Đẩy mạnh thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số

Thứ Sáu, 27/10/2023 | 14:36

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu vừa chỉ đạo UBND tỉnh đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (gọi tắt là Chương trình). Đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm không ngừng nâng cao mọi mặt đời sống của đồng bào DTTS.

Biểu diễn trang phục truyền thống dân tộc Khmer tại lễ khai mạc Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu năm 2022.

Học tiếng dân tộc

Bạc Liêu có 24 DTTS với trên 91.000 người, chiếm 9,2% dân số toàn tỉnh. Trong đó, dân tộc Khmer chiếm 7,6% và là dân tộc có khó khăn đặc thù. Do đó, nắm bắt và giao tiếp được bằng tiếng Khmer sẽ giúp công tác vận động quần chúng trong vùng DTTS đạt hiệu quả cao. Vì vậy, việc nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) làm công tác dân tộc được đặc biệt quan tâm thực hiện, như tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho CBCCVC.

Tiến sĩ Thạch Thị Vân - Phó Hiệu trưởng Trường đại học Trà Vinh cho biết nhà trường cam kết sẽ thực hiện công tác bồi dưỡng, đánh giá, cấp chứng chỉ tiếng Khmer cho CBCCVC tỉnh Bạc Liêu đúng quy định. Tài liệu giảng dạy do Trường đại học Trà Vinh biên soạn và công bố tháng 4/2023.

Các lớp học là một nội dung thực hiện tiểu dự án 2, Dự án 5 về bồi dưỡng kiến thức dân tộc, tiếng DTTS cho CBCCVC nhóm đối tượng 3 và đối tượng 4 công tác tại vùng đồng bào DTTS thuộc Chương trình.

Chương trình là một trong 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 được Quốc hội phê duyệt năm 2019.

Dạy chữ Khmer tại chùa chót Cái Giá (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi). Ảnh: N.Q

Bạc Liêu thực hiện 6 dự án

Trong Chương trình, Bạc Liêu thực hiện 6 dự án, gồm: giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; phát triển GD-ĐT, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch; chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em…

Theo ông Phan Thanh Duy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đang tích cực triển khai thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn được giao đối với các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình. Nguồn lực thực hiện Chương trình được hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương, tỉnh cũng chủ động bố trí ngân sách đối ứng và huy động các nguồn đóng góp hợp pháp.

Để tạo hành lang pháp lý cho UBND tỉnh triển khai thực hiện Chương trình, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết. Có thể kể ra như: Nghị quyết 16 năm 2022 về giao kế hoạch vốn ngân sách năm 2022 thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Bạc Liêu, hay Nghị quyết 17 năm 2023 sửa đổi một số điều của Nghị quyết 09 năm 2022 quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình.

Và mới đây tại kỳ họp thứ 27 (13/10), Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đồng ý đề xuất trình Quốc hội quyết định “cho phép HĐND cấp tỉnh được quyết định việc phân cấp cho UBND cùng cấp quyết định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án, kế hoạch, mô hình phát triển sản xuất trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia”.

Đây là một điều kiện thuận lợi cơ bản để các địa phương, trong đó có Bạc Liêu đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình. Tận dụng thuận lợi này, tỉnh sẽ đẩy mạnh thực hiện Chương trình, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, ấp, khóm khó khăn nhất.

Nguyễn Quốc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.