Chính trị
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Cùng bàn luận
BÚA LIỀM VÀNG 2023
BÚA LIỀM VÀNG 2024
Để quyền làm chủ của Nhân dân được phát huy tối đa
Tập trung vào những vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, qua đó, góp phần tăng cường quyền làm chủ, sự đồng thuận của Nhân dân trong xây dựng Đảng, Nhà nước, những năm qua, hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng và sự phối hợp của chính quyền các cấp. Tuy nhiên, nếu chủ trương “dân biết, dân làm” đã được thực hiện tốt thì việc “dân bàn, dân kiểm tra” cần phải được sự quan tâm nhiều hơn nữa để vai trò làm chủ của Nhân dân được phát huy tối đa.
Bài 1: Nghe “dân nói, dân bàn”
Công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị - xã hội là một chủ trương lớn của Đảng từ nhiều nhiệm kỳ qua. Đối với Bạc Liêu, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh đã triển khai thực hiện hoạt động giám sát và phản biện xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng.
Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh giới thiệu về Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận với các hộ dân xã Vĩnh Lộc A (huyện Hồng Dân), ngày 24/8/2023.
Cầu thị ý kiến Nhân dân
Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang) là một dự án lớn, có vốn đầu tư cao với mục tiêu từng bước hoàn thiện quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông - vận tải và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Kiên Giang và Bạc Liêu. Chiều dài dự án gần 52km, trong đó đoạn qua tỉnh Bạc Liêu dài 6,6km.
Với một dự án có tầm cỡ và ý nghĩa quan trọng như đường Hồ Chí Minh thì việc lắng nghe ý kiến người dân ngay từ bước đầu triển khai dự án đã được các cấp chính quyền cùng ngành chức năng chú trọng. Cuối tháng 8/2023, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hồng Dân đã tổ chức 3 cuộc họp lấy ý kiến của khoảng 100 hộ dân xã Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Lộc A nơi dự án đi qua.
Sau khi nghe đại diện Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh trình bày tóm tắt việc thực hiện dự án, hầu hết người dân thống nhất và đồng tình cao với quyết định của Chính phủ. Bà con cũng đề nghị khi triển khai thi công cầu, cống phải có phương án thi công cọc hợp lý để tránh ảnh hưởng đến nhà cửa của hộ dân xung quanh khu vực thi công.
Trong tiến trình thi công hệ thống cầu phải bảo đảm độ thông thuyền, giúp phương tiện thủy có trọng tải lớn dễ dàng lưu thông. Và điều bà con mong mỏi hơn cả là phải thi công đúng tiến độ, tránh kéo dài ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân. Những ý kiến của người dân đã được Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh lắng nghe, tiếp thu toàn bộ.
Khi người dân trực tiếp tham gia vào tiến trình xây dựng dự án, trí tuệ và nguyện vọng của Nhân dân được phát huy, tôn trọng thì việc tiến hành dự án chắc chắn sẽ gặp nhiều thuận lợi bởi “ý Đảng” đã hợp với “lòng dân”. Đây cũng là cơ sở để MTTQ các cấp tiến hành giám sát việc thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của Nhân dân.
Qua giám sát, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh kiến nghị HĐND, UBND tỉnh nâng mức bồi dưỡng hằng tháng cho các chốt đoàn thể ở khóm, ấp. Trong ảnh: Người hoạt động không chuyên trách ở ấp 1, xã Long Điền Đông A, huyện Đông Hải (bìa trái) cùng cán bộ xã đi nắm tình hình đời sống người dân. Ảnh: N.Q
Góp đúng, trúng vấn đề dân quan tâm
Năm học 2023 - 2024 là năm đầu tiên các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh thực hiện Nghị quyết 11, ngày 14/7/2023 của HĐND tỉnh quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh. Với những quy định nội dung, mức thu cụ thể các khoản thu dịch vụ đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên công lập, nên có thể nói Nghị quyết có sự tác động rộng rãi đến xã hội.
Để tăng tính thực tiễn cho Nghị quyết, từ cuối năm 2022, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tiến hành phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết. Đồng tình phải ban hành nghị quyết, nhằm khắc phục những bức xúc, tồn tại về vấn đề các khoản thu trong một số nhà trường, tuy nhiên, đa số đại biểu băn khoăn về một số khoản thu và mức thu được nêu trong dự thảo nghị quyết chưa phù hợp, cần cân nhắc kỹ. Theo đại biểu, còn nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, ít có điều kiện đưa trẻ đến trường. Nay lại đặt thêm một số khoản thu đối với các học sinh cho từng cấp học, như: thu tiền học thêm, dạy thêm trong nhà trường, thu hỗ trợ công tác vệ sinh trường lớp, khoản thu năng khiếu thể thao, năng khiếu nghệ thuật... thì trong thời gian tới số lượng học sinh có thể bị giảm.
Cơ quan soạn thảo đã xem xét, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết theo phản biện của đại biểu. Từ đó, nghị quyết khi ban hành đã được người dân đón nhận và đánh giá là phù hợp với các quy định của pháp luật về giáo dục và về giá, nhất là phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, thu nhập của phụ huynh học sinh trên địa bàn tỉnh.
Ngoài nghị quyết này, ông Bùi Tấn Bảy - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh còn đánh giá cao hoạt động phản biện xã hội của MTTQ tỉnh đối với nhiều dự thảo nghị quyết khác, nổi bật là dự thảo nghị quyết quy định vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh. Dù đã nhiều lần được chỉnh sửa, bổ sung, dự kiến trình HĐND tỉnh xem xét thông qua trước năm 2022, song, văn bản này vẫn còn nhiều điểm cần làm rõ. Tại hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo nghị quyết vào ngày 24/11/2021 bằng hình thức trực tuyến, các đại biểu đề nghị cơ quan tham mưu soạn thảo phải bao hàm hết việc nuôi chim yến và bám sát các quy định pháp luật về nuôi chim yến, đồng thời, làm rõ những cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn trước khi xây dựng dự thảo Nghị quyết quy định vùng nuôi chim yến.
Sau khi được thông qua tại kỳ họp giữa năm 2022 của HĐND tỉnh khóa X trong sự trông đợi của người dân, Nghị quyết đã được ban hành, dù muộn khi mà việc xây dựng các cơ sở dẫn dụ và nuôi chim yến trên địa bàn diễn ra quá nhanh, vượt mức tái đàn tự nhiên của chim yến. Nhưng bởi có sự giám sát, phản biện chặt chẽ, sát sườn với đời sống nên Nghị quyết đã giải tỏa bức xúc của người dân đang chịu tác động tiêu cực từ hoạt động dẫn dụ, nuôi chim yến.
Nguyễn Quốc
Từ đầu nhiệm kỳ 2019 - 2024 đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh đã chủ trì và phối hợp giám sát 258 cuộc. Qua đó, cơ quan giám sát đều có văn bản kiến nghị gửi đến các cơ quan có thẩm quyền.
Đồng thời, chủ trì tổ chức phản biện 137 cuộc đối với dự thảo các dự án luật, các văn bản dự thảo do HĐND, UBND các cấp chủ trì soạn thảo có liên quan đến đời sống của người dân.