Chính trị
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Cùng bàn luận
BÚA LIỀM VÀNG 2023
BÚA LIỀM VÀNG 2024
Công tác cán bộ qua 25 năm tái lập tỉnh: Xây nền tảng cho phát triển
Lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh công tác tổ chức cán bộ có vị trí đặc biệt quan trọng trong các phong trào cách mạng của Đảng. Sau 25 năm, Bạc Liêu đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, uy tín và gắn bó mật thiết với Nhân dân, là yếu tố quyết định cho sự phát triển của địa phương trong một phần tư thế kỷ vươn lên từ gian khó. Trên nền tảng này, những mục tiêu, yêu cầu cao hơn, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới lại được đặt ra với công tác cán bộ của tỉnh ở các giai đoạn phát triển tiếp theo.
Bài 1: Giải bài toán về nguồn nhân lực
Sau khi Bạc Liêu được tái lập (1/1/1997), đội ngũ cán bộ, công chức để bố trí vào bộ máy các cơ quan tỉnh lúc bấy giờ chủ yếu là lực lượng cán bộ công tác tại các sở, ban ngành tỉnh Minh Hải điều về, nhưng số lượng cán bộ này rất ít so với yêu cầu, phần đông lại chưa được đào tạo chuyên môn ở bậc đại học. Nhiều giải pháp tình thế để giải bài toán trước mắt cũng như nhiều nhiệm vụ lâu dài đã được thực hiện nhằm đảm bảo cho hoạt động của bộ máy Đảng, Nhà nước các cấp trong thời gian đầu bề bộn ấy.
Lễ khai giảng lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính đầu tiên dành cho cán bộ Đoàn do Trường Chính trị Châu Văn Đặng và Tỉnh đoàn phối hợp tổ chức.
Nhanh chóng hoàn thiện bộ máy
Có thể hình dung về công tác tổ chức bộ máy và cán bộ tỉnh Bạc Liêu thời gian đầu “ra riêng” từ chia sẻ của ông Nguyễn Huy Thái (Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh) khi nhớ về không khí ngày đầu tỉnh Bạc Liêu được tái lập: “Năm anh em cán bộ Đoàn chuyên trách được điều động từ Tỉnh đoàn Minh Hải về Tỉnh đoàn Bạc Liêu, ngày 20/12/1996 có mặt, “tiếp quản” nhà số 70, Đống Đa, Phường 5, TX. Bạc Liêu - nơi mà từ ngày 1/1/1997 sẽ là trụ sở của cơ quan Tỉnh đoàn Bạc Liêu (…). Tài sản duy nhất đem về từ Cà Mau là chiếc máy đánh chữ hiệu Olympic đã cũ. Có lẽ “tài sản” lớn nhất lúc đó chính là tinh thần phấn chấn trong khí thế vui mừng chung của sự kiện tái lập tỉnh. Cả TX. Bạc Liêu ngổn ngang như một đại công trường”.
Thời gian đầu khi tái lập tỉnh, Bạc Liêu có 4 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm: các huyện Vĩnh Lợi, Giá Rai, Hồng Dân và TX. Bạc Liêu) và 48 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 37 xã, 5 phường, 6 thị trấn), các cơ quan, ban ngành cấp tỉnh cũng được hình thành theo quy định của Điều lệ Đảng, pháp luật Nhà nước và quy định của Bộ Chính trị, Chính phủ. Đến hết tháng 1/1997, có 53 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh được thành lập, nhưng còn rất nhiều vị trí việc làm trong bộ máy của từng cơ quan, đơn vị chưa có nhân sự để bố trí.
Yêu cầu đặt ra lúc bấy giờ, phải nhanh chóng hoàn thiện bộ máy để đi vào hoạt động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ. Trong 2 năm (1997 và 1998), Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban Tổ chức chính quyền tỉnh quyết định điều động, bổ nhiệm 416 cán bộ, công chức cấp huyện, xã lên công tác tại các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh. Đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tuyển dụng hàng trăm biên chế mới để bố trí theo vị trí việc làm của bộ máy từng cơ quan, đơn vị và thành lập thêm 5 cơ quan, đơn vị. Sau 2 năm, các cơ quan, đơn vị đã được hình thành hoàn chỉnh, đáp ứng được yêu cầu lãnh đạo, quản lý trên các lĩnh vực và đã giải quyết căn bản sự thiếu hụt các chức danh theo vị trí việc làm của bộ máy từng cơ quan, đơn vị, bộ máy đi vào hoạt động ổn định, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ lúc bấy giờ.
Trường đại học Đồng Tháp trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên đại học liên thông, hệ vừa làm vừa học tổ chức tại Bạc Liêu năm 2015. Ảnh: N.Q
Chuẩn hóa trình độ cán bộ
Đội ngũ cán bộ, công chức để bố trí vào bộ máy các cơ quan tỉnh lúc bấy giờ chủ yếu là lực lượng cán bộ công tác tại các sở, ban ngành tỉnh Minh Hải điều về, nhưng số lượng cán bộ này rất ít so với yêu cầu, phần đông chưa được đào tạo chuyên môn ở bậc đại học. Vậy là bên cạnh những giải pháp trước mắt, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 11, ngày 30/9/1997 thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa VIII) về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước để chuẩn bị cho lâu dài. Kế hoạch hướng đến sắp xếp, kiện toàn đội ngũ cán bộ hiện có, tích cực chuẩn bị lực lượng cán bộ kế cận; gắn chặt giữa xây dựng đội ngũ cán bộ với việc củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức trong sạch, vững mạnh theo hướng lâu dài. Thực hiện Kế hoạch, tỉnh đã đưa đi đào tạo về chuyên môn, lý luận chính trị 10.928 đồng chí.
Nhớ lại những năm tháng này, TS. Trần Văn Chiêu, nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, kể lại: “Đơn vị tổ chức dạy bổ túc văn hóa và liên kết đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học cho trên 2.000 học viên, sinh viên mỗi năm. Trung tâm phải cải tạo ký túc xá thành phòng học để có đủ nơi giảng dạy”. Trước năm 1997, Trung tâm đã có những lớp liên kết đào tạo, sau tái lập tỉnh, đơn vị tiếp tục làm việc với các trường đại học để thống nhất ngành đào tạo, số lượng chiêu sinh, sau đó trình xin ý kiến tỉnh. Ngoài hình thức đào tạo vừa làm, vừa học, Trung tâm còn mở các lớp đào tạo từ xa, học vào ngày thứ Bảy và Chủ nhật. TS. Chiêu khẳng định: “Không có các lớp đó thì không nâng cao, chuẩn hóa trình độ cán bộ được!”.
Công tác đào tạo lý luận chính trị do Trường Chính trị Châu Văn Đặng đảm nhận thông qua việc liên hệ với các trường Trung ương để liên kết mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho tỉnh, theo yêu cầu của Tỉnh ủy. Từ năm 1997 - 2000, trường có 27 cán bộ tốt nghiệp đại học chính quy, đủ các chuyên ngành theo yêu cầu đưa đi đào tạo. Từ năm 2000 trở đi, trường vừa đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên, vừa mở rộng cơ sở đào tạo, bồi dưỡng (mở tại trường và mở tại các huyện, thị), vừa liên hệ tranh thủ hợp đồng với các cơ sở đào tạo ở Trung ương mở nhiều loại chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Trong diễn văn ôn lại truyền thống 25 năm tái lập tỉnh, đồng chí Lữ Văn Hùng - Bí thư Tỉnh ủy nhận định một trong những khó khăn, thách thức lớn nhất mà tỉnh chúng ta phải đương đầu ngay từ những ngày đầu mới tái lập là: “Các cơ quan trong hệ thống chính trị thiếu trầm trọng. Lực lượng cán bộ, công chức thiếu về số lượng, chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng”. Đến hôm nay, những khó khăn ấy hoàn toàn lùi lại phía sau khi đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong tỉnh luôn được củng cố, kiện toàn và đã có bước trưởng thành vượt bậc.
Nguyễn Quốc
- Trao tặng Huy hiệu Đảng cho 40 đảng viên
- Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: Họp mặt báo chí mừng Xuân Ất Tỵ 2025
- TP. Bạc Liêu: Bàn giao 27 căn nhà và tặng 100 suất quà Tết cho hộ nghèo, cận nghèo
- Hội Nông dân tỉnh: Trao tặng 170 suất quà Tết tại huyện Phước Long và TX. Giá Rai
- Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 1/2025