Để quyền làm chủ của Nhân dân được phát huy tối đa

Thứ Hai, 11/09/2023 | 15:36

Bài cuối: Cần thực chất hơn

>> Bài 1: Nghe “dân nói, dân bàn”

>>Bài 2: “Hành lang rộng” cho giám sát, phản biện xã hội

Thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, kế thừa 4 bản Hiến pháp trước đây, Hiến pháp năm 2013 quy định “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân” và “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân”. Một trong những giải pháp để phát huy dân chủ (dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện) là tiếp tục đưa hoạt động GS, PBXH của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong tỉnh đi vào thực chất hơn.

Ít giám sát cán bộ

Thời gian qua, hoạt động GS, PBXH của MTTQ, 5 tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đây là khẳng định của đồng chí Nguyễn Văn Hòa - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tại Hội nghị sơ kết nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI diễn ra ngày 27/6/2023.

Tuy nhiên, cũng theo Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, bên cạnh những kết quả tích cực, các hoạt động này vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Việc lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy đảng, sự phối hợp của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền chưa chặt chẽ. Thực tế đã minh chứng, nơi nào, cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện cho Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp về công tác GS và PBXH thì nơi đó việc triển khai thực hiện đạt kết quả tốt, đem lại chất lượng, hiệu quả cao.

Công tác tham mưu của MTTQ và các tổ chức thành viên các cấp đôi lúc còn bị động, chưa sâu, thiếu đồng bộ. Hạn chế này xuất phát từ việc vẫn còn cán bộ Mặt trận chưa hiểu rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, hình thức, phương pháp GS và PBXH. Đồng thời, còn thiếu và yếu về kinh nghiệm, kiến thức, năng lực chuyên môn. Một số cán bộ Mặt trận, đoàn thể còn ngại va chạm, chưa mạnh dạn thực hiện trách nhiệm kiểm tra, GS và đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Đơn cử đối với hình thức GS bằng hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, MTTQ các cấp trong tỉnh dù đã thực hiện được với 260 văn bản (tính từ năm 2018 - 2023), song việc này còn bị động, phụ thuộc cơ quan chức năng có gửi văn bản đến Ủy ban MTTQ để được GS hay không.

MTTQ GS chủ yếu thực hiện đối với tổ chức, còn GS đối với cá nhân cán bộ, đảng viên chưa được thực hiện thường xuyên. Việc GS hoạt động của người đứng đầu, góp ý sự lãnh đạo của cấp ủy, điều hành chính quyền còn ít cũng như chưa tiến hành GS đại biểu dân cử.

Dù cũng có vai trò và chức năng nhưng đến nay MTTQ cấp xã, cấp huyện vẫn chưa tổ chức được hoạt động PBXH, do nhiều nguyên do, nhưng chủ yếu là nguồn lực thực hiện không đáp ứng yêu cầu. Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban GS đầu tư của cộng đồng tuy được triển khai thực hiện, nhưng một số nơi chất lượng hoạt động chưa cao, trình độ chuyên môn, năng lực, nghiệp vụ còn hạn chế, chưa đầu tư nghiên cứu các văn bản hướng dẫn của các cấp nên việc thực hiện nhiệm vụ chưa đạt hiệu quả cao.

Việc tiếp thu, trả lời, phản hồi các kiến nghị của MTTQ và các đoàn thể sau GS và PBXH của các cơ quan, tổ chức, đơn vị có lúc chưa được kịp thời, dẫn đến hiệu quả công tác PBXH chưa cao.

Ban công tác Mặt trận các khóm, ấp tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với Nhân dân năm 2023. Ảnh: N.Q

Giải pháp đồng bộ

Trên thực tế, GS, PBXH của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và quần chúng nhân dân mang tính chất xã hội, nghĩa là tính bắt buộc không cao; hiệu quả của nó chỉ có thể phát huy tốt nếu có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cho nên, để hoạt động GS và PBXH của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong tỉnh thực chất hơn, trong thời gian tới, thiết nghĩ, cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, quán triệt đầy đủ các quyết định, quy định, chủ trương của Trung ương và Tỉnh ủy trong lĩnh vực này. Qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân để tham gia thực hiện có kết quả tốt 2 hoạt động GS và PBXH.

Chính quyền các cấp cũng cần tiếp tục phối hợp, tạo điều kiện để MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia GS, PBXH. Duy trì thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp và các chương trình, công tác phối hợp giữa Ban cán sự đảng UBND tỉnh với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; chương trình, kế hoạch phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ với các sở, ban, ngành có liên quan.

Đối với MTTQ và các tổ chức thành viên, định kỳ hằng năm, trao đổi, thống nhất nội dung GS và PBXH để phân công trách nhiệm từng nội dung, tránh trùng lặp. Sau GS và PBXH thì kịp thời báo cáo kết quả GS và PBXH cho cấp ủy, chính quyền biết để chỉ đạo, lãnh đạo. Cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng cần tiếp thu nghiêm túc ý kiến, kiến nghị, góp ý xây dựng của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội.

Và một biện pháp quan trọng nữa là, để thực hiện tốt quyền và trách nhiệm của mình, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp cần nâng cao năng lực, bản lĩnh, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về công tác GS và PBXH. Song song đó, làm cho mạnh thêm công tác tập hợp và phát huy vai trò của lực lượng từ các tổ chức thành viên, các hội đồng tư vấn/ban tư vấn, Ban công tác Mặt trận khóm, ấp, cá nhân tiêu biểu, chuyên gia trên các lĩnh vực tham gia vào công tác GS và PBXH.

Kết

Hoạt động GS và PBXH của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Liên đoàn Lao động hướng đến mục đích cuối cùng góp phần xây dựng và thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, đồng thời phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.

Những kết quả đạt được của 2 hoạt động này trên địa bàn Bạc Liêu đã cơ bản đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhân dân. Thời gian tới, để phát huy tối đa vai trò làm chủ của Nhân dân, đưa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” thật sự đi vào cuộc sống thì cần thực hiện đồng bộ các biện pháp được đề xuất ở phần trên đã nêu. Có như vậy, hoạt động GS và PBXH sẽ bảo đảm tính nhân dân, tính dân chủ xã hội chủ nghĩa, tính xây dựng, tính khoa học và thực tiễn.

Nguyễn Quốc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.