Định kiến

Thứ Sáu, 18/10/2019 | 17:21

Trong cuộc sống, trong quan hệ giữa người với người, trong giao tiếp hàng ngày và cả trong công việc… chúng ta đều “vô tình” có những ứng xử mang tính định kiến mà ta không hề hay biết. Bởi định kiến trở thành khuôn mẫu, “mặc định” tự nhiên theo thời gian, như là sự… vốn dĩ.

Định kiến và thành kiến thường “đi chung” với nhau và được sử dụng với ý nghĩa như nhau. Nếu định kiến là ý nghĩ “cố định” do cách nhìn sai lệch dựa trên cảm tính thì thành kiến là cái đã “hình thành” sẵn trước đó và thành nếp nghĩ cố định của con người. Tuy nhiên, định kiến không chỉ có tiêu cực mà còn có cả tích cực (Định kiến về định kiến giới là định kiến tích cực định kiến “Trứng làm sao khôn hơn vịt” (phản bác lại)… là định kiến tích cực).

Nhưng trong mấy dòng suy nghĩ này, xin được tập trung vào phía định kiến… tiêu cực - vì tiêu cực là “tinh thần chủ đạo” của định kiến.

Phải thừa nhận rằng, ngày nay cho dù xã hội phát triển, tiến bộ nhưng trong ý nghĩ của mỗi người, định kiến vẫn luôn “ngự trị” (chỉ có khác nhau ở mức độ ít nhiều mà thôi), chẳng hạn như khi nói đến nghề người mẫu, nghề tiếp viên (trừ tiếp viên hàng không) hay nghề gì liên quan đến nhà hàng - khách sạn…, trong đầu người ta ít nhiều cũng gợi lên sự thiếu đoan trang (nhất là nữ giới). Nói đến “xướng ca” luôn kèm theo cái đuôi “vô loài” trong ý nghĩ dù không nói ra… Đây chính là sự thiển cận của con người, đôi khi cố chấp một cách… xu hướng. Cái việc bắt cạo đầu, bôi vôi, ném đá… của một thời đâu đã hết khi người con gái chửa hoang?… Sự kỳ thị, phân biệt về giới, sắc tộc… đâu đó vẫn “hiện hình” ngay cả những nước văn minh, hiện đại. Có thể nói, nguyên nhân sâu xa của bất bình đẳng giới chính là sự ảnh hưởng của khuôn mẫu cổ hủ và định kiến giới. Cái nguy hiểm của khuôn mẫu cổ hủ và định kiến giới còn là thủ phạm của nhiều tội ác và bất hạnh (cạo đầu, bôi vôi, ném đá là một phần nhỏ của tội ác đó).

Nói chi cho xa, mà ngay ở ta, trong quá khứ và trong hiện tại, định kiến giới vẫn luôn âm ỉ. Ngay trong gia đình, cái tư tưởng muốn có gia đình hạnh phúc thì người phụ nữ phải lùi sau chồng một bước. Bởi theo thông lệ thì “gà trống mới gáy”, gà mái gáy là báo hiệu của điềm gở. Thiên chức phụ nữ chỉ làm mẹ, làm vợ. Định kiến một cách rất… tự nhiên.

Trong cơ quan, đơn vị khi “đánh giá” về nam - nữ, người ta cũng “định khuôn” trong lời nói mà không hề ý thức được lời nói của mình. Chẳng hạn, cho dù cùng một trạng thái, một hành động nhưng khi dùng cho nam giới thì nói “anh ấy (hoặc sếp) xông xáo” và cho nữ thì “chị ấy (hoặc sếp) liều lĩnh”, hay “anh ấy sâu sát - chị ấy cầu kỳ”, “ông ấy tự tin - bà ấy tự phụ”… khi chọn lãnh đạo, cho dù cả hai đều đủ chuẩn ngang nhau, nhưng người ta vẫn “phảng phất” tư tưởng: lãnh đạo phải quyết đoán, mạnh mẽ - mà nữ thì nhẹ nhàng, chân yếu tay mềm, không quyết đoán… mà “lỡ” có chọn nữ thì cũng thể hiện bằng trạng thái “ưu tiên nữ”! Ngay cái ý nghĩ “ưu tiên nữ” đã chứa đựng sự định kiến trước đó mà nhiều người không để ý.

Một thực tế đáng suy ngẫm là trong bất kỳ đại hội nào (từ đại hội các đoàn thể cho đến đại hội Đảng các cấp) bao giờ Đảng và Nhà nước ta cũng chủ trương, lãnh đạo để tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo ít nhất là từ 15 - 20%. Nhưng thực tế vẫn rất khó đạt được tỷ lệ này. Tất nhiên, có rất nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân sâu xa cho cái sự không đạt, chính là định kiến - một thứ định kiến có sẵn trước đó…

Định kiến có xóa bỏ được không? Đây là vấn đề khó - rất khó. Bởi định kiến có từ hàng ngàn năm, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, nó đã thành nếp, thành khuôn, thành “chuẩn mực” của xã hội. Định kiến lại “ẩn khuất” trong tư duy, trong tư tưởng, trong suy nghĩ con người nên rất khó chỉ “đích danh”… Tuy nhiên, không thể không xóa được. Nhưng là quá trình cách mạng bền bỉ, kiên trì chứ không thể một ngày một bữa. Định kiến sẽ bị xóa bỏ khi khoa học, tri thức đủ “độ sáng” nhận ra đó là những quan niệm và hành động lạc hậu, không còn phù hợp với thời đại mới, nó là sự trói buộc, kìm hãm sự phát triển. Theo tinh thần này, xã hội càng phát triển, khoa học càng tiến bộ, tri thức được nâng lên… thì định kiến xấu, tiêu cực sẽ không còn đất sống. Bên cạnh việc nâng cao tri thức, tiến bộ xã hội, Đảng và Nhà nước ta còn đề ra những chủ trương, chính sách và hệ thống biện pháp chặt chẽ, rõ ràng: Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Hình sự… để điều chỉnh hành vi, thái độ, tư tưởng, nhận thức lệch lạc… nhằm phá bỏ những khuôn mẫu cổ hủ, là thành trì, là rào cản sự phát triển đi lên của xã hội văn minh…

***

Chúng ta đang chuẩn bị bước vào cuộc sinh hoạt chính trị rộng lớn trong cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân - Đại hội các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Đây là cuộc sinh hoạt của trí tuệ, văn minh, tiến bộ và sự công bằng xã hội. Mấy dòng suy ngẫm này xin được góp một tiếng nói vì sự công bằng đó. Đừng để suy nghĩ cổ hủ, lạc hậu, cố chấp, cảm tính, chủ quan… mang hình hài định kiến mà “tước” đi sự tiến bộ của người tài - đức, đặc biệt là nữ giới một cách thiếu căn cứ khoa học.

N.N.K

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.