Chính trị
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Cùng bàn luận
BÚA LIỀM VÀNG 2023
BÚA LIỀM VÀNG 2024
Đảng bộ Bạc Liêu: Xứng đáng với những đóng góp của thế hệ đi trước, đáp ứng kỳ vọng và niềm tin của Nhân dân Bạc Liêu
(Trích phát biểu của đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương)
Về dự và chỉ đạo Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020 - 2025), đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương đã có những chỉ đạo quan trọng trong định hướng nhiệm kỳ mới của Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu. Báo Bạc Liêu xin trân trọng trích giới thiệu bài phát biểu chỉ đạo của đồng chí Trương Thị Mai.
Đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương phát biểu chỉ đạo Đại hội.
… Nhiệm kỳ qua, trong bối cảnh có nhiều thời cơ, thuận lợi, song cũng không ít khó khăn, thách thức tác động, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bạc Liêu đã có nhiều nỗ lực, đổi mới tư duy, phát huy được tiềm năng, lợi thế và đã đạt được những thành tựu tương đối toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Kinh tế tăng trưởng khá cao, bình quân hơn 7%/năm, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, thuộc nhóm tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 58 triệu đồng/năm, hơn 1,8 lần so với năm 2015, xấp xỉ mức bình quân chung của cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, công nghiệp và dịch vụ đang tăng lên trong những năm gần đây. Chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện.
Điểm nổi bật trong nhiệm kỳ qua đó là, Bạc Liêu đã tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện 11 nhiệm vụ trọng tâm với 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội đạt được nhiều kết quả. Quan tâm phát triển nông nghiệp, hướng vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt, việc nghiên cứu và sản xuất tôm theo chuỗi giá trị đạt bước tiến quan trọng, dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, với hơn 2.250ha tôm nuôi theo mô hình ứng dụng công nghệ cao, đưa năng suất tăng từ 10 - 15 lần so với nuôi thông thường; phát triển mạnh sản xuất tôm giống với trên 32 tỷ post/năm, chiếm 84,54% thị phần tôm giống vùng ĐBSCL và 52,73% tổng thị phần tôm giống cả nước. Bên cạnh đó, sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn, liên kết chuỗi giá trị, liên kết sản xuất, tăng xuất khẩu, gắn với thị trường có triển vọng tốt hơn. Có thể khẳng định, nông nghiệp của Bạc Liêu đã chuyển dịch tích cực, chú trọng chất lượng, tính bền vững, giá trị gia tăng từ hơn 12.000 tỷ đồng năm 2015 lên hơn 19.000 tỷ đồng năm 2020.
Đại biểu chào mừng đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương đến dự Đại hội. Ảnh: H.T - M.Đ
Phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp tái tạo, năng lượng sạch, công nghiệp chế biến tạo được bước đột phá, tăng từ 5,69% (năm 2015) lên 13,04% (năm 2020), Nhà máy Điện gió Bạc Liêu công suất 99,2MW đã hoạt động ổn định; đang thi công 09 dự án điện gió với tổng công suất 562MW; Dự án Nhà máy Nhiệt điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), công suất 3.200MW, tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD... Đây là kết quả rất ấn tượng, hướng đi mới, là cơ sở quan trọng để Bạc Liêu có thể trở thành một trong những trung tâm về năng lượng tái tạo, năng lượng sạch của khu vực và quốc gia. Công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu tiếp tục giữ vai trò chủ lực với 23 nhà máy, năng suất hơn 100.000 tấn/năm, giải quyết việc làm cho khoảng 40.000 lao động, giá trị mang lại khoảng 800 triệu USD/năm.
Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đã phát triển đến tận thôn, xóm. Điều rất đáng ghi nhận đó là, đã có 49/49 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 7/7 đơn vị cấp huyện cơ bản hoàn thành chuẩn xây dựng nông thôn mới, thể hiện quyết tâm cao, nỗ lực lớn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bạc Liêu.
Phát triển du lịch đạt được kết quả khá tích cực, doanh thu ước đạt gần 3.000 tỷ đồng/năm, có 9 điểm du lịch tiêu biểu đã được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận, nhiều sản phẩm du lịch có thương hiệu, khách du lịch ngày càng tăng, Bạc Liêu đang dần khẳng định vị trí quan trọng trong bản đồ du lịch khu vực ĐBSCL và cả nước.
Lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm, nhiều năm liền trong tốp 10 địa phương đứng đầu cả nước về kết quả tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia. Chất lượng dịch vụ y tế, chính sách phúc lợi, an sinh xã hội được quan tâm... giữ gìn, bảo tồn, phát huy được các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Mức sống của các gia đình chính sách đã bằng hoặc cao hơn mức trung bình của khu dân cư, điều rất ấn tượng đó là, toàn tỉnh chỉ còn khoảng 1% hộ nghèo, năm 2019 tăng 17 bậc, kết quả này cao hơn mức bình quân của ĐBSCL và của cả nước, số tái nghèo và số phát sinh nghèo mới cũng thấp nhất ĐBSCL. Đời sống Nhân dân được cải thiện và nâng cao, diện mạo của tỉnh có nhiều khởi sắc. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững...
Công tác xây dựng Đảng được chú trọng, nhiệm kỳ qua theo sự phân công của Bộ Chính trị, có hai đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhận nhiệm vụ tại Bạc Liêu đã tiếp nối, tập trung chỉ đạo, xây dựng Đảng bộ đoàn kết, thống nhất, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, tạo được sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu. Công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều đổi mới, hướng về cơ sở, góp phần động viên Nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.
Thay mặt Bộ Chính trị, tôi đánh giá cao và nhiệt liệt chúc mừng những kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ qua của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Bạc Liêu.
Thưa các đồng chí,
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Bạc Liêu cần đánh giá đầy đủ và có giải pháp sát thực để khắc phục những hạn chế, yếu kém, thách thức đã nêu trong Báo cáo, đó là: Quy mô kinh tế và thị trường còn nhỏ; tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm, tỷ lệ nông nghiệp, lao động nông nghiệp còn cao; một bộ phận Nhân dân đời sống còn khó khăn; giải pháp ứng phó với tác động ngày càng nghiêm trọng của thiên tai, biến đổi khí hậu; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) còn thấp; số lượng doanh nghiệp còn ít, quy mô nhỏ, năng lực quản trị còn yếu; nguồn nhân lực chất lượng cao thiếu hụt, chưa đáp ứng được cho các mục tiêu phát triển tiếp theo; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức đảng, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới; công tác dân vận và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể có lúc, có nơi chậm đổi mới, chất lượng hoạt động giám sát và phản biện xã hội chưa cao; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở một số nơi còn tiềm ẩn phức tạp.
Những năm tới, bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi phức tạp, nhanh chóng, khó lường. Mặc dù hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo nhưng cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh kinh tế, cạnh tranh thương mại tiếp tục diễn ra gay gắt hơn. Việc tham gia các hiệp định song phương, đa phương, nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức về năng lực cạnh tranh, năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực, phân hóa giàu - nghèo, năng lực quản trị quốc gia, doanh nghiệp... Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực. Thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động của đại dịch COVID-19 làm cho thế giới rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng nhiều mặt, các vấn đề về an ninh phi truyền thống, ô nhiễm môi trường, chống phá của các thế lực thù địch, phản động... sẽ tác động nhiều chiều đến công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, đời sống của Nhân dân, đòi hỏi phải nhận thức đầy đủ hơn để có định hướng phát triển phù hợp.
Về cơ bản, Bộ Chính trị đã góp ý kiến và tán thành với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Báo cáo chính trị và các báo cáo khác trình Đại hội, với yêu cầu “xây dựng Đảng là then chốt, phát triển kinh tế - xã hội là trọng tâm, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, quốc phòng - an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên”, tôi nhấn mạnh thêm một số vấn đề để Đại hội chúng ta quan tâm:
Thứ nhất là, cần tiếp tục tập trung cho công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; kiên định nguyên tắc độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới của Đảng; nâng cao năng lực cầm quyền, sức chiến đấu, đoàn kết, thống nhất trong Đảng; kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Tiếp tục sắp xếp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ và gắn bó mật thiết với Nhân dân; phát huy tính tiên phong, nêu cao tinh thần gương mẫu, trách nhiệm với Nhân dân của cán bộ, đảng viên, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.
Thứ hai là, Bạc Liêu cần tiếp tục xác định vị trí, vai trò trong vùng Tây Nam Bộ, Tiểu vùng Nam sông Hậu, Tiểu vùng Bán đảo Cà Mau, chủ động thúc đẩy liên kết vùng trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng phù hợp với điều kiện, thế mạnh của Bạc Liêu. Tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp, hướng mạnh vào ứng dụng công nghệ cao, gắn với đặc điểm sinh thái, thích ứng được với biến đổi khí hậu, có giải pháp chuyển sản xuất nông nghiệp thuần túy sang phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng gắn với thị trường, từ số lượng sang chất lượng, từ sản xuất nhỏ lẻ, phân tán sang sản xuất hàng hóa lớn, có tính cạnh tranh cao, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu. Quan tâm xây dựng một số hợp tác xã kiểu mới, lớn mạnh về quy mô, về sản phẩm chủ lực và công nghệ. Đặc biệt, với lợi thế của một tỉnh ven biển, Bạc Liêu có điều kiện thuận lợi trong nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm công nghệ cao với nhiều mô hình có hiệu quả, cần tiếp tục, nghiên cứu phát triển mạnh mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, công nghệ cao, sớm đưa “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu” vào hoạt động, phấn đấu xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp giống, nuôi trồng, chế biến về tôm của cả nước.
Nâng cao chất lượng Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đạt chuẩn tỉnh nông thôn mới với phương châm “Xây dựng nông thôn mới là một quá trình thường xuyên, liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”, hướng đến phát triển nông thôn bền vững, đô thị hóa nông thôn hợp lý và tăng cường liên kết nông thôn - đô thị.
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, công nghiệp chế biến thủy - hải sản. Khẩn trương hoàn thành các dự án, đưa vào sử dụng, tạo bước đột phá cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của quốc gia.
Quan tâm quản lý có hiệu quả đất đai, tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; tiếp tục xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện... từng bước chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, cải thiện môi trường đầu tư, thu hút được các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước, sử dụng có hiệu quả nguồn lực của mọi thành phần kinh tế và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh.
Thứ ba là, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân. Nâng cao tính bền vững của Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, chăm lo cho các gia đình chính sách, quan tâm cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số, người dân gặp khó khăn trong cuộc sống. Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Bạc Liêu.
Thưa các đồng chí,
Cùng với việc thảo luận, quyết định phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu phát triển, thông qua Chương trình hành động, Nghị quyết nhiệm kỳ 2020 - 2025; thảo luận, đóng góp ý kiến cho các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội chúng ta còn phải thực hiện nhiệm vụ bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Đoàn đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Tôi đề nghị Đại hội phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm để lựa chọn những đồng chí đảm bảo tiêu chuẩn, tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân tín nhiệm để bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI với cơ cấu hợp lý. Đồng thời, lựa chọn được các đại biểu tiêu biểu, thay mặt cho Đảng bộ tỉnh dự Đại hội đại biểu toàn quốc, đóng góp vào thành công của Đại hội. Sau Đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI cần nhanh chóng cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống.
Bạc Liêu là tỉnh có bề dày về truyền thống cách mạng và giá trị văn hóa, là nơi hội tụ của nhiều dòng văn hóa, nhiều công trình văn hóa, cảnh quan thiên nhiên độc đáo, tạo nên vẻ đẹp riêng của Bạc Liêu; lịch sử của vùng đất này đã làm nên tính cách con người Bạc Liêu hiếu khách, trọng nghĩa tình, giàu lòng nhân ái, hào hiệp, cần cù, phóng khoáng. Bạc Liêu là quê hương của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nơi được cả nước biết đến với bài vọng cổ đầu tiên đã ra đời cách đây khoảng 100 năm - bản Dạ cổ hoài lang, là quê hương của vọng cổ, điệu nói thơ Bạc Liêu, làn điệu hò chèo ghe Bạc Liêu... Với lịch sử lâu đời, khoảng hơn 300 năm, từ năm 1680 đã có những thôn xóm đầu tiên tại đây, trong chiến đấu chống ngoại xâm, người Bạc Liêu luôn dũng cảm, kiên trung, nhiều chiến tích oai hùng gắn với dấu ấn của nhiều anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trên mảnh đất này. Đảng bộ Bạc Liêu được thành lập từ rất sớm, phong trào cách mạng sớm trưởng thành trong khu vực. Phát huy truyền thống cách mạng, Bạc Liêu đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nhiều hiểm nguy, gian khổ và đã tạo nên những mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng; vận dụng sáng tạo đường hướng chiến lược, sách lược của Đảng, điều rất đặc biệt là trong lịch sử cách mạng, Bạc Liêu đã hai lần giành chính quyền mà không phải nổ súng, đó là ngày 23/8/1945, Cách mạng tháng Tám. Và 30 năm sau, lịch sử đã lập lại, vào 10 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam đã được tung bay trên Dinh Tinh trưởng của Bạc Liêu. Để có được những thành quả đó thì phải nói đến sự nỗ lực và những giây phút rất căng thẳng, đấu trí, phát huy cao độ sức mạnh chính trị, sức mạnh công tác binh vận, dân vận của Bạc Liêu. Và phải nói rằng hai lần đặc biệt này, Bạc Liêu đối với lịch sử cách mạng, Đảng và dân tộc cũng là chiến thắng rất vĩ đại. Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Bạc Liêu trong nhiều năm liền luôn đoàn kết, nêu cao ý chí, vượt qua khó khăn, thử thách, hy sinh, đóng góp to lớn cho sự nghiệp độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, xây dựng và bảo vệ đất nước, xây dựng Bạc Liêu ngày càng phát triển.
Tôi tin tưởng rằng, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân tỉnh Bạc Liêu sẽ tiếp tục phát huy truyền thống quê hương cách mạng và những thành tựu đã đạt được, đoàn kết, quyết tâm xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh, phấn đấu đưa Bạc Liêu phát triển nhanh và bền vững, trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2030. Xứng đáng với những đóng góp của thế hệ đi trước, đáp ứng kỳ vọng và niềm tin của Nhân dân Bạc Liêu.
(*): Tựa do Tòa soạn đặt
- Ngân hàng BIDV chi nhánh Bạc Liêu: Mang tết đến với 500 hộ dân bị thiệt hại do thiên tai
- Huyện Hồng Dân: Tặng 135 suất quà tết cho hộ nghèo, cận nghèo
- Lãnh đạo tỉnh thăm gia đình thanh niên chuẩn bị nhập ngũ
- Báo Bạc Liêu triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Tổng kết Tết Quân - dân năm 2025 tại xã Định Thành