Chính trị
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Cùng bàn luận
BÚA LIỀM VÀNG 2023
BÚA LIỀM VÀNG 2024
Để quyền làm chủ của Nhân dân được phát huy tối đa
Bài 2: “Hành lang rộng” cho giám sát, phản biện xã hội
>> Bài 1: Nghe “dân nói, dân bàn”
Với sự nỗ lực đa dạng hóa về hình thức, nâng cao chất lượng nội dung, hoạt động giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh đã đạt nhiều tiến bộ, có chiều sâu và chất lượng tốt. Kết quả này, trước hết bắt nguồn từ sự tạo điều kiện thuận lợi của các cấp ủy đảng, thông qua việc ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, đặc biệt là Quyết định 217 của Bộ Chính trị khóa XI ban hành Quy chế GS, PBXH của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức hội nghị phản biện xã hội 2 dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh và 1 dự thảo quyết định của UBND tỉnh liên quan đến người dân.
Thể chế thuận lợi
Công tác GS, PBXH của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội là một chủ trương lớn của Đảng, nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.
Cách nay 10 năm, Bộ Chính trị đã ban hành Quy chế GS, PBXH của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Trong văn bản này, Trung ương nêu rõ “GS, PBXH mang tính nhân dân, tính dân chủ xã hội chủ nghĩa, tính xây dựng, tính khoa học và thực tiễn”. Sau đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 2479 về “Quy chế GS, PBXH của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh”.
Thực hiện GS, PBXH cũng là quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, đã được quy định rõ tại Điều 3 của Luật MTTQ Việt Nam năm 2015. Luật dành 2 chương V và VI để quy định về hoạt động GS, PBXH của tổ chức này.
Và cách nay gần 1 năm, Ban Bí thư Trung ương Đảng tiếp tục có Chỉ thị 18, ngày 26/10/2022 về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GS, PBXH của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Cụ thể hóa Chỉ thị 18, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã yêu cầu các cấp ủy tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân về phát huy dân chủ ở cơ sở, công tác GS, PBXH.
Đồng thời, các cấp ủy quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia GS, PBXH. Chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền có trách nhiệm khẩn trương giải quyết các kiến nghị sau GS, PBXH. Người đứng đầu cấp ủy trực tiếp chỉ đạo công tác GS, PBXH, xác định đây là nội dung quan trọng, thường xuyên trong công tác xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh và là một giải pháp quan trọng để thực hiện hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Ủy ban MTTQ Việt Nam Phường 3 (TP. Bạc Liêu) phối hợp giám sát công trình nâng cấp hẻm hậu Lý Thường Kiệt - khóm 3, dài hơn 200m. Ảnh: N.Q
Giám sát để phòng tiêu cực
Các thể chế về hoạt động GS, PBXH ngày một hoàn thiện là điều kiện thuận lợi cơ bản để MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh thực hiện quyền và trách nhiệm của mình.
Một trong những đơn vị tiêu biểu trong thực hiện 2 hoạt động này là Ủy ban MTTQ Việt Nam Phường 3 (TP. Bạc Liêu). Ngày 1/9, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường phối hợp với UBND phường họp dân vận động thực hiện thi công tác tuyến hẻm trên địa bàn từ nguồn vốn tỉnh hỗ trợ năm 2023. Năm nay, tỉnh đầu tư cho Phường 3 hơn 6,4 tỷ đồng để nâng cấp 6 tuyến hẻm ở các khóm 6, 7 và 8, với tổng chiều dài 2,2km. Sau khi thông tin dự án được công khai trước dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam Phường 3 kêu gọi người dân góp tiền để mua thùng rác và lắp đèn chiếu sáng công cộng để các tuyến hẻm sáng, sạch.
Bà Thái Thị Huỳnh Thảo - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Phường 3 cho biết những năm qua, công tác nâng cấp hẻm ở Phường 3 đã được công khai trước dân và được Nhân dân GS chặt chẽ. Khi công trình được tiến hành xây dựng, Ban GS cộng đồng, trong đó vai trò chủ công là Ban công tác mặt trận khóm, Trưởng khóm và Ủy ban MTTQ Phường 3 thường xuyên đến GS quá trình thi công. Chiều cao mặt đường, độ dày của bê-tông, bảo đảm môi trường tại công trường... đều được theo dõi kỹ. Nhờ đó, một số sai sót đã được phát hiện, nhắc nhở kịp thời để nhà thầu khắc phục, góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Ngoài hoạt động này, cơ quan này còn GS công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ chính trị; GS việc thu, đăng nộp và sử dụng đảng phí đối với các chi ủy trực thuộc Đảng bộ phường; GS việc chấp hành Chỉ thị 12 năm 2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy…
Trong vai trò là cơ quan đại diện cho tiếng nói của phụ nữ, hằng năm Hội LHPN tỉnh đều lập đoàn GS việc chấp hành Điều 8 và Điều 9 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, công tác cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, việc thực hiện Nghị định 39 năm 2015 của Chính phủ về quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số... Bà Tô Thị Mỹ Thuận - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, bên cạnh kế hoạch trong cả nhiệm kỳ, các cấp Hội trong tỉnh còn tham mưu cấp ủy chọn chủ đề GS hằng năm liên quan đến vấn đề phụ nữ, trẻ em quan tâm. Theo đó, từ năm 2013 đến nay, các cấp Hội đã GS 720 cuộc, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em và nâng cao vị thế của tổ chức Hội Phụ nữ.
Đa dạng hình thức thực hiện
Hoạt động GS của MTTQ các cấp trong tỉnh và các tổ chức thành viên được thực hiện bằng nhiều hình thức (nghiên cứu văn bản, lập đoàn GS, GS qua hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban GS đầu tư của cộng đồng...), liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương. Bên cạnh đó, MTTQ các cấp còn tham gia với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND cùng cấp GS một số chuyên đề, lĩnh vực mà cử tri và Nhân dân quan tâm.
Sau GS, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội đều có văn bản kiến nghị gửi đến các cơ quan có thẩm quyền. Nhìn chung, những kiến nghị của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cơ bản được các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương tiếp thu, giải trình và thực hiện nghiêm túc...
Công tác PBXH cũng được Tỉnh ủy đánh giá có nhiều tiến bộ, có chiều sâu, đạt chất lượng tốt. Hoạt động này diễn ra qua hình thức gửi dự thảo văn bản được PBXH đến tổ chức, cá nhân có liên quan để lấy ý kiến; đối thoại trực tiếp giữa Ủy ban MTTQ với cơ quan có văn bản được phản biện. Những kiến nghị sau PBXH, cơ quan có văn bản được phản biện đã có văn bản phản hồi cho Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp biết.
Nguyễn Quốc