Chính trị
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Cùng bàn luận
BÚA LIỀM VÀNG 2023
BÚA LIỀM VÀNG 2024
CHIẾN THẮNG LỊCH SỬ 30/4 - Ý NGHĨA VÀ NHỮNG GIÁ TRỊ CẦN GIỮ GÌN, PHÁT HUY
Năm nay, chúng ta kỷ niệm lần thứ 46 - Ngày chiến thắng 30/4.
45 năm qua chúng ta kỷ niệm Ngày lịch sử trọng đại này với những nội dung gần như không thay đổi: Mô tả các trận đánh, ca ngợi chiến công của các lực lượng vũ trang, khẳng định lòng yêu nước của Nhân dân ta và vai trò lãnh đạo của Đảng... Tuy nhiên, nếu dừng lại ở nội dung và cách làm như vậy, là chúng ta chưa thấy hết tầm vóc ý nghĩa và giá trị của sự kiện lịch sử trọng đại này và cũng khó làm lành vết thương do chiến tranh gây ra cho dân tộc ta.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc sinh thời trăn trở: Chiến thắng của chúng ta là vĩ đại, nhưng chúng ta cũng đã phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và nhiều sự mất mát... Đó là vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu.
Với góc nhìn như vậy, nhân kỷ niệm ngày 30/4 lịch sử năm nay, xin được tập hợp ý kiến của các đồng chí lãnh đạo, các nhà nghiên cứu để tìm hiểu ngày 30/4 lịch sử có những ý nghĩa và giá trị gì cần được giữ gìn và phát huy.
1- Ý nghĩa và giá trị to lớn nhất của ngày chiến thắng 30/4, là đã đem lại hòa bình cho đất nước ta và dân tộc chúng ta. Cho dù dân tộc ta còn phải đương đầu với cuộc chiến tranh quấy phá ở biên giới Tây Nam và cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc ở phía Bắc - cũng không kém phần khốc liệt, nhưng về cơ bản hòa bình trên đất nước ta đã được xác lập.
Có thể nói, tất cả những gì chúng ta có được hôm nay là thành tựu của hòa bình: Một cuộc sống ngày càng no đủ hơn, thịnh vượng hơn. Một xã hội ngày càng văn minh hơn, dân chủ hơn. Hơn một thế hệ người Việt Nam mới tự tin hơn, thông minh hơn, bản lĩnh hơn với khát vọng lớn hơn trong quá trình xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế...
Tất cả đều nhờ hòa bình mà có. Do đó, có thể nói hòa bình là một giá trị thiêng liêng và to lớn. Nếu chúng ta đã phải tiến hành chiến tranh, phải hy sinh xương máu của hàng triệu người vì nó, thì cần phải làm tất cả để đừng bao giờ đánh mất nó. Có hòa bình chúng ta mới có điều kiện để xây dựng, phát triển đất nước nhanh hơn, thuận lợi hơn.
Theo dõi các bản tin thời sự quốc tế hàng ngày về tình trạng nội chiến, khủng bố, xung đột sắc tộc, tôn giáo, bất ổn chính trị... ở nhiều nơi trên thế giới, chúng ta càng nhận thức sâu sắc hơn bao giờ hết ý nghĩa và giá trị của nền hòa bình mà chúng ta có được là quý giá như thế nào.
Do đó, chúng ta cần làm nhiều hơn nữa để tận dụng tốt hơn nền hòa bình mà mình đang có. Cần làm nhiều hơn nữa để giữ gìn nền hòa bình đó, nhất là trong tình hình hiện nay, bởi vì nền hòa bình của dân tộc và đất nước ta đã và đang bị thử thách: Bên cạnh một số thế lực không ngừng tìm cách chống phá sự nghiệp xây dựng đất nước của dân tộc và Nhân dân ta; là những thách thức về chủ quyền biển đảo trên Biển Đông đã và đang đe dọa nền hòa bình của đất nước ta. Không một người Việt Nam yêu nước nào không bức xúc trước tình hình này. Tất nhiên, Đảng và Nhà nước càng bức xúc hơn.
Hiện nay, có một số người cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam nhu nhược trước Trung Quốc; chúng kích động tư tưởng dân tộc cực đoan, xúi giục gây ra chiến tranh...
Chúng ta có thể tin tưởng và nói một cách chắc chắn rằng: không có và không bao giờ có chuyện Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam nhu nhược trước bất kỳ quốc gia nào, trước bất kỳ thế lực nào, trước bất kỳ ai nếu họ xâm lấn chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của dân tộc và đất nước ta.
Đảng và Nhà nước Việt Nam sẵn sàng động viên chiến tranh để bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mình, nhưng đó là phương án cuối cùng, nếu kẻ thù không cho chúng ta sự lựa chọn khác. Chúng ta không muốn chiến tranh, chúng ta mong muốn hòa bình để có điều kiện xây dựng đất nước. Tuy nhiên, dân tộc ta, mấy ngàn năm qua đã không lựa chọn hòa bình trong nô lệ và mất nước.
Một khi không còn có sự lựa chọn khác, thì dân tộc chúng ta không chỉ sẵn sàng chiến đấu mà còn biết chiến thắng. Và dân tộc ta đã từng chiến thắng hàng chục cuộc xâm lược hung hãn từ phương Bắc... đến các chế độ thực dân, đế quốc từ phương Tây.
Nếu mỗi con người không thể lựa chọn nơi mình sinh ra, thì một quốc gia cũng không thể lựa chọn quốc gia láng giềng. Chính vì không có sự lựa chọn quốc gia láng giềng, nên lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta mấy ngàn năm qua trong quan hệ với các nước láng giềng, nhất là với Trung Quốc, ông cha ta luôn nhắc nhở phải lấy hòa hiếu làm trọng, nếu buộc phải đấu tranh thì phải khôn ngoan lựa chọn, cân nhắc đấu tranh như thế nào, lựa chọn phương án tối ưu nào để có thể bảo vệ được lãnh thổ, biển đảo của đất nước mà vẫn giữ được môi trường hòa bình, vẫn giữ được quan hệ bình thường giữa các Nhà nước và với Nhân dân các nước láng giềng.
Chúng ta bảo vệ Tổ quốc với tất cả sức mạnh của ý chí, lòng yêu nước, truyền thống anh dũng, quật cường của dân tộc, chứ không phải với tư tưởng dân tộc cực đoan, cũng không phải chỉ với súng gươm; chúng ta biết phải bảo vệ Tổ quốc mình như thế nào, không cần ai “lên lớp” dạy bảo. Chúng ta luôn trân trọng lắng nghe những đề xuất, hiến kế của mọi người con dân nước Việt và góp ý của bạn bè quốc tế, nhưng chúng ta cũng không để rơi vào cái bẫy xúi giục của các thế lực có dã tâm khác.
Giáo sư sử học Trần Văn Giàu có nói đại ý: Sức mạnh giữ nước của dân tộc ta xét cho cùng là sức mạnh của đạo đức, của trí tuệ, văn hóa và ý chí đấu tranh của dân tộc Việt Nam... nó không phải là sức mạnh của cơ bắp và súng gươm. Nếu chỉ dựa vào sức mạnh của cơ bắp và súng gươm thì dân tộc ta đã trở thành đối tượng của khảo cổ học lâu rồi...!
Cuộc sống có thể còn có những ngang trái, có thể còn có những điều chúng ta chưa thật hài lòng...; nhưng hòa bình là một giá trị vô cùng quý báu cần được giữ gìn, phát huy.
Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975. Ảnh: T.L
2- Một ý nghĩa to lớn khác của Ngày chiến thắng 30/4, là đã mang lại sự thống nhất non sông, đất nước ta. Lịch sử của dân tộc và đất nước ta mấy trăm năm qua đã có không ít lần bị chia cắt. Và mỗi sự chia cắt đều là nỗi đau của mỗi người Việt Nam chúng ta; mỗi lần chia cắt như vậy đều mang lại đau khổ và mất mát cho hàng ngàn, thậm chí hàng triệu kiếp người. Vĩ tuyến 17 - sông Bến Hải là sự chia cắt sau cùng và cũng là nỗi đau tột cùng của dân tộc ta.
Với chiến thắng 30/4, đất nước chúng ta đã thống nhất từ địa đầu Móng Cái đến mũi Cà Mau; không gian thống nhất, rộng mở đó của đất nước dành cho tất cả mỗi người Việt Nam chúng ta. Ở đâu trên đất nước này, mỗi người Việt Nam cũng có thể tìm kiếm việc làm và mưu cầu hạnh phúc. Ai cũng được học hành, chữa bệnh; người nghèo được quan tâm chăm sóc. Ở đâu, chúng ta cũng có thể thờ cúng tổ tiên và thực hành niềm tin tôn giáo của mình; những ai có điều kiện thì có thể dọc ngang vui chơi, giải trí, tự do khám phá những điều kỳ thú trên đất nước thống nhất của mình...
Có thể nói, khi sự ngăn cách sau cùng về chiến tuyến không còn, thì những sự ngăn cách khác cũng từng bước thoái lui ngày một nhiều hơn - như một tất yếu không gì ngăn cản được. Bác Hồ lúc sinh tiền đã từng khẳng định: “Nước Việt Nam là một! Dân tộc Việt Nam là một”. Lời khẳng định đó của Bác Hồ phản ánh không chỉ là ý chí, là chân lý, mà là một hiện thực đang hiện hữu trên đất nước chúng ta hôm nay.
“Thống nhất” có ý nghĩa to lớn như vậy, cho nên “thống nhất” cũng là một giá trị cần được giữ gìn, phát huy.
Nếu, thống nhất non sông, thống nhất đất nước là một giá trị cần được giữ gìn phát huy, thì việc mở rộng vòng tay đến tất cả mọi người con dân nước Việt còn hướng về Tổ quốc - theo quan điểm của Đảng và Nhà nước ta: Xóa bỏ định kiến mặc cảm, hận thù, lấy mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng; bảo đảm sự bình đẳng, sự dự phần của mọi người dân trong việc hoạch định chính sách và thụ hưởng những thành quả của sự phát triển mang lại, để thống nhất dân tộc, thống nhất lòng người, đó là việc cần làm và phải được làm thật tốt để mọi người Việt Nam - kể cả bộ phận người Việt Nam ở nước ngoài - có điều kiện cùng chung tay xây dựng đất nước, góp phần nâng ý nghĩa và giá trị của sự “thống nhất” lên tầm cao mới - thống nhất dân tộc, thống nhất lòng người.
3- Như chúng ta đã biết, cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, là một cuộc chiến khốc liệt nhất sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2, kéo dài hơn 20 năm với sự hy sinh, chết chóc của hàng triệu người Việt Nam chúng ta. Cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta ác liệt và kéo dài như vậy, nhưng kết thúc có “hậu” - không có đổ nát đến mức hoang tàn, không có đầu rơi máu đổ, không có tắm máu trả thù gì gì đó... như những đồn đoán với dụng ý xấu theo kiểu chiến tranh tâm lý...
Sự kết thúc có hậu này không phải tự nhiên mà có - mà nó có nguồn gốc từ truyền thống khoan dung của dân tộc ta. Ngày 30/4 của Bạc Liêu - Cà Mau 46 năm trước, cũng kết thúc với truyền thống khoan dung và “có hậu” như vậy.
Với tư cách là một giá trị, tha thứ, bao dung là cách hành xử thể hiện sự tự tin của người nhận thức được chân lý và lẽ phải.
Nếu khoan dung là một giá trị truyền thống của dân tộc được kế thừa, phát huy cao độ ở ngày 30/4 để làm nên một chiến thắng trọn vẹn - ít máu xương, thì giá trị đó cần được tiếp tục giữ gìn, phát huy để nâng cao nhân cách con người, nâng cao tầm vóc dân tộc, làm cho mỗi chúng ta và dân tộc ta cao thượng hơn; để mỗi người Việt Nam chúng ta hôm nay - kể cả bộ phận đồng bào ở nước ngoài, gỡ bỏ những “giới tuyến”, những định kiến còn sót lại trong nhận thức, trong tình cảm, trong lòng của mình... để có thể thanh thản, đoàn kết, cùng nhau hướng tới tương lai tốt đẹp hơn của dân tộc.
4- Từ những giá trị nêu trên (hòa bình, thống nhất, khoan dung) cho thấy, bản thân ngày 30/4 cũng là một giá trị cần phải được giữ gìn, phát huy. Sau 46 năm nhìn lại, còn cho chúng ta thấy: Chính những ước mơ cháy bỏng về dân chủ, công bằng, văn minh, dân giàu, nước mạnh - như cách nói của chúng ta hôm nay - là nguồn động lực to lớn thôi thúc hàng triệu người con nước Việt sẵn sàng hy sinh, xông ra trận tuyến, do đó chiến thắng ngày 30/4 không phải là đích đến cuối cùng, không phải là vinh quang cuối cùng. Mà chiến thắng đó chỉ tạo ra những điều kiện quan trọng nhất để dân tộc chúng ta thực hiện những ước mơ cháy bỏng của mình mà thôi.
Do đó, nếu tinh thần quật khởi, ý chí kiên cường, mưu trí, sáng tạo, khoan dung... của ngày 30/4 đã giúp dân tộc ta chiến thắng trong chiến tranh; thì ngày nay chúng ta cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần quật khởi, ý chí kiên cường, mưu trí, sáng tạo, khoan dung của ngày 30/4 để chúng ta chiến thắng trong hòa bình - Tạo lập một vinh quang mới to lớn hơn trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước trong hòa bình và hội nhập quốc tế. Làm cho đất nước ta, dân tộc ta sánh vai được với các cường quốc năm châu trên thế giới như mong muốn của Bác Hồ, đó mới là đích đến cuối cùng, vinh quang cuối cùng của dân tộc ta, đất nước ta.
5- Những giá trị của Ngày chiến thắng lịch sử 30/4 gắn liền với vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Và lô-gíc hợp tình, hợp lý ở đây là: Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng là một giá trị cần được giữ gìn, phát huy.
Năm 1960 - nhân kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Bác Hồ đã nói đại ý là: Phải xây dựng Đảng, để Đảng thật sự “là đạo đức, là văn minh”. Đạo đức và văn minh chính là tầm cao giá trị, tầm cao văn hóa, nhân văn trong vai trò lãnh đạo của Đảng, là mục tiêu vươn tới của Đảng theo tư tưởng Bác Hồ.
Chỉ ở tầm cao giá trị “là đạo đức, là văn minh” đó Đảng mới vượt qua được những thử thách đã và đang đe dọa sự tồn vong của chế độ và vai trò lãnh đạo của mình; mới củng cố được lòng tin của Nhân dân, mới lãnh đạo được dân tộc ta thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Sự khốc liệt và mất mát của chiến tranh như thế nào rồi cũng qua đi; khí thế hào hùng của Ngày chiến thắng lịch sử 30 tháng Tư của dân tộc như thế nào rồi cũng sẽ qua đi... Nhưng ý nghĩa và giá trị ngày 30/4 luôn sống mãi với lịch sử đất nước ta, dân tộc ta. Những giá trị đó cần được giáo dục, trao truyền; cần được giữ gìn, phát huy để các thế hệ người Việt Nam luôn tự tin, tự hào, đoàn kết vươn lên trong quá trình xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế.
Nên chăng, mỗi năm khi kỷ niệm chiến thắng lịch sử 30/4 là dịp để chúng ta phát huy ý nghĩa và những giá trị cao đẹp của ngày lịch sử trọng đại này để khơi nguồn cảm hứng, động viên toàn dân tộc ta, kể cả bộ phận người Việt đang sinh sống ở nước ngoài cùng nhau thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Nguyễn Khuê - Nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
- Nhiều hoạt động hướng về học sinh
- TP. Bạc Liêu: Thực hiện Tết Quân - dân đến hết ngày 24/1
- Phó Chủ tịch nước - Võ Thị Ánh Xuân thăm, tặng quà Tết cho người có hoàn cảnh khó khăn tại Bạc Liêu
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: Thăm, chúc tết các đơn vị, cơ sở y tế trên địa bàn TP. Cần Thơ
- Bộ đội Biên phòng gặp mặt báo chí đầu Xuân