Chính trị
Công tác giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội: Lo phần hậu giám sát!
Dù được xác định là nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị - xã hội, nhưng trên thực tế thì công tác giám sát của các tổ chức này khá yếu. Đặc biệt, phần “hậu giám sát” chưa được chính quyền các cấp quan tâm giải quyết thỏa đáng theo đề xuất của các cơ quan giám sát đã khiến công tác này thêm phần hạn chế…
Giám sát việc xây dựng lộ giao thông nông thôn ở xã Long Điền Đông (huyện Đông Hải). Ảnh: T.T
Thiếu kinh nghiệm giám sát
Những khó khăn trong công tác giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội không phải là chuyện mới phát sinh gần đây. Cùng với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, trong năm qua, Hội LHPN tỉnh là tổ chức có hoạt động giám sát trong khi các tổ chức còn lại gần như không tổ chức được đợt giám sát nào. Đó là sự nỗ lực rất lớn của những cán bộ vốn chỉ làm công tác chuyên môn, không có nhiều kinh nghiệm về giám sát. Tuy nhiên, chính tổ chức này cũng thừa nhận để thực hiện tốt việc giám sát là không dễ, trong đó quan trọng nhất là thiếu cán bộ có kinh nghiệm về giám sát.
Bà Trần Thị Hoa Ry - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh nhận định: “Chúng tôi có nhiều kế hoạch giám sát trong năm 2017 nhưng điều khó khăn là thiếu người có kinh nghiệm về giám sát cũng như các hiểu biết trên lĩnh vực được giám sát”.
Không chỉ riêng Hội LHPN, các tổ chức chính trị - xã hội khác cũng trong hoàn cảnh tương tự. Không chỉ khó khăn về con người, kinh phí để tổ chức giám sát cũng là vấn đề gây đau đầu cho cơ quan các đoàn thể khi muốn tổ chức một đợt giám sát. Thậm chí, công tác giám sát đầu tư cộng đồng - một hình thức giám sát phổ biến và ít kinh phí mà chủ yếu là dựa vào sức dân cũng có nơi làm tốt, nơi làm không hiệu quả!
Hậu giám sát chưa chuyển biến
Theo kế hoạch của Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh, mỗi năm Hội sẽ giám sát ít nhất một chuyên đề. Trước mắt trong năm 2017, Hội sẽ tiến hành giám sát việc thực hiện Nghị quyết 11 về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, điều được Ban Thường vụ Hội LHPN quan tâm là phần hậu giám sát, làm sao để tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác phụ nữ. Điều quan tâm này không phải là không có cơ sở. Ông Quảng Trọng Ninh - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thừa nhận “năng lực giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương không mạnh như ở Trung ương, vì vậy việc thực hiện công tác giám sát không đạt chất lượng cao. Điều đáng nói là sự chuyển biến sau giám sát chưa được thấy rõ”. Dẫn chứng về đợt giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo trên địa bàn tỉnh của Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trong năm 2016, ông Quảng Trọng Ninh cho biết sau giám sát, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng tham mưu có giải pháp thực hiện theo đề xuất của đoàn giám sát. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy động thái nào của ngành chức năng thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh! Rõ ràng khi chưa có chế tài bắt buộc các cơ quan quản lý nhà nước phải thực hiện theo đề xuất của các tổ chức chính trị - xã hội sau giám sát thì công tác giám sát chỉ mang tính hình thức mà thôi.
Theo kế hoạch thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội sẽ chung tay vào việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng thông qua hoạt động giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo quyết định của Trung ương. Tuy nhiên, khi công tác giám sát còn gặp nhiều khó khăn như hiện tại, đặc biệt là phần hậu giám sát không được cơ quan quản lý nhà nước xem trọng thì sự tham gia của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội sẽ không mang đến hiệu quả cao như mong muốn.
Thanh Lâm
- Sở LĐ-TB&XH: Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức và người lao động năm 2025
- Hồng Dân, Đông Hải triển khai nhiệm vụ đầu năm 2025
- Họp Tiểu ban Hậu cần, Lễ tân, An ninh trật tự phục vụ Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025
- Hơn 24,7 tỷ đồng hỗ trợ cho khuyến học, khuyến tài
- Tăng cường đấu tranh với các tệ nạn trá hình trong lễ hội tháng Giêng