Chính trị
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Cùng bàn luận
BÚA LIỀM VÀNG 2023
BÚA LIỀM VÀNG 2024
Để “dân số vàng” trở thành đột phá
Một trong 3 đột phá quan trọng được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa (XVI) xác định đến năm 2025 là tập trung phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Để tạo nền tảng cho đột phá này, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 12 về phát triển và nâng cao nguồn nhân lực đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn thiếu những định hướng chiến lược về nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển 5 trụ cột kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh. Đồng thời, chưa giải quyết tốt bài toán việc làm cùng năng suất lao động vốn là nhân tố có tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế.
Sinh viên ngành Nông nghiệp sau khi ra trường được nhận vào làm việc tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh. Ảnh: K.T
NHU CẦU VỀ NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO
Từ Nghị quyết 12 của Tỉnh ủy cho thấy, nguồn nhân lực đã được quan tâm nhiều hơn nhưng phần lớn tập trung nhiều ở việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, đồng thời thiếu những quy hoạch, chi tiết cụ thể cho các trụ cột.
Quan tâm đến vấn đề này, bởi việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho 5 trụ cột KT-XH, nhất là trụ cột về nông nghiệp đã trở thành vấn đề bức xúc và cần có ngay các giải pháp, nếu không Bạc Liêu sẽ khó tránh khỏi nguy cơ tụt hậu, kém phát triển.
Nhìn lại bức tranh tăng trưởng kinh tế trong 10 năm qua cho thấy, tăng trưởng ở khu vực II (công nghiệp - xây dựng) không ngừng tăng trưởng và đạt mức cao, có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng bình quân GRDP của tỉnh từ mức 20,5%/năm giai đoạn 2011 - 2015 lên mức 28,5%/năm giai đoạn 2016 - 2020. Trong khi đó, khu vực I (nông nghiệp) tuy tăng trưởng chậm hơn nhưng vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu kinh tế và đóng góp đến 33,8% tăng trưởng GRDP của tỉnh. Đặc biệt, khu vực I đã tham gia giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho 2/3 cư dân ở vùng nông thôn, cũng như chiếm trên 73% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Rõ ràng, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong sản xuất nông nghiệp hiện nay không chỉ là nhu cầu tất yếu, mà còn là tiền đề quyết định đến phát triển bền vững. Bạc Liêu đang phấn đấu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước, nhưng lại thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao để thực hiện khát vọng này. Cụ thể, trong lĩnh vực chế biến con tôm xuất khẩu, đến nay chiếm trên 90% là xuất sản phẩm thô và chưa sản xuất được nhiều mặt hàng giá trị gia tăng cao.
Ông T.T.K - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chế biến và xuất khẩu thủy sản T.K (TP. Bạc Liêu) cho biết: “Doanh nghiệp xuất khẩu nào cũng có nhu cầu chế biến hàng giá trị gia tăng để mang lại nhiều lợi nhuận, nhưng cái khó của các doanh nghiệp hiện nay là không có công nhân có tay nghề cao. Các doanh nghiệp đã từng tổ chức tập huấn và mời cả các trường vào đào tạo nhưng tập quán của người lao động Bạc Liêu là ít chịu học nghề, họ chỉ thích làm các nghề đơn giản như: lột tôm, xếp hộp, phân cỡ… Vả lại, chỉ cần cơ sở nào trả lương cao hơn là công nhân chuyển từ nhà máy này sang nhà máy khác, ít chịu gắn bó với doanh nghiệp nên rất khó đào tạo và sản xuất các mặt hàng giá trị gia tăng. Vì vậy, chế biến hàng giá trị gia tăng đối với doanh nghiệp là rất rủi ro, nếu ký xong hợp đồng xuất khẩu mà không có công nhân làm để xuất hàng thanh toán thì doanh nghiệp coi như phá sản”.
Từ thực trạng trên cho thấy, nếu bất cập này không được giải quyết thì Bạc Liêu chỉ là thủ phủ nuôi tôm, xuất bán hàng thô chứ không thể khai thác hết các giá trị mang lại từ con tôm, cũng như gây lãng phí nguồn tài nguyên này. Trong khi đó, nhiều tỉnh, thành khác đã thành công và làm giàu từ việc khai thác tốt tài nguyên, thế mạnh của địa phương họ. Chẳng hạn như tỉnh An Giang, đã khai thác, chế biến con cá tra thành ngành công nghiệp với hàng trăm sản phẩm.
Kiểm tra tay nghề sau đào tạo (nghề chế biến thủy sản xuất khẩu) tại Trường cao đẳng KT-KT Bạc Liêu.
“CHẢY MÁU” NGUỒN NHÂN LỰC
Lâu nay Bạc Liêu được xem là tỉnh có nguồn lao động trẻ rất dồi dào và đang trong giai đoạn của thời kỳ “dân số vàng”. Thế nhưng, các doanh nghiệp của tỉnh đều than thiếu lao động và tuyển không có người, vì phần lớn lao động của tỉnh đã xa xứ mưu sinh.
Qua số liệu của Cục Thống kê cho thấy, hàng năm Bạc Liêu có khoảng 3.000 người bước vào tuổi lao động, đặc biệt lực lượng lao động trẻ của tỉnh rất nhiều. Tính đến năm 2020, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên có đến 527.365 người, trong đó lao động ở khu vực nông thôn có 385.980 người, chiếm 73,19%. Song, điều đáng trăn trở là phần lớn lao động của tỉnh lại rơi vào cảnh “ly hương”!
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên được xác định là nguồn nhân lực đầy tiềm năng, chiếm khoảng 57,8% tổng dân số. Nếu số lao động trẻ này cứ phải “ly hương” sẽ dẫn đến một hệ lụy là lao động địa phương ngày một già hóa và trong tương lai gần sẽ không còn nguồn lao động trẻ để phục vụ cho phát triển 5 trụ cột và cả việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực mang tính kế thừa.
Tình trạng lao động Bạc Liêu phải ly hương có nhiều nguyên nhân. Ngoài quy mô của nền kinh tế, thị trường lao động, còn một nguyên nhân cơ bản khác là công tác đào tạo nghề và năng suất lao động kém nên thu nhập không cao, thiếu ổn định. Tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 63,44%, nhưng số lao động có chứng chỉ, bằng cấp đạt 23,97%. Hàng năm, Bạc Liêu đã giải quyết việc làm mới cho trên 22.700 lao động, nhưng trong đợt dịch COVID-19 Bạc Liêu lại có đến 26.000 lao động ngoài tỉnh về quê tránh dịch với độ tuổi trung bình từ 15 - 34.
Theo tính toán và dự báo của ngành quản lý, đến năm 2025 dân số Bạc Liêu khoảng 939.664 người. Trong đó, dân số trong độ tuổi lao động khoảng 542.528 người, chiếm hơn 57,7% so với tổng dân số của tỉnh. Vậy, nguồn lao động trẻ này có tiếp tục bị “chảy máu”?
Phản ánh thực tiễn trên để thấy rằng, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trong thời gian qua đã tiêu tốn rất nhiều vốn đầu tư từ ngân sách nhưng hiệu quả mang lại không cao. Cụ thể, theo Chương trình việc làm giai đoạn 2021 - 2025, Bạc Liêu sẽ đầu tư trên 241 tỷ đồng và thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng cần trên 544 tỷ đồng.
Sinh viên nghề nuôi trồng thủy sản Trường cao đẳng KT-KT Bạc Liêu trong giờ thực hành.
CẦN NHỮNG GIẢI PHÁP CĂN CƠ
Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, cơ cấu kinh tế của Bạc Liêu tiếp tục có sự chuyển dịch, đến năm 2025 tỷ trọng ngành Nông - lâm nghiệp và thủy sản chiếm 33,64%; công nghiệp và xây dựng chiếm 22,79%; dịch vụ chiếm 34,05%. Vì vậy, phải có ngay các giải pháp trong công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cũng là để đón đầu các cụm công nghiệp đang được xúc tiến và xây dựng ở các địa phương hiện nay. Vì sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế sẽ tác động trực tiếp đến cơ cấu lao động theo hướng giảm tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và tăng tỷ trọng lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp, nhất là việc phát triển các nhà máy, khu chế xuất ở các cụm công nghiệp nói riêng và chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho từng trụ cột nói chung.
Thực hiện tốt vấn đề này, ngoài giải quyết được bài toán việc làm cho lao động địa phương, còn góp phần hóa giải được thách thức già hóa dân số và cả việc làm trong tương lai. Theo Bộ luật Lao động năm 2019, số tuổi lao động nam và nữ nghỉ hưu muộn hơn, do vậy, thời gian lực lượng lao động rút khỏi thị trường lao động sẽ giảm so với trước đây. Điều đó sẽ tạo thêm áp lực trong việc giải quyết việc làm mới cho lao động tăng thêm hàng năm. Mặt khác, nếu không có trình độ, tay nghề, người lao động dễ bị đẩy vào cảnh thất nghiệp và tạo nên những gánh nặng cho xã hội trong giải quyết các vấn đề an sinh.
Để giải quyết tốt mối quan hệ giữa cung và cầu lao động, tạo điều kiện cho người lao động có việc làm ổn định và các ngành kinh tế có đủ lao động đáp ứng yêu cầu cho phát triển KT-XH, Bạc Liêu cần có ngay các giải pháp căn cơ hơn cho giai đoạn “dân số vàng” và xem đây là động lực tạo nên những đột phá mới. Cũng như đẩy mạnh hơn nữa các chính sách hỗ trợ phát triển thị trường lao động, nâng cao năng lực cho các trường, trung tâm đào tạo nghề và giới thiệu việc làm. Đồng thời, xem phát triển nguồn nhân lực không chỉ cho mục tiêu phát triển, tăng trưởng kinh tế, mà còn là an sinh, công bằng xã hội và hoàn thành chỉ số “hạnh phúc” mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ XVI đã đề ra.
LƯ TRUNG
* Tiến sĩ Phan Văn Đàn - Hiệu trưởng Trường đại học Bạc Liêu: Xem doanh nghiệp là “cánh tay nối dài”
Nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ chủ yếu trong Nghị quyết 12 của Tỉnh ủy, Trường đại học Bạc Liêu đã phát triển chương trình đào tạo, mở rộng quy mô đào tạo ngành nghề phục vụ thiết thực cho nhu cầu phát triển KT-XH của tỉnh, đặc biệt trên các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ 4.0 và văn hóa du lịch.
Theo đó, trường tập trung nâng cao chất lượng đào tạo thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo; nâng cao kỹ năng làm việc cho sinh viên sau khi tốt nghiệp đáp ứng yêu cầu các nhà tuyển dụng. Đồng thời, không ngừng củng cố mở rộng, phát triển hợp tác, xem hội nhập là xu thế và là động lực cho sự phát triển toàn diện nhà trường.
Hiện trường đã và đang cải tiến nâng cao chất lượng 13 chương trình đào tạo đại học hiện có: Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh, Kế toán, Tài chính - Ngân hàng, Nuôi trồng thủy sản, Chăn nuôi, Bảo vệ thực vật… Trong đó, đã xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo chất lượng cao gồm: Chương trình nuôi tôm công nghệ cao, Chương trình công nghệ phần mềm, Chương trình văn hóa du lịch…
Bên cạnh đó, trường đã triển khai thực hiện hiệu quả Đề án nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng khung chương trình đào tạo hợp lý, đảm bảo tính khoa học, tính hội nhập và sự liên thông. Thiết kế các mô-đun dạy học lý thuyết, thực hành theo định hướng một trường đại học ứng dụng. Hiện nay đã có 10 chương trình được thiết kế chuẩn đầu ra.
Ngoài ra, trường thường xuyên cập nhật nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy căn cứ vào nhu cầu của doanh nghiệp. Định kỳ tiếp xúc, tìm hiểu nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp để góp phần xây dựng chuẩn đầu ra cho quá trình đào tạo. Đồng thời, xây dựng cơ chế để mời đội ngũ doanh nhân trực tiếp tham gia giảng dạy những nội dung cần thiết trong chương trình đào tạo. Việc phối hợp cùng với nhà trường, các nhà doanh nghiệp như: Tập đoàn Việt - Úc, VNPT Bạc Liêu, Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển nông nghiệp và thủy sản Bạc Liêu trong xây dựng chương trình đào tạo có ý nghĩa rất quan trọng trong việc rút ngắn khoảng cách từ giảng đường tới thực tiễn.
Trường cũng đã ký kết hợp tác với 4 doanh nghiệp: Công ty Cổ phần đầu tư phát triển nông nghiệp và thủy sản Bạc Liêu, Tập đoàn Việt - Úc Bạc Liêu, Tập đoàn Mỹ Lan, Công ty TNHH Long Mạnh nhằm tạo môi trường để sinh viên thực tập nâng cao tay nghề. Xem doanh nghiệp là cánh tay nối dài của trường trong việc tăng cường nâng cao chất lượng đào tạo, giải quyết việc làm cho sinh viên sau đào tạo, cũng như hướng đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong tương lai.
* Tiến sĩ Trần Công Chánh - Hiệu trưởng Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu: Quan tâm công tác đào tạo nghề, góp phần phát triển nguồn nhân lực
Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng lao động bị thiếu việc làm chính là nạn “thừa thầy, thiếu thợ”. Cũng như trong nhận thức của nhiều người còn chưa quan tâm đến tầm quan trọng của việc học nghề để lập thân, lập nghiệp.
Với mong muốn góp phần vào phát triển nguồn nhân lực của tỉnh và tạo mọi điều kiện để người lao động tham gia học tập, có điều kiện phát triển toàn diện, trường đã tổ chức đào tạo từ trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo thường xuyên, kể cả đào tạo liên thông từ trung cấp lên đại học.
Đến nay, trường đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp (GDNN) với 41 ngành, gồm: 5 ngành trình độ cao đẳng, 12 ngành trình độ trung cấp, 24 ngành trình độ sơ cấp với các ngành gắn với thế mạnh kinh tế của tỉnh. Đặc biệt, nhà trường được phê duyệt 5 ngành nghề trọng điểm gắn các trụ cột phát triển KT-XH của tỉnh như: Nuôi trồng thủy sản, Chế biến và bảo quản thủy sản, Chăn nuôi - Thú y, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, Nghiệp vụ nhà hàng - khách sạn, góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xây dựng Bạc Liêu trở thành “thủ phủ” ngành công nghiệp tôm cả nước và trung tâm du lịch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Song song đó, trường không ngừng tập trung phát triển, đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN. Đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. Đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao GDNN trong tình hình mới…
Tuy nhiên, để giải quyết những khó khăn và bất cập trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm hiện nay, các ngành, địa phương cần quan tâm đến công tác quy hoạch đào tạo nghề ở ngay trong đơn vị, địa phương mình trên tinh thần chủ động đào tạo thông qua phối - kết hợp với các trường, nhằm phát huy hiệu quả đầu tư, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, tránh lãng phí tiền của Nhà nước và cả công sức của người học.
K.T (thực hiện)
- Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri TP. Bạc Liêu
- 2 tháng cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo vệ tết Nguyên đán Ất Tỵ
- Những quy định mới về tổ chức, hoạt động và quản lý hội
- Hiệu quả liên kết hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL
- Chế độ, chính sách đối với các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh