Chính trị
Đỡ đầu hộ nghèo: Cần tính đến giải pháp bền vững
Thực hiện kế hoạch giám sát năm 2017, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã thành lập đoàn giám sát về công tác đỡ đầu hộ nghèo năm 2016. Thông qua giám sát tại 14 xã, phường, thị trấn, 7 huyện, thị xã, thành phố và Sở LĐ-TB&XH cho thấy, công tác đỡ đầu hộ nghèo ở địa phương được triển khai khá tốt. Tuy nhiên, cần tính đến yếu tố bền vững vì không ít số hộ được đỡ đầu thoát nghèo có nguy cơ tái nghèo.
Đoàn giám sát Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh làm việc với huyện Đông Hải về công tác đỡ đầu hộ nghèo. Ảnh: T.T
Giúp hộ nghèo theo nhu cầu
Năm 2016, Ban chỉ đạo giảm nghèo tỉnh đã phân công 71 đơn vị ngành tỉnh nhận giúp đỡ 494 hộ nghèo; các huyện, thị, thành phố, xã, phường, thị trấn và doanh nghiệp nhận giúp đỡ 3.570 hộ nghèo. Các đơn vị được phân công giúp đỡ hộ nghèo đã nêu cao tinh thần trách nhiệm và có những giải pháp thiết thực, hiệu quả. Những hộ được giúp đỡ đã nỗ lực tăng gia sản xuất, từng bước cải thiện đời sống, tin tưởng và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Nhiều hình thức hỗ trợ được các đơn vị thực hiện theo nhu cầu hộ nghèo như: hỗ trợ bằng tiền, cây - con giống, thức ăn chăn nuôi, sửa chữa chuồng trại, đầu tư máy bơm nước, xuồng máy, xe bán nước mía… Ngoài ra, một số đơn vị hướng dẫn cách làm ăn, giới thiệu việc làm. Vì vậy, năm 2016 toàn tỉnh đã giảm trên 4.060 hộ nghèo, đạt 145% kế hoạch.
Công tác đỡ đầu hộ nghèo đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các ban ngành, đoàn thể, doanh nghiệp… Điển hình như Công an tỉnh nhận đỡ đầu 35 hộ; Công ty TNHH MTV Cấp nước Bạc Liêu giúp đỡ 10 hộ; Trường đại học Bạc Liêu nhận đỡ đầu 10 hộ; Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Bạc Liêu nhận đỡ đầu 20 hộ; Sở NN&PTNT nhận đỡ đầu 20 hộ…
Cần tính đến sự bền vững
Việc phân công các đơn vị nhận đỡ đầu hộ nghèo được xem là cách để kêu gọi sự chung tay giúp đỡ hộ nghèo. Qua đó giúp địa phương xóa đói giảm nghèo, làm tốt công tác an sinh xã hội. Đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đánh giá cao nhiều đơn vị, địa phương thực hiện công tác đỡ đầu hộ nghèo vượt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Đặc biệt, không ít đơn vị đã tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của hộ nghèo để có sự giúp đỡ thiết thực. Việc giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị nhận giúp đỡ hộ nghèo vừa có thêm nguồn lực thúc đẩy công tác giảm nghèo, vừa góp phần giáo dục ý thức hộ nghèo vươn lên thoát nghèo; đồng thời tạo sự gần gũi, gắn kết hơn giữa người dân và chính quyền các cấp.
Ông Kim Miên, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cho biết: “Đoàn giám sát Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh không chỉ làm việc với các phường, xã, thị trấn; huyện, thị xã, thành phố; mà còn khảo sát ngẫu nhiên trên 50 hộ vừa thoát nghèo từ sự đỡ đầu của các đơn vị. Từ thực tế trên cho thấy, công tác đỡ đầu hộ nghèo vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần sớm khắc phục. Đó là một số đơn vị triển khai công tác đỡ đầu hộ nghèo còn chậm, nên hộ nghèo sử dụng các phương tiện hỗ trợ chưa đạt hiệu quả. Một số đơn vị do có quá ít thời gian đến với hộ nghèo nên không thể giúp hộ nghèo tìm ra phương thức thoát nghèo, dẫn đến sử dụng đồng vốn hỗ trợ không hiệu quả. Phần lớn đơn vị đỡ đầu hộ nghèo ấn định vốn hỗ trợ từ 3 - 5 triệu đồng/hộ, trong khi nhu cầu về vốn của các hộ nghèo lại khá cao, nên việc đỡ đầu kém hiệu quả…
Đoàn giám sát cũng đã gợi ý, đưa ra một số giải pháp tháo gỡ cho vấn đề này là cần tập trung hỗ trợ vốn cho hộ nghèo để làm ăn, sản xuất hiệu quả hơn thay vì dàn trải vốn; hoặc nghiên cứu thêm giải pháp mà đơn vị huyện Vĩnh Lợi đề xuất là: hộ nghèo của huyện không cần nhiều vốn, mà cần hỗ trợ phương thức làm ăn và cùng họ tìm đầu ra cho nông sản, sản phẩm…
Hoàng Uyên
- Công bố các quyết định của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc sắp xếp bộ máy và công tác cán bộ
- Thủ tướng Chính phủ bấm nút khai trương Hệ thống điều phối dữ liệu y tế
- Tưng bừng lễ hội Nghinh Ông Duyên Hải năm 2025
- Huyện Phước Long: Tuyển chọn 176 công dân nhập ngũ năm 2025
- Triển khai nhiệm vụ năm 2025 về thực hiện Đề án 06/CP