rất tốt, tốt và khá mà chỉ có xếp loại ở mức tương đối thấp và trung bình. Cụ thể, 7 sở, ban, ngành xếp loại trung bình bao gồm Cục Thuế, Sở NN&PTNT, Sở TN-MT, Sở Công thương, Sở GT-VT, Sở GD-KH&CN, Sở KH-ĐT. Về phía địa phương, chỉ có 2 địa phương xếp loại trung bình là huyện Hồng Dân và TX. Giá Rai. Riêng các địa phương còn lại đều nằm ở mức xếp loại tương đối thấp.
Qua kết quả khảo sát các chỉ số thành phần từ DDCI cho thấy, có nhiều chỉ số thành phần cần được phát huy. Như chỉ số chi phí thời gian nhận được sự quan tâm nhiều của cộng đồng các doanh nghiệp. Thời gian giải quyết TTHC ở cấp sở, ban, ngành nhận được đánh giá tốt hơn so với cấp địa phương. Theo đó, có hơn 70% ở cấp sở, ban, ngành và 57% ở cấp địa phương cho biết TTHC được giải quyết đúng quy định. Đồng thời, hiệu quả giải quyết TTHC của cán bộ khá tương đồng ở cả 2 cấp.
Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh là một trong những giải pháp góp phần nâng cao chỉ số DDCI tại TX. Giá Rai. Ảnh: K.T
Đối với vấn đề thanh - kiểm tra, khoảng 77% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết chỉ bị thanh - kiểm tra không quá 1 lần và 17 - 20% doanh nghiệp bị thanh - kiểm tra từ 2 - 3 lần trong năm. Vẫn có trường hợp doanh nghiệp bị thanh - kiểm tra trên 3 lần, dù số lượng ít nhưng những trường hợp này sẽ gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, tập trung chủ yếu ở Cục Thuế, Sở TN-MT, Sở GT-VT, huyện Phước Long, TP. Bạc Liêu và TX. Giá Rai. Tuy nhiên, các doanh nghiệp (khoảng 96%) được khảo sát cho biết cán bộ thanh - kiểm tra không nhũng nhiễu, số ít còn lại cho biết tình trạng nhũng nhiễu dừng ở mức tương đối.
Riêng chi phí không chính thức với chỉ tiêu “doanh nghiệp không phải trả chi phí không chính thức” có kết quả đánh giá ở mức khá. Theo đó, có 94% doanh nghiệp ở cấp sở, ban, ngành và 90% ở cấp địa phương cho biết không chi trả chi phí không chính thức. Tuy tỷ lệ chi trả chi phí không chính thức là rất ít nhưng vẫn có ảnh hưởng nhất định đến hoạt động của doanh nghiệp. Cụ thể, khoảng 5 - 7% doanh nghiệp ở cả 2 cấp cho biết các chi phí không chính thức có “ảnh hưởng” và “rất ảnh hưởng” đến hoạt động của mình. Có khoảng 25 - 30% doanh nghiệp ở cả 2 cấp cho biết việc chi trả chi phí không chính thức khi thực hiện TTHC hay khi bị thanh - kiểm tra từ mức “tương đối cần thiết” trở lên. Đa số doanh nghiệp tham gia đều không trả chi phí không chính thức nhưng trong quá trình khảo sát, các doanh nghiệp cho biết họ vẫn nắm được tình hình chung tại tỉnh. Theo đó, có 30 - 35% doanh nghiệp ở cả 2 cấp đánh giá mức chi trả chi phí không chính thức hiện khá cao, ở mức “không chấp nhận được”. Nhìn chung, tình hình về chi phí không chính thức ở cả 2 cấp không diễn ra ở diện rộng mà tập trung vào một số ít doanh nghiệp.
Ngoài các chỉ số này, còn nhiều chỉ số thành phần khác cần được quan tâm cải thiện và nâng cao hơn nữa như: Tính năng động, cạnh tranh bình đẳng, thiết chế pháp lý, tiếp cận đất đai…
KIM TRUNG
Bà Bùi Thanh Nguyên - Chánh Thanh tra tỉnh Bạc Liêu: Mạnh dạn tố giác các hành vi gây khó khăn, nhũng nhiễu, tiêu cực
Phải khẳng định rằng, chỉ số chi phí không chính thức là một trong những chỉ số quan trọng thể hiện niềm tin của doanh nghiệp vào bộ máy công quyền.
Với trách nhiệm được giao trong việc nâng cao chỉ số thành phần này, thời gian qua ngành Thanh tra đã có nhiều cố gắng, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cho tỉnh chỉ đạo ngành Thanh tra phấn đấu thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ để nâng cao năng lực cạnh tranh mà chỉ số chi phí không chính thức được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo rất quyết liệt.
Để nâng cao và thực hiện tốt hơn nữa chỉ số này, góp phần xây dựng đạo đức, văn hóa công vụ theo hướng phục vụ doanh nghiệp, Thanh tra tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh, các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ đối với công chức thừa hành nhiệm vụ, nhất là giải quyết các thủ tục, công việc liên quan đến doanh nghiệp. Các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra giám sát chặt chẽ hơn hoạt động thanh tra, kiểm tra.
Tiếp tục phát huy hiệu quả và phản ứng nhanh của số điện thoại “đường dây nóng” của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các địa phương để tiếp nhận, ngăn chặn, xử lý kịp thời các biểu hiện tiêu cực, nhất là thực hiện tốt Chỉ thị 08 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Đặc biệt, phát huy vai trò, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp trong việc giám sát, phát hiện và mạnh dạn tố giác các hành vi gây khó khăn, nhũng nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức nói chung và công chức thanh tra, kiểm tra nói riêng…
Ông Đỗ Minh Thắng - Chủ tịch UBND TX. Giá Rai: Cần đẩy mạnh công tác truyền thông về DDCI
Để nâng cao chỉ số DDCI, UBND tỉnh và các ngành cần tổ chức các hội thảo và chương trình tập huấn để doanh nghiệp hiểu đúng về quan điểm và mục tiêu của tỉnh trong việc triển khai khảo sát DDCI. Tích hợp những nội dung khảo sát, cách tính điểm chỉ số DDCI vào cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh và địa phương để cán bộ, người dân, doanh nghiệp hiểu rõ và chủ động tham gia cuộc khảo sát, từ đó có thêm nhiều thông tin hơn, để bộ chỉ số đánh giá khách quan, đúng với thực tế.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác truyền thông cho DDCI trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là các trang mạng xã hội để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp về việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông qua bộ chỉ số DDCI. Cũng như tuyên truyền chỉ số DDCI đến cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và cán bộ, công chức, nâng cao hiệu quả, hiệu ứng của các kênh tuyên truyền về DDCI để các nhà đầu tư, doanh nghiệp và chính bản thân cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ liên quan đến DDCI nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Tiếp tục phối hợp và tạo điều kiện cho VCCI Cần Thơ thực hiện việc khảo sát bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành và địa phương trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Đồng thời, tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc cải thiện môi trường kinh doanh của cán bộ, công chức, viên chức; phổ biến bộ chỉ số DDCI Bạc Liêu đến cộng đồng doanh nghiệp quan tâm tham gia cuộc khảo sát. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến, tạo niềm tin cho doanh nghiệp, từ đó góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tăng cường kiểm tra, rà soát các bộ phận trực thuộc, quản lý và ngăn ngừa hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Quan tâm đặc biệt đến việc giáo dục ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, thể hiện tốt trong cách phục vụ Nhân dân. Tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, tăng cường công tác phối hợp trong giải quyết công việc, TTHC liên quan đến doanh nghiệp. Hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư khi triển khai thực hiện dự án, cũng như trong quá trình hoạt động sản xuất - kinh doanh. Thực hiện nghiêm túc các ý kiến, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh liên quan đến việc triển khai các dự án trọng điểm, các dự án của nhà đầu tư. Tiếp tục vận hành có hiệu quả hoạt động của Trung tâm hành chính công, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở các xã, phường; tăng cường tính minh bạch, công khai các chủ trương, chính sách, các thủ tục theo quy định; niêm yết giá dịch vụ, phí, lệ phí, mức thuế phải nộp tại Trung tâm hành chính công, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở xã, phường; xây dựng hòm thư góp ý, nội quy tiếp dân... nhằm tăng cường trách nhiệm và đề cao ý thức, phẩm chất của cán bộ, công chức khi tiếp xúc với doanh nghiệp…
L.D (thực hiện)
- Triển khai đợt cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát
- Học sinh TP. Bạc Liêu say mê trải nghiệm “Nét Việt ngày xuân”
- Quỹ Thiện tâm tặng 500 suất quà Tết cho hộ nghèo
- Huyện Đông Hải và huyện Phước Long: Hơn 480 học sinh tham gia Kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9, cấp huyện
- Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội - Trần Thị Hoa Ry trao tặng 100 suất quà cho đoàn viên, người lao động khó khăn tại Bạc Liêu